Khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, tại một quán cà-phê “cóc” gần hội sở của một tờ tuần báo Văn Nghệ tại Sài Gòn. Bữa đó, tình cờ có sự hiện diện của mấy gương mặt “lớn” một thời sáng giá của thành phố này.
Nhân bàn luận thời cuộc, chính trị (tình hình lúc đó đang sau “đổi mới” của Cộng Sản). Một ai đó đưa ý kiến, rằng hiện nay thì công an chỉ biết bảo vệ đảng, nhưng sau này kinh tế thị trường phát triển, thì công an sẽ “chuyển sang” bảo vệ các ông chủ doanh nghiệp, theo nguyên tắc: “Kẻ nào có tiền thì kẻ đó có… quyền!” Nhà văn S.N đã “gạt” đi, cho rằng ai đó vừa phát biểu là kẻ “nói bậy, nói bạ.”
Thực tế, sau mấy chục năm “đổi mới” – Theo đuổi kinh tế thị trường, định hướng cái đuôi “xã ngãi” của CSVN đã cho thấy nhận định của người bạn trẻ năm xưa nay đã là… hiện thực.
Dẫn chứng gần đây nhất cho thấy, khi có sự “bất đồng ý kiến” về việc đóng học phí của VinSchool (thuộc tập đoàn VCgroup), với phụ huynh theo học tại trường. Nhiều vị phụ huynh đã dùng Facebook lên mạng đã “complain” về cách tăng học phí không đúng như đã cam kết, khi năm học mới chỉ vừa bắt đầu được một tháng. Lập tức, tập đoàn VCgroup yêu cầu công an điều tra “ngay lập tức” những người dám lên mạng xã hội nói xấu lãnh đạo của tập đoàn (tư nhân) VCgroup.
Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) của công an Hà Nội lập tức cho triệu tập một số người có ý kiến “bất mãn” với VCgroup tới “làm việc.” Điều này rõ ràng trái với những quy định về giao dịch dân sự, và cũng không phải việc của PC 50, vì Facebook trên mạng là công khai danh tánh, chứ chả phải loại “tội phạm công nghệ” gì.
Một người dân sinh sống tại một thành phố du lịch biển, có lần còn kể cho chúng tôi nghe. Là ở xứ của anh, lần đó một vị đại gia giàu nhất nhì trong xứ, với hàng loạt nhà hàng, khách sạn, resort… đi xe hơi, tình cờ có sự va chạm với xe chở nước mắm của người dân. Khi đôi bên xuống xe, cùng đang phân bua chuyện phải quấy. Tình cờ, có một viên sĩ quan công an đi ngang, nhìn thấy vị đại gia kia đang phải cự cãi với dân. Y ta liền gọi điện về sở, lập tức một chiếc xe Jeep chở đầy công an được điều tới để bảo vệ vị đại gia. Dù sau đó mọi việc được giải quyết êm xuôi. Vì đại gia kia cũng là người biết chuyện. Nhưng người dân kể chuyện cho chúng tôi, đã lắc đầu ngao ngán: “Bây giờ giới nhà giàu được bảo vệ chẳng khác gì… vua.”
Ở Cần Thơ, một công ty tư nhân dựa hơi quyền thế, đã ăn quỵt tiền lương của mấy bà cháu nghèo còn vu khống họ. Mấy năm sau, công ty của đại gia thủy sản này làm đám cưới cho con, rước dâu bằng dàn xe hơi xịn, mỗi chiếc cả chục tỷ. Nhưng không trả tiền mua cá cho rất nhiều hộ nông dân nghèo, bị dân treo băng-rôn đòi nợ, thì gia đình đại gia này điện kêu công an tới dẹp…
Buôn vua bán chúa không bằng mua chính sách
Khi Liên Xô và chế độ Cộng Sản ở Đông Âu sụp đổ, một nhóm không nhỏ người Việt trở về từ các nước này. Ngoài của cải tích lũy được trong quá trình làm ăn ở xứ cộng sản “trời Âu,” hành trang họ mang về xứ còn có một thứ Việt Nam chưa từng có, đó là kinh nghiệm mua chính sách. Nói nôm na là kinh nghiệm làm sao cho của cải công (do nhà nước quản lý), chảy vào túi tư nhân (là các công ty do nhóm trở về này lập ra). Muốn được vậy, thì họ phải toa rập với các quan chức cấp cao của chế độ để “mua đứt” chính sách do họ thao túng. Trong bối cảnh xã hội Cộng Sản Việt Nam đang phân rã, từ công hữu sang tư hữu, từ vô sản sang… hữu sản mà vẫn “ỡm ờ” chuyện định hướng “xã ngãi,” làm mảnh đất màu mỡ cho tư bản đỏ, tư bản thân hữu, tư bản rừng rú”… phát triển.
Không phải chỉ khi nhóm “sói Nga” trở về, công cuộc làm ăn của giới tư bản thân hữu mới bắt đầu. Mà trước đó, dù quy mô có nhỏ hơn, nhưng “máu tham đã thấy hơi đồng,” khi kinh tế thị trường mở ra, thì các công ty sân sau của “con anh Sáu, cháu anh Năm” cũng đã mọc ra như nấm sau cơn mưa.
Nhưng hùng mạnh như các tập đoàn của đám sói Nga thì sau này mới có. Để đo lường sức mạnh thực sự của họ chỉ cần nhìn vào một thực tế để chứng minh. Đó là, khi Thủ Tướng Cộng Sản Nguyễn Xuân Phúc vừa nhậm chức, trong một buổi làm việc có đặt vấn đề:”Ai cho phép xây dựng tòa nhà 50 tầng tại Giảng Võ, Hà Nội?” Các báo trong nước đồng loạt “giật tít” trên tranh nhất để lấy lòng tân thủ tướng. Nhưng qua ngày hôm sau, các báo đồng loạt hạ bài xuống, hoặc “tảng lờ” qua những tít bài “huề trớt,” kiểu ai cũng hiểu chỉ người đọc là… không hiểu. Còn mấy tay Facebooker thì tỉ mẩn viết ra những tính toán, đất Giảng Võ lúc trước có giá là 25 triệu đồng/1 mét vuông. Từ khi có dự án xây tòa nhà “chọc trời” kia, thì giá đất đã “vọt” lên tới 300 triệu đồng/1 mét vuông, đem nhân với mấy chục héc-ta thì sẽ ra số tiền là bao nhiêu? Mà đây cũng chỉ là một phi vụ “nhỏ như con thỏ” trong việc mua đứt chính sách để trở thành phú gia địch quốc.
Giới phân tích chính trị phương Tây cho rằng, với kinh tế thị trường sẽ hình thành ra giai cấp trung lưu, và chính giới trung lưu sẽ quyết định chính sách làm thay đổi chế độ Cộng Sản. Trên thực tế, chúng tôi thấy quyết định chính sách tại Việt Nam (và có lẽ cả Trung Cộng) là giới tư bản đỏ, tư bản thân hữu chứ không phải giới trung lưu (về căn bản chỉ là những người làm công ăn lương).
Sở dĩ giới phân tích chính trị phương Tây phạm sai lầm, là vì họ đánh giá dựa trên giá trị căn bản của xã hội phương Tây. Là xã hội bầu cử tự do. Do vậy, giai cấp trung lưu chiếm số đông (nhất) trong xã hội, nên giai cấp trung lưu quyết định chính sách và thể chế của xã hội thông qua lá phiếu (dù lý luận này vẫn là khiên cưỡng).
Trong chế độ độc tài, không có bầu cử tự do thì giai cấp trung lưu là giai cấp… thụ động nhất. Họ rất sợ mất địa vị “vô cùng mong manh” của mình, vì chỉ cần bị mất việc một cái là họ đã phải trở về với giai cấp… vô sản lưu manh.
Còn giới tư bản đỏ, tư bản thân hữu… chống lưng phía sau là những nhóm lợi ích có địa vị chính trị. Lúc này họ phải toa rập với nhau để cùng hưởng lợi, cùng bóc lột tài nguyên, tài sản quốc gia, bóc lột dân chúng… Nhưng đồng thời họ cũng “dè chừng” chờ “lật” nhau. Vì chính trị Cộng Sản không thể chung sống với tư bản (dù là tư bản đỏ, tư bản thân hữu). Nhưng chính Cộng Sản cũng không có đường lui, vì lợi ích của các nhóm chính trị cũng xâu xé lẫn nhau theo lối “đèn cù.” Do vậy, cần có sự thỏa hiệp với nhau, mà thỏa hiệp có tính cách bền vững, lâu dài nhất là thỏa hiệp về chinh sách. Sao cho các phe nhóm, các thành phần kinh tế đều có thể chung sống hòa bình với nhau. Cái đó sẽ dần hình thành một xã hội dân chủ, chỉ có thể được bảo đảm bằng thể chế tam quyền phân lập. Đảm bảo cho mỗi cá nhân quyền tư do (dù là tự do kinh doanh hay tự do ngôn luận, tư tưởng…” Dù “giấc mơ”có thể còn xa, nhưng kinh tế bao giờ cũng quyết định thể chế chính trị, chứ không thể ngược lại.