“Thiếp trong khung cửa…”

Trùng Dương (Tác giả gửi đến CTM Media nhân ngày của Mẹ 14 tháng Năm)

“Thiếp trong khung cửa, chàng ngoài chân mây.”
- Quảng Cáo -

Lục tìm một tài liệu, tôi tình cờ lại tìm thấy một bức tranh bằng bút chì vẽ cách đây 35 năm, có lẽ là bản nguyên thủy cuối cùng của một trong ba bộ tranh tôi vẽ minh họa cuốn “Chinh Phụ Ngâm” vào đầu thập niên 1980 — bức cuối cùng vì tôi đã cho đi hết những bản vẽ, và cũng chả nhớ đã cho những ai.

Bức tranh mang tựa đề “Thiếp trong khung cửa, chàng ngoài chân mây.”

Nhìn bức tranh bằng bút chì trên tờ giấy viết thơ mong manh, kỷ niệm chợt kéo nhau về vây quanh tôi, thúc hối tôi kể lại câu chuyện tưởng đã đi vào quên lãng, cùng với “mười ngón tay bắt được của trời” (cụm từ của cố nhà văn Mai Thảo vẫn gọi các hoạ sĩ).

Hồi ấy gia đình tôi ở trên rừng, đúng ra là một vùng còn hoang dã ở giữa những ngọn đồi trong Quận Vàng (El Dorado County) khoảng 40 miles về đông bắc của thành phố Sacramento. Chúng tôi vừa xây xong nhà, chưa hoàn chỉnh, nhưng dọn vào ở được sau mấy năm sống trong trailer như những người đi khai phá Miền Tây ngày xưa – không điện, nước máy, truyền hình và những tiện nghi đô thị khác. Ngôi nhà một tầng rưỡi, ba phòng ngủ, ngó xuống thung lũng Coloma, nơi xẩy ra phong trào Gold Rush vào năm 1849 đã thay California hoàn toàn sau đó.

- Quảng Cáo -

Cả nhà năm người, chỉ có chồng tôi đi làm, hàng ngày lái xe gần 100 miles vừa đi vừa về Sacramento. Các con ba đứa còn nhỏ, hai cháu gái, tuổi 9 và 6; cháu trai lớn nhất 16, cũng đã giúp được nhiều việc, kể cả tiếp tay xây nhà từ móng, một kiến thức và kinh nghiệm cháu đã mang vào đời. Ở xa thành phố, nơi hầu hết người tị nạn chọn ở cho dễ kiếm việc, và cũng vì nhu cầu gia đình, tôi ở nhà trông nom con cái và lo việc nhà, tạm gián đoạn việc học mà tôi đã bắt đầu ở đại học cộng đồng khi chưa dọn lên rừng.

Đây cũng là giai đoạn của phong trào vượt biển cao độ của thuyền nhân Việt không chấp nhận chế độ cộng sản. Những bức hình thảm trạng vượt biển do nhiếp ảnh giađã ít nhiều ảnh hưởng tới việc Quốc Hội Mỹ bằng lòng nhận thêm người Việt vào định cư. Adams lại chính là tác giả của bức ảnh Tướng Nguyễn Ngọc Loan xử tử tên Việt cộng đã đoạt giải Pulitzer góp phần vào việc thay đổi dư luận quần chúng Mỹ đối với cuộc chiến tại Việt Nam hồi cuối thập niến 1960. Ông Adams trước khi mất, qua lời của thân nhân, muốn được nhớ tới qua bộ ảnh thuyền nhân hơn là bức ảnh đã đọat giải.

Từ trại tạm cư Songkla, nhà văn Nhật Tiến, cặp phóng viên Dương Phục và Vũ Thanh Thủy, gửi tới tôi bản sao bản tường trình của họ về thảm cảnh hải tặc vừa trải qua. Các anh chị là ba trong khoảng 100 thuyền nhân vừa được ông Theodor Schweitzer của Cao ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc cứu khỏi hòn đảo Koh Kra kinh hoàng, nơi họ bị giam giữ và bạo hành gần tháng trời bởi hải tặc.

Tôi đứng ngồi không yên. Nhiều người tị nạn trẻ hồi ấy đã tình nguyện sang các trại tị nạn ở rải rác trong vùng Đông Nam Á để góp tay xoa dịu nối thống khổ của người đồng hương. Tôi ao ước có mặt trong đám họ.

Những đồi thông vi vút, những gốc cây sồi gợi cảm đối với người thích vẽ, những vòm đồi đuổi nhau xuống thung lũng bao quanh dòng sông American River và các di tích Gold Rush một dạo đã xoa dịu mối sầu xa quê của tôi, nay tuy vẫn xoa dịu nhưng không đủ làm suy giảm những cơn sóng gió vần vũ trong tôi.

Rồi là tin ông Hoàng Cơ Minh và các chiến hữu đã lập chiến khu và bắt tay được với các lực lượng phục quốc. Tôi nghĩ tới những người đàn bà ở lại giữ việc trông nom gia đình, con cái. Tôi nghĩ tới những người chinh phụ. Tôi đem Chinh Phụ Ngâm ra đọc. Xưa khi còn học trung học, Chinh Phụ Ngâm không phải là thi phẩm tôi thích. Một phần vì không thích những gì ủy mị; phần lớn là chưa thấy được cái hay của chữ nghĩa.

Cũng tác phẩm ấy, trong bối cảnh và tâm sự của mình vào đầu thập niên 1980, nó mang một sắc thái khác. Tôi dần cảm được tâm sự của người chinh phụ. Quanh tôi đang có những người chinh phụ này. Và tôi bắt đầu vẽ minh hoạ cho Chinh Phụ Ngâm.

Tôi vẽ trước sau ba bộ minh hoạ, mỗi bộ khoảng trên 10 tấm. Một bộ bằng bút chì, trên giấy viết thư thường, như người vẽ chơi cho khuây khoả, bạ giấy gì vẽ trên giấy nấy, tới khi nhận ra thì đã trễ, đã đi sâu vào bức vẽ, nên tôi cứ giữ nguyên như thế. Bức “Thiếp trong khung cửa…” trên là một trong trên chục bức còn sót lại của bộ tranh bằng bút chì này.

Rồi một ý nghĩ nẩy ra. Sao không chuyển sang vẽ… thật, nhỉ? Tôi vẽ lại một bộ khác, trên giấy vẽ đàng hoàng, bằng bút và mực (ink & pen). Có người bạn đề nghị phổ biến. Tôi cũng mon men bước vào lãnh vực đó, nhưng bỏ dở. Giản dị: tôi không có khả năng thương mại. Tôi chỉ thích vẽ chơi thôi. Và cho, chứ không bán. Đối với văn chương cũng vậy. Tôi không bao giờ muốn văn chương và nghệ thuật nuôi tôi. Tôi yêu mến chúng, chỉ muốn chúng là nơi cho tôi vịn để đứng lên những khi xuống tinh thần.

Một phần bích chương của bộ Chinh Phụ Ngâm Minh Hoạ ấn bản thứ hai (ink & pen)

Nên tôi bắt đầu vẽ bộ thứ ba, lần này bằng than, là thứ tôi thích vì nó cho phép tôi diễn tả tâm trạng mình cách mạnh mẽ hơn. Bên dưới là hai bức từ một hình chụp, vì người vẽ không còn giữ nguyên tác nào.

“Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất quân.”
“Múa gươm rượu tiễn chưa tàn.”

Nay, hơn ba thập niên sau nhìn lại, tôi nhận ra nhờ bận rộn với việc vẽ vời tôi đã duy trì được sự thăng bằng trong vai trò người mẹ của tôi hồi ấy trước bao nhiêu những kêu gọi thôi thúc đến từ bên ngoài. Tôi mang ơn nghệ thuật.

Có lẽ tôi sẽ quên những bức minh hoạ này, như quên “mười ngón tay bắt được của trời,” nếu anh bạn chủ bút Phạm Phú Minh không, một lần, đi tìm trên Internet xem có minh hoạ nào liên hệ để đi với một bài về Chinh Phụ Ngâm Diễn Nôm.

Anh tình cờ tìm thấy một bức của ấn bản thứ hai, thấy ký bút hiệu của tôi, nên tò mò hỏi. Tôi may mắn còn giữ được một số bản in của ấn bản này, nên đã scan và chuyển cho bạn.

Ngày của Mẹ năm nay, tôi sẽ kể với các con và ba cháu nội và ngoại của tôi như vậy.

Tôi biết thế nào chúng cũng sẽ lại hỏi sao mẹ/bà không tiếp tục vẽ nữa.

====

- Quảng Cáo -

ĐÃ CÓ 1 GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here