HÀ TĨNH (CTM Media) – Từ nhiều ngày qua trên các trang mạng xã hội nhiều hình ảnh cho thấy từ khoảng gần nửa tháng nay, dải nước đó xuất hiện ở rất nhiều nơi tại các tỉnh miền Trung.
Ngày 18 tháng Hai, dải nước đỏ dài khoảng 50m xuất hiện tại cảng Sơn Dương, thuộc khu kỹ nghệ Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Nó tồn tại được hàng chục tiếng đồng hồ thì biến mất. Người dân nghi ngờ dải nước đỏ là do Tập đoàn Formosa xả thải ra.
Dải nước đỏ không chỉ xuất hiện ở cảng Sơn Dương, mà còn cả ở những con sông gần khu kỹ nghệ Vũng Áng. Trước đó khoảng một tuần, người dân cho biết trên con sông Quyền, nơi mà trước đây chính quyền có ý định dùng làm nơi để cho Formosa xả thải ra môi trường xuất hiện cá chết hàng loạt.
Khoảng 1-2 ngày sau, dải nước đỏ lại xuất hiện tại tỉnh Quảng Bình. Lãnh đạo chính quyền không thấy lên tiếng về hiện tượng này.
Ngày 22 tháng Hai, dải nước đỏ xuất hiện tại cảng Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên-Huế), theo người dân cho biết, dải nước đỏ này đã có từ 4 ngày trước đó.
Từ ngày 24 đến ngày 27 dải nước đỏ lan tràn khắp cả Sơn Trà. Từ trên đèo Hải Vân có thể thấy vết loang rộng cả hàng chục kilomet vuông.
Trước những hoang mang, lo lắng của người dân, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng nói rằng dải nước đỏ là do trứng ruốc, một loại sinh vật nhỏ hơn con tép đến mùa sinh sản mà ra. Đây là hiện tượng tự nhiên và thường xuất hiện sau dịp Tết Nguyên đán.
Nhưng theo ghi nhận của người dân, thì không hề có cá tôm ở những nơi xuất hiện dải nước màu đỏ.
Trong khi đó, sát ngay với Đà Nẵng là vùng Chân Mây (Lăng Cô, Thừa Thiên- Huế), lãnh đạo địa phương cho biết dải nước đỏ là do hiện tượng “tảo nở hoa” tức “thủy triều đỏ” mà ra.
Sự kiện này làm người ta nhớ lại là cũng vào tháng Tư 2016, khi thảm họa môi trường do tập đoàn Formosa bắt đầu, nhà cầm quyền từ địa phương đến trung ương đều cho rằng, cá chết hàng loạt tại miền Trung là do hiện tượng “tảo nở hoa”. Vì vào thời điểm đó, trên khắp các tỉnh miền Trung đều xuất hiện dải nước màu đỏ.