2.Thực hiện “Chủ nghĩa mở trí khôn cho Dân.”
Trong Văn Minh Tân Học ĐKNT, khẳng định như vậy. Mở rí khôn cho Dân. Tư tưởng ấy khác xa cái lối suy tính”tuyên huấn”cho dân biết tuân phục, nghe theo. Làm cho dân có trí khôn để tự mình có hiểu biết quyết định lựa chọn. Trí khôn mà ĐKNT quan niệm, vừa là những hiểu biết về khoa học, kỹ thuật, những hiểu biết về con người, về dất nước, về thế giới, cổ vũ thực học, thực nghiệp. Hơn nữa ĐKNT còn nhấn mạnh về một nhân cách quốc dân mới.. Lần đầu tiên trong lịch sử văn hóa Việt Nam đã hình thành một quan niệm mới về người dân như một chủ thể của quốc gia dân tộc, một chủ thể của xã hội, chủ thể của chính quyền nhà nước.
Chủ nghĩa mở trí khôn cho dân, đánh dấu một sự phân biệt về văn hóa, tiến bộ, nhân bản của giáo dục, mà cho đến nay vẫn rất cần để suy ngẫm. Trong thời hiện đại chúng ta từng chứng kiến những nền giáo dục nhằm đào tạo những “con người công cụ”, chỉ cần biết tuân phục, chỉ cần có được một niềm tin giáo điều! Khác với giáo dục đào tạo “con người công cụ”, Tư tưởng mở trí khôn cho dân đã đề cập đến một triết lý giáo dục dân tộc, nhân bản,và tiến bộ. ĐKNT chủ trương giáo dục nên những con người “quốc dân”, mạnh mẽ (Dân cường), biết tự chủ, tự lập tự cường.
Để mở trí khôn cho dân, ĐKNT chủ trương làm cho cả nước văn minh thì phải có giáo dục phổ cập. Giáo dục phổ cập là cả nước không một người nào không được đi học! Hưởng ứng chủ trương này khắp nhiều tỉnh thành quanh Hà Nội, cho đến Nghệ an, Quảng Nam, Quảng ngãi, cả một số nơi ở Lục tỉnh Nam kỳ cũng mở những trường “Nghĩa Thục”.
Với tư cách là một ngôi trường, một cơ sở giáo dục, ĐKNT là hình mẫu tinh khôi đẹp đẽ về một nhà trường do dân, của dân, vì dân. Là một ngôi trường tư đa cấp, đa nghành, môt ngôi trường kiểu mới đầu tiên của dân tộc trong thời hiện đại. Nó hơn hẳn và khác hẳn những ngôi trường của chúng ta sau này, kể cả những trường đại học. ĐKNT đã xác định và để lại một di sản quý giá, có tác dụng đặt nền móng cho một triết lý giáo dục Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam thời hiện đại,giáo dục Việt Nam đã có hẳn một triết lý giáo dục với những phạm trù khá hệ thống và hoàn chỉnh.
Về mục tiêu, ĐKNT xác định:
-Giáo dục để mở trí khôn cho dân.
-Giáo dục để đào tạo ra con người quốc dân mạnh. Bởi vì nước yếu hay mạnh là do dân. Dân mạnh thì nước yếu có thể chuyển thành mạnh và mạnh lâu dài.
Theo lý chung thì học là để có ích cho bản thân mình và cho quốc gia. Có 3 điều, Một là học vệ sinh tức là học phương pháp làm cho thân thể cường tráng, không bệnh tật. Hai là học trị sinh, tức là học phương pháp làm cho có thức ăn, đồ mặc,và quản lý sản nghiệp. Ba là, học làm người, làm quốc dân, tức là học cách tự kiềm chế, và cách đối xử với quốc gia xã hội. Tôi coi đó là thiên tài Việt, bởi một trăm năm sau Jacques Delors dẫu có đưa ra bốn cột trụ của giáo dục thì cũng đến thế là cùng!
ĐKNT mở đầu cho xu hướng cải cách phương thức và phương pháp Dạy và Hoc ,đã phá lối học vì khoa cử hư danh,học để làm quan, lên án khoa cử nọc độc, khoa cử thối nát. Đáng tiếc, vì nhiều nguyên nhân chính trị,văn hóa và xã hội,trong chế độ hiện nay lại đang duy trì lối dạy và học chạy theo khoa cử,bằng cấp,thành tích giả và dối trá.
ĐKNT cổ vũ tinh thần giáo dục thực nghiệp, tinh thần thực học, làm sao cho cái mà học sinh học và thi không trái với công việc thực tế họ phải làm.
Điều đặc biệt lý thú là ĐKNT phần lớn là những nhà nho có tư tưởng tiến bộ đầu thế kỷ XX, nhưng nhiều tư tưởng của họ tiến bộ lạ kỳ. Họ chủ trương dường như là tinh thần “Tự do học thuật”, họ đề cao phương pháp dạy và học văn minh tiên tiến,dân chủ. Cho phép học trò bàn bạc tha hồ, đối đáp tự do, không phải nề hà, không cần thể cách gì hết. Ngẫm ra, nền giáo dục của chúng ta hôm nay lạc hậu mọi bề. Sự khác nhau là một bên có triết lý Mở trí khôn cho Dân. Còn một bên vì sợ dân khôn thì khó trị và khó tiếm quyền, để cho dân ngu “dân dại” đặng dễ tham nhũng.
ĐKNT còn để lại một giá trị minh triết về một phương thức ứng xử văn hóa của dân tộc:
Á Âu chung lại một lò,
Đúc nên nhân cách mời cho là người.
Nghìn năm trước, chúng ta từng rơi vào cái bẩy “hủ nho” khiến dân tộc không kịp canh tân cho kịp thời nên đã sa vào vòng đô hộ của thực dân. Có ngót cả trăm năm, chúng ta dán đủ thứ nhãn lên trán đến nỗi một nhà ĐKNT là cụ Nguyễn Hữu Cầu từng cảnh báo “Ngày nay, chúng ta đã quá tây, quá tàu, chúng ta là lũ giáo điều ba rọi, lũ xã hội chủ nghĩa cậy quyền”*. ĐKNT chủ trương Việt Nam phải hòa nhập với thế giới. Chữ “Đúc” là một chữ rất khoa học, rất triết lý, nó nói về việc xây dựng một bản lĩnh Việt Nam mới, một bản ngã Việt Nam mới. Nền văn hóa của Việt Nam thế kỷ XXI cũng đang đứng trước vấn đề “Đúc” hay “dán nhãn”.
Triết lý giáo dục của ĐKNT còn là đề cao tinh thần “Nghĩa Thục”. Một kiểu nhà trường không vụ lợi, đề cao cái nghĩa công ích về sự mở mang dân trí. Nhà trường đề cao sự liên thông kết nối với xã hội, thầy và trò đắm mình trong thời sự của đất nước và dân tộc.
Nhà trường nêu cao tinh thần tự chủ, tự lập, soạn lấy chương trình, sách giáo khoa, mời gọi tất cả những ai có tài, có tình, có tâm huyết tự nguyện tham gia xây dựng giáo dục.
ĐKNT để lại một triết lý về nhân cách của kẻ sĩ, giới trí thức. Là lớp trí thức đầu tiên trong thời hiện đại,các nhà ĐKNT đã sáng tạo ra nhiều giá trị văn hóa cho dân tộc, để lại nhiều di sản quý báu, hữu ích cho những thế hệ nối tiếp. Nhiều dự báo của các nhà ĐKNT càng chứng nghiệm càng thấy đúng đắn, hợp lý và cập nhật. Các Cụ xứng đáng như lời Nguyễn Trãi “Trí giả quan chư sự ư vị hình “ Nghĩa là kẻ trí xem xét sự vật lúc nó chưa định hình.
Là trí thức cũng có nghìa là chiến sĩ đấu tranh cho lẽ “Chân-Thiện-Mỹ” của cuộc đời, của dân tộc.
3.Chấn hưng công nghệ.
Đông kinh nghĩa thục chủ trương xây dựng một nền kinh tê tự chủ tự lập, tự cường, đúng nghĩa như tên gọi của nó. Kinh tế đồng nghĩa với kinh bang tế thế trong minh triết của phương Đông. Nó không chỉ có nghĩa là việc làm ăn tiết kiệm (economy) như phương Tây quan niệm. Nền kinh tế mới có công nông thương tín phát triển theo quy luật phổ biến với những phương thức hiên đại.
Công nghệ rất quan hệ với quốc gia. Ta không hơn người thì người sẽ bỏ rơi ta. Tiền của phung phí ra ngoài nước, không còn gì tệ hại hơn thế nữa.
Cạnh tranh để tồn tại. Chỉ có thể tin cậy vào sự cạnh tranh của dân ta mà thôi.
Triết lý về sở hữu và quyền sở hữu của ĐKNT rất tiến bộ, nó là minh triết vì nó là quy luật phổ biến, nó đúng ở hơn 100 năm trước mà cập nhật cho đến bây giờ. Sau già nửa thế kỷ say sưa và võ đoán với một lý thuyết cọng sản quái đản, người ta buộc phải nói lại về tư hữu!
Thế giới càng văn minh, của công càng ít, của riêng càng nhiều.
Sản nghiệp nên là của riêng, không nên là của công.
Nước càng văn minh thì pháp luật bảo vệ sản nghiệp càng tường tận.
Giá như người giàu bỏ vốn ra phát triển công nghiệp, thì dân ta sẽ cảm kích, xưng tụng, sao lại sinh lòng đố kỵ.
4.Chủ nghĩa Dân bản và triết lý Dân quyền.
Có thể lấy ngay ý tứ và chữ nghĩa cua ĐKNT để lại mà đặt tên cho một chủ nghĩa chính trị, một đạo trị nước mà ĐKNT đề xướng là chủ nghĩa dân bản và triết lý dân quyền. Lần đầu tiên ở nước ta đã ra đời một triết lý trị đạo mới, nó kết hợp những tư tưởng dân bản (Quốc dĩ dân vi bản – Nước lấy dân làm gốc) cổ truyền với những tư tưởng dân quyền hiện đại. Một quan niệm Chính phủ chỉ là người trong quốc dân nắm chính quyền. Quan đáng tôn đáng trọng, nhưng chỉ là một người dân nắm chính quyền…Phải nghĩ rằng dân là gốc của nước, không thể bắt dân theo ý muốn của mình, chẳng phải chỉ không bạo ngược mà thôi,…Phàm những quyền lợi mà dân đáng được hưởng thì phải theo chừng mực mà cho dân hưởng… Quyền chính một nước không thể để một người nắm hết…hơn cả trăm năm sau vẫn còn nguyên giá trị.!
Những tư tưởng của một nền dân quyền như thế mới mẻ biết bao nhiêu trong cả trăm năm trước, mà ngày nay vãn còn cập nhật với chúng ta. Từ ngàn năm trước, chúng ta chỉ có những tư tưởng thân dân coi Dân Là Quý (Dân vi quý), coi dân là gốc nước…Nhưng chưa bao giờ dân thoát khỏi thân phận “thần dân”, thứ dân, thảo dân, dẫu có quý nhưng không có quyền. Một trăm năm nay vấn đề dân quyền luôn luôn là vấn đề mới mẻ, thời sự. Quyền của dân luôn được “đề cao”. Nhưng luôn bị chiếm đoạt.
Có thể nói thế kỷ trước, tk XX là thế kỷ của Độc lập và Thống nhất, thì thế kỷ này XXI phải là thế kỷ của Dân quyền. Và ý nghĩa của chủ nghĩa Dân Bản và triết lý Dân Quyền của ĐKNT vẫn luôn có ý nghĩa như lý tưởng của thời đại.
Làm cho Dân vừa quyền vừa quý là lý tưởng của ĐKNT.