Tô Lâm mất thế, bộ công an rối bời

Blog Người Buôn Gió

- Quảng Cáo -

Trong năm 2016 này có nhiều vụ án kinh tế nổi cộm, thu hút dư luận, các thông tin đưa đều làm nổi bật hình ảnh tổng bí thư xử lý, chỉ đạo xử lý. Ít ai thấy rằng bóng dáng của bộ trưởng công an Tô Lâm rất mờ nhạt trong các vụ án này. Mọi phát ngôn liên quan đến các vụ án gây bão xã hội từ bộ công an đều từ thượng tướng thứ trưởng công an Lê Quý Vương.

Ông Lê Quý Vương còn là chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra đảng uỷ công an trung ương. Chức vụ rất quyền lực trong bộ công an.

Ông Tô Lâm có lẽ là vị bộ trưởng công an ít quyền lực nhất trong các đời bộ trưởng công an Việt Nam từ trước đến nay. Ông Lâm bị một cản trở lớn, đó là người tiền nhiệm trước ông là Trần Đại Quang lên chức chủ tịch nước. Ở chức vụ chủ tịch nước mới, ông Quang vẫn còn nhiều ảnh hưởng tác động đến bộ công an.

Thêm nữa là một việc chưa có tiền lệ, ông Nguyễn Phú Trọng đương kim tổng bí thư nhảy vào tham gia trong đảng uỷ công an.

- Quảng Cáo -

Trước khi rời chức bộ trưởng công an chưa đầy một tháng, ông Trần Đại Quang bổ nhiệm trợ lý của mình là Đoàn Duy Khương làm giám đốc công an Hà Nội. Một sự chà đạp trắng trợn thiếu tôn trọng vào ông Tô Lâm. Trong khi về mặt nhân sự ông Quang đã được ấn định là chủ tịch nước và ông Lâm là bộ trưởng công an.

Cho đến nay mặc dù giữ chức bộ trưởng bộ công an, nhưng Tô Lâm vẫn phải đeo quân hàm thượng tướng mà ông được phong từ tháng 9 năm 2014. Trong khi đó ông Trần Đại Quang từ tháng 1 năm 2011 còn là trung tướng, đến 25 tháng 12 đã được phong làm đại tướng. Chưa đầy 2 năm ông Quang nhảy vọt lên hai cấp. Hơn 2 năm mà ông Tô Lâm chưa lên được cấp nào.

Quyền quyết định thăng quân hàm thuộc về chủ tịch nước. Khi trước ông Quang được chủ tịch nước phong quân hàm liên tiếp chưa đầy một năm một chức, nhưng đến khi ông Quang làm chủ tịch nước, ông Quang đã không đối xử như thế với Tô Lâm như người ta đã đối xử với ông.

Trong bộ công an có rất nhiều thượng tướng, tức ngang hàm nhưng dưới chức với bộ trưởng Tô Lâm. Về vấn đề hàm và chức này, trước đây chính ông Trần Đại Quang khi đương chức đại tướng bộ trưởng bộ công an, ông đã đề xuất xin cho bộ công an thêm một suất đại tướng nữa, tức là bộ công an sẽ có hai đại tướng. Lý do ông Quang yêu cầu thêm chức đại tướng cho bộ công an là, khi bộ trưởng đi vắng thì thứ trưởng thường trực quyết định thay. Mà thứ trưởng thường trực đeo quân hàm bằng các thứ trưởng khác thì kém uy lực khi chỉ đạo. Vị thứ trưởng mà ông Quang định xin thăng hàm đại tướng đó là ông thượng tướng Đặng Văn Hiếu.
(http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bo-cong-an-de-nghi-co-2-dai-tuong-3004220/)

Nhưng đến giờ ông Tô Lâm làm bộ trưởng công an, ông Trần Đại Quang trên cương vị chủ tịch nước đã phớt lờ những gì mình đã nói trước kia. Khi trước ông đề nghị chính phủ, nhà nước thăng quân hàm đạị tướng cho thứ trưởng bộ công an. Giờ ông làm chủ tịch nước, đến bộ trưởng công an Tô Lâm ông làm ngơ cứ để cho mang quân hàm thượng tướng. Vậy mà mới ngày nào ông Quang còn sống chết đòi phải có hai đại tướng ở bộ công an.

Đến giờ trên cương vị bộ trưởng công an, ông Tô Lâm như một vị bộ trưởng bù nhìn, ông đại diện về mặt hình thức để đi dự lễ lạt, hội nghị cỡ xoàng xoàng. Các hoạt động của ông trong tháng 11 năm 2016 vừa qua là dự diễn đàn cảnh sát giao thông, hội nghị thi hành án, ngày hội đoàn kết dân tộc ở Hưng Yên, tham dự chương trình nghệ thuật “thắp sáng ước mơ”, tiếp cao uỷ châu Âu bàn về bảo vệ động vật hoang dã…. trong khi đó những vụ việc nghiêm trọng lại do các tướng Lê Quý Vương, Bùi Văn Nam thay nhau phụ trách chỉ đạo, như vụ Formosa, vụ Bộ Công Thương…

Lý do bộ trưởng công an Tô Lâm trở thành hữu danh vô thực, có tiếng mà không có quyền như đang diễn ra có rất nhiều nguyên chưa lý giải được. Nhưng việc ông TBT Nguyễn Phú Trọng nhảy vào đảng uỷ công an và việc Trần Đại Quang vẫn kiểm soát phần nào bộ công an cho thấy một phần lý do là do sự tranh giành kiểm soát bộ công an giữa tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và chủ tịch nước Trần Đại Quang. Sự tranh giành này xuất phát từ nguyên nhân Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng không muốn về hưu giữa nhiệm kỳ, chuyển giao chức TBT cho Trần Đại Quang. Còn Quang thì đang nỗ lực đẩy nhanh tiến trình chuyển giao chức vụ này.

Việc thất thế của Tô Lâm có thể là tại ông Lâm không quyết định ngả về phía Trọng hay Quang. Bởi thế ông diễn vai đi thăm, dự những nơi vô bổ, và mặc kệ cho hai ông lớn kia giằng xé chỉ đạo Bộ Công An.

Nhưng cũng có thể ông Lâm là người có dinh dáng đến phe đang bị đánh, phe mà được đảng gọi là “nhóm lợi ích”. Vì thế ông bị cô lâp và tước đoạt quyền lực, chịu sự giám sát của hai ông lớn trên.

Dù là lý do nào đi nữa trong hai lý do trên, ông Tô Lâm sẽ chỉ là một bộ trưởng bù nhìn cho đến hết nhiệm kỳ và kết thúc sự nghiệp chính trị bằng việc về hưu. Thậm chí ông còn có khả năng về hưu trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc. Giữa hai kẻ đều tham vọng, một là ham hố quyền lực sẵn sàng chơi sát ván, bất chấp quy tắc, luật lệ như Nguyễn Phú Trọng, và Trần Đại Quang, thì con người chỉ thích ngậm miệng ăn tiền Tô Lâm không có gan bước theo bên nào.

Và trong cuộc chơi quyền lực, không được niềm tin của ai, không dám dấn thân chọn theo ai, Tô Lâm thành một vị bộ trưởng công an hàm thượng tướng thất thế nhất trong các đời bộ trưởng công an Việt Nam, đó là điều đương nhiên.

Việc một bộ trưởng công an không có quyền lực như Tô Lâm và việc bộ công an bị chỉ đạo bởi nhiều ông lớn như trên là một điều bất an cho xã hội. Sự thiếu thống nhất như thế sẽ là kẻ hở cho lực lượng công an cấp dưới, cấp cơ sở tha hồ làm càn, làm những điều sai trái, bạo ngược trong xã hội. Vì muốn lấy cảm tình của lực lượng công an qua đó nằm quyền lực, các ông tổng bí thư, chủ tịch nước sẽ phải nhắm mắt làm ngơ, thậm chí còn bao che bênh vực sai trái của công an để lấy sự ủng hộ cho mình. Thực tế cho thấy đã diễn ra những việc này, như vụ công an đánh nhà báo, đánh dân, hoặc sai trái trầm trọng được bao che, lấp liếm rất trắng trợn, bất chấp dư luận và phát luật.

Cuối cùng là người dân thấp cổ, bé họng sẽ phải gánh chịu những phát sinh tiêu cực từ chuyện này mà ra. Đấy cũng là một quy luật đúng với thể chế chính trị cộng sản, khi mà lực lượng vũ trang không thuộc về nhân dân, mà thuộc về một đảng phái, thì chuyện người dân phải chịu đựng sự lộng hành, vô pháp của lực lượng vũ trang là điều dễ hiểu.

- Quảng Cáo -

2 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here