III. Đứng trên vai những người khổng lồ, khởi nghiệp mới vào thế kỷ XXI.
Sau ĐKNT, Việt Nam chứng kiến hai cuộc quốc gia khởi nghiệp lớn.
1. Một là cuộc Quốc gia khởi nghiệp theo mô hình xô viết, một đảng – nhà nước toàn trị, dân quyền, nhân quyền là hình thức. Thực quyền nằm trong tay lãnh đạo của đảng chứ cũng không phải là toàn đảng. Nền kinh tế gọi là “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Sau đó thất bại nên phải điều chỉnh đôi chút, có tí tư bản, có tí thị trường, thực chất vẫn là đảng lãnh đạo, nắm lấy công hữu, duy trì công hữu với cách nói kinh tế nhà nước, với lý thuyết chủ nghĩa tư bản nhà nước.Vì tư bản nên mời gọi được đầu tư nước ngoài và có GDP tăng trưởng. Vì nhà nước nên kiên trì CNXH, nghĩa là kiên trì tham nhũng, cậy quyền. Một nền kinh tế quái đản đẩy tới tha hóa xã hội, phân hóa giàu nghèo kịch liệt, giết hại môi trường, lãng phí thời gian, lãng phí tiền của, lãng phí tài nguyên, nợ công và nợ xấu đến độ nguy hiểm!
Một chính quyền được rêu rao là của dân, do dân, vì dân, nhưng thực chất dân chỉ có hư quyền. Cả ngót trăm năm những vấn đề thế nào là một chính quyền có chính danh, chính thống, chính nghĩa vẫn là vấn đề tranh luận chưa ngã ngũ. Cậy quyền và tham nhũng biết rồi, nói mãi cũng không có cách chi để đẩy lùi!
Một nền văn hóa giáo dục tiến thụt lùi, không có khả năng cải cách. Văn hóa suy đồi, nhân cách thoái hóa, những giá trị nhân văn cổ truyền mai một. Mối quan hệ người và người trong xã hội, chưa bao giờ thấy những biểu hiện ghê tởm đau lòng như hiện thực.
Cái võ vật chất được tạo ra, bề ngoài hào nhoáng, sang trọng, nhưng nó là một thứ võ bọc của ung nhọt nguy hiểm, xấu xa.
Có thể nói cuộc quốc gia khởi nghiệp theo mô hình xã hội chủ nghĩa rồi điều chỉnh định hướng xã hội chủ nghĩa đã không giải quyết rốt ráo những mục tiêu quốc gia là: Độc lập, Thống nhất, một nền chính trị dân chủ dân quyền, một nền kinh tế phát triển bình thường như thiên hạ đời nay một nền văn hóa giáo dục cho con người, vì con người. Có thể nói nó có những thành “công” (có một chính quyền, có một nền kinh tế, có một nền văn hóa khoa học, giáo dục hiện thực) nhưng không thành nhân!
Hãy đem bấy nhiêu tài sản do Dân Nước tạo ra hôm nay làm một cuộc Khởi Nghiệp Mới – Cuộc Quốc gia Khởi nghiệp của thế kỷ XXI. Hãy phấn đấu cho một nền DÂN QUYỀN vẫn chưa bao giờ hiện hữu ở nước ta!
2. Có một cuộc Quốc Gia Khởi nghiệp đi vào Cọng Hòa, nửa đường đứt gánh, ở Miền Nam Việt Nam. Đáng tiếc là chúng ta đã không biết tổng kết, lưu giữ cho dân tộc những di sản hữu ích. Khi nghĩ đến thành công hay thất bại không thể không kể đến những tích cực cũng như những tiêu cực đã xảy ra. Sự thất bại nào cũng có nguyên nhân nội tại. Tuy nhiên lịch sử đã xảy ra như một số phận dân tộc. Một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn đã xảy ra, vừa có chút sắc thái chống thực dân biết lợi dụng, vừa mang tính chất một cuộc chiến ủy nhiệm mà chính Việt Nam đã tự, và bị đẩy rơi vào. Có phải là một may mắn không khi Miền Nam tự và bị buộc phải buông súng?
Trong cuộc Quốc Gia Khởi Nghiệp này Miền Nam đã cống hiến những gì cho lịch sử Việt Nam thời hiện đại, đã có những bài học tích cực nào và bao nhiêu những tiêu cực. Việt Nam là một dân tộc của sông nước hải hồ, nó từng có một ngụ ngôn của văn minh đánh bắt. Phàm con cá, con thú sổng lưới là con cá to! Dẫu sao Nó cũng đã để lại những bài học đắt giá!
Cái gia sản mà chúng ta đang có cả cái hay, cái dở đều cần cho một CUỘC QUỐC GIA KHỞI NGHIỆP MỐI TRONG THẾ KỶ XXI này./.
Ô Đồng Lầm tháng Sáu 2017 rất nóng.
Ghi chú: Những dòng đen đậm: lời văn của ĐKNT
*Bài “Une grande figure de lettree”.Le Peuple số 8-1946.