Chính phủ phủi trách nhiệm với nợ của doanh nghiệp nhà nước?

Lê Dung - Việt Nam Thời Báo

- Quảng Cáo -

(VNTB) – Ngay trong năm 2017 sẽ xuất hiện những cái tên doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải phá sản, thậm chí còn phải đối mặt với vòng lao lý.

***

Một bản dự thảo của Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) một cơ quan tham mưu của Chính phủ là Bộ tài chính đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trước tết nguyên đán năm 2017. Trước đó, báo cáo của Bộ Tài chính “kêu khổ” với thống kê nợ công tăng đến 14.8 lần qua 15 năm. Song trùng, Thủ tướng Phúc cũng lần đầu tiên đặt vấn đề “nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần”.

Đang có nhiều dấu hiệu cho thấy nợ công sắp “vỡ” và Chính phủ không còn khả năng trả nợ thay cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.

- Quảng Cáo -

Đáng chú ý, bản dự thảo của Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) đã không chấp nhận đưa các khoản vay nợ nước ngoài của tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vào khái niệm nợ công quốc gia. Trong khi đó, loại nợ này lại là một trong 5 định nghĩa về nợ công của cơ quan thống kê của Liên hiệp quốc.

Cần nhắc lại, nợ vay nước ngoài của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước là rất lớn. Từ năm 2011, đã có một phản biện độc lập cho biết số nợ  này lên đến 25-30 tỷ USD, tức chiếm khoảng 15% GDP vào thời điểm ấy. Từ đó đến năm 2015 và với đà vay mượn nước ngoài tăng tiến không ngừng nghỉ, nợ công chắc chắn đã tăng và nợ vay của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước cũng tăng chóng mặt (cho tới nay vẫn chưa có con số thống kê chính thức hay không chính thức nào về số nợ vay nước ngoài phát sinh của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước trong khoảng thời gian 4-5 năm qua).

Trước đây và đặc biệt dưới thời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc Chính phủ bảo lãnh cho tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vay vốn của nước ngoài diễn ra tràn lan và vô tội vạ. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, có đến ít nhất 30% số doanh nghiệp nhà nước luôn phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

Sang thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vấn đề bảo lãnh vay nợ nước ngoài cho doanh nghiệp nhà nước gần như đã bị Chính phủ đóng lại bởi số nợ công tăng vượt mặt. Theo tinh thần mới nhất mà Thủ tướng Phúc họp với ngành tài chính và các ngành khác, nếu doanh nghiệp nhà nước không trả được nợ vay nước ngoài thì sẽ phải tự phá sản chứ không thể trông đợi vào sự cứu giúp của Chính phủ. Hẳn nhiên đây là tình thế tất yếu bởi bối cảnh ngân sách quốc gia hiện thời là cực kỳ eo hẹp, thu không đủ chi và hàng năm còn phải trả nợ nước ngoài hàng chục tỷ USD.

Không khó để dự đoán rằng một khi Chính phủ gần như phủi tay trước nhiều món nợ vay nước ngoài của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, ngay trong năm 2017 sẽ xuất hiện những cái tên doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải phá sản, thậm chí còn phải đối mặt với vòng lao lý.

- Quảng Cáo -

ĐÃ CÓ 1 GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here