Hồi tưởng chuyện đi bộ đội *)

Nguyễn Tường Thụy - Blog Nguyễn Tường Thụy

- Quảng Cáo -

Hồi ấy, mỗi năm có 3 đợt tuyển quân, một đợt vào cuối hay đầu năm, một đợt tháng 4 và một đợt tháng 8. Đợt tuyển quân trước đó 4 tháng, vào giữa tháng 8 tôi cũng đã đi. Khi giao cho đơn vị bộ đội họ khám lại một lần nữa, tôi và một số đứa bị đuổi về. Lý do có thể là yếu tim hay bệnh nào đó, thấp bé nhẹ cân, thậm chí một vết hắc lào cũng loại. Nhưng vào bộ đội rồi thì tất cả thành hắc lào, ghẻ lở hết vì đi tập toàn bùn đất, quần áo có 2 bộ không khô kịp nên ít thay. Tất cả hôi như lũ chồn.

Những thanh niên chuẩn bị gọi nhập ngũ đều được khám sức khỏe tại địa phương trước khi giao quân nhưng đa phần đạt. Khi giao quân rồi, quân y khám có kỹ hơn. Xóm tôi cũng có nhiều đứa đến tuổi, nhưng không được gọi vì gia đình không vào hợp tác xã, hoặc có vấn đề về lý lịch. Nhưng dần dần thấy mấy đứa này cũng lần lượt đi hết, chắc vì lớp sau chưa lớn kịp.

Nhiều thanh niên tìm cách trốn bộ đội. Có anh trốn lên miền núi, ở nhà quen rồi chết trên đó, nghe nói ngã nước, thành ra đủ điều tiếng, chẳng ai thương. Có đứa giả điếc, khi khám sức khỏe, bác sĩ hỏi gì cũng lắc đầu chỉ vào tai ra vẻ không nghe thấy. Ông bác sĩ cũng cao thủ, khoát tay ra dấu bảo về. Cậu này hí hửng tưởng thoát nạn nhưng vừa ra đến cửa thì bác sĩ mới ném cái “panh” (y cụ để khám lưỡi, họng) vào khay nhôm “choang” một cái. Cậu kia giật mình ngoái lại. Thế là không phải điếc. Bác sĩ vẫy cậu ta quay lại, ghi vào hồ sơ sức khỏe: Đủ tiêu chuẩn.

Năm đó, tôi vừa tốt nghiệp phổ thông, hệ 10/10. Trường tôi có 4 lớp 10, chọn ra 6 đứa để đi học nước ngoài. Khi ấy, chuyện chỉ xét lý lịch rồi cho đi du học hay học đại học cũng đã giảm bớt mà chú trọng hơn đến lực học, vì con em có công với cách mạng, làm chức to lại học quá dốt không theo được. Chúng tôi phải ra bệnh viện huyện khám sức khỏe, sau đó lên bệnh viện tỉnh khám một lần nữa. Rồi mấy đứa ấy lần lượt đi nước ngoài hết, không Liên Xô thì Trung Quốc, Triều Tiên hoặc Đông Âu, còn tôi không được gọi vì xã không duyệt hồ sơ cho tôi, lý do để lại đi bộ đội.

- Quảng Cáo -

Sau, tôi vẫn được gọi đi thi đại học, nhưng thi thì thi chứ không thấy gọi nhập trường. Tôi còn nhớ số báo danh là H367, nghe nói H là ký hiệu của Trường ĐH Bưu điện Truyền thanh ở Thái Nguyên. Hồi ấy thi xong, gọi nhập trường thì gọi chứ không có chuyện báo điểm, báo trúng tuyển hay không trúng. Đứa nào không được gọi nhập trường, một là không đủ điểm, hai là thuộc dạng giữ lại để đi lính. Không biết tôi thuộc dạng nào nhưng những đứa tôi gà bài cho đều vào đại học cả. Tôi lên ban tuyển sinh tỉnh hỏi lý do, có phải em không đủ điểm không hay là địa phương không cho em đi đại học? Họ trả lời rằng cái này không nói được.

Tôi thấy lạ, bộ đội thì có trừ sinh viên, trừ giảng viên đại học, trừ công chức ra đâu. Sao cứ phải ở địa phương mới đi bộ đội được. Nghĩ thế nhưng hồi ấy chưa biết cãi, mà có cãi cũng chẳng được. Sau nghĩ lại, có lẽ đi từ địa phương thì họ được chỉ tiêu. Cũng như bây giờ họ muốn tôi bán nhà đi nơi khác ở, nhường tên “phản động” cho quận huyện khác vậy, có điều là một đằng thì muốn vơ vào lấy thành tích, một đằng thì muốn đẩy đi cho khuất mắt. Tôi hiếu học, nhiều hoài bão nên việc phải bỏ dở học làm tôi buồn. Chứ còn đi lính, đi đánh nhau đi chăng nữa, tôi bình thản, không băn khoăn gì nhiều nhưng phần không thích là có.

Những thanh niên khác cũng vậy, trừ các trường hợp tìm cách trốn còn thì gọi là phải đi vì đó là nghĩa vụ. Chẳng ai thích nghề đánh nhau. Cũng có trường hợp xung phong thật, nhưng hiếm lắm, chứ không như đài báo tuyên truyền rằng thanh niên nô nức tình nguyện nhập ngũ. Chuyện đào ngũ cũng nhiều nhưng nhục. Họ gọi lên xã, bắt đeo trước ngực tấm bìa ghi: “Cả như tôi thì mất nước” rồi đem ra cho nhân dân “góp ý”, thực chất là đấu tố. Làm riết rồi cũng sợ, nhưng không sợ bằng chết nên vẫn cứ trốn. Trên đường hành quân vào Nam mà trốn thì gọi là “B quay”, một từ mới, chỉ điều nhục nhã.

(Xem tiếp trang 3)

- Quảng Cáo -

3 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here