Ủy Ban Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc vừa lên tiếng kêu gọi trả tự do cho phóng viên nhiếp ảnh Việt Nam Nguyễn Đặng Minh Mẫn, đang bị tù giam vì làm phóng sự những chuyện thời sự và vấn đề mà chính quyền Việt Nam không muốn ai biết. Ủy Ban ra phán quyết sau khi có hồ sơ đệ nạp của Chương Trình Bảo Vệ Pháp Lý cho Truyền Thông, nhóm sinh viên Thực Tập Pháp Lý Tự Do Ngôn Luận của Đại Học Zagreb, và luật sư Smita Shah.
Cô Minh Mẫn, người làm việc chủ yếu cho đài radio Chân Trời Mới, bị kết án tám năm tù giam theo một điều khoản mơ hồ của luật hình sự Việt Nam thường được áp dụng để dập tắt những phóng sự chỉ trích. Trong suốt quá trình làm việc, cô đưa tin về những sự kiện mà giới truyền thông nhà nước tại Việt Nam đã không đăng, và khi đăng tải hình ảnh trên mạng, đã giúp cung cấp một nguồn thông tin khác cho độc giả trong và ngoài Việt Nam.
Ủy Ban Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện kêu gọi Việt Nam hãy trả tự do ngay lập tức cho người phóng viên nhiếp ảnh này, vì thấy rằng cô “bị bắt giữ chỉ vì thực thi quyền hạn của mình một cách ôn hòa.” Ủy Ban cũng phê phán điều luật của Việt Nam dùng để kết án cô Minh Mẫn, gọi điều luật đó “mơ hồ và không chính xác” và lưu ý rằng điều luật này được áp dụng cho những người chỉ thực thi quyền tự do biểu đạt ý kiến hay ngôn luận theo luật pháp quốc tế.
Ông Jonathan McCully, Nhân Viên Pháp Lý của MLDI cho biết: “Phán quyết này là một minh chứng cần thiết cho thấy cô Minh Mẫn có quyền thực hiện công việc phóng sự của mình. Trong vai trò phóng viên nhiếp ảnh độc lập, cô giúp cho người dân Việt Nam thấy được khung cảnh sinh hoạt xã hội dân sự mà chính quyền muốn che giấu. Trong vụ này, chính quyền đã dùng biện pháp giam cầm để đàn áp, và cô vẫn còn là một trong những tiếng nói đối kháng bị giam giữ. Ủy Ban nói rất rõ là việc giam cầm này vi phạm nhân quyền của cô, và Việt Nam phải có biện pháp và thả cô Minh Mẫn ngày.”
Hồ sơ đệ nạp cho Ủy Ban là kết quả làm việc một năm trời của phòng Thực Tập Pháp Lý Tự Do Ngôn Luận của Đại Học Zagreb. Trong thời gian đó các sinh viên điều nghiên và soạn thảo kiến nghị thay mặt cho hai ký giả bị giam cầm. Luật sư Smita Shah, giám thị của phòng thực tập, hoan nghênh phán quyết của Ủy Ban: “Tôi rất vui mừng là Ủy Ban đã ra Phán quyết về trường hợp của cô Minh Mẫn. Các sinh viên rất bức xúc trước hoàn cảnh của cô và kiên quyết đi tìm công bằng cho cô. Chúng ta giờ đã có một Phán quyết kêu gọi trả tự do cho cô và, nói thẳng ra, đó là điều mà chính quyền Việt Nam cần làm. Phán quyết này là một chứng nhận cho giá trị của Phòng Thực Tập Pháp Lý để đối đầu với những vi phạm nhân quyền trầm trọng.”
Cô Minh Mẫn bị bắt giữ vào ngày 31 tháng Bảy năm 2011 mà không có trát tòa, bị biệt giam hai ngày và bị thẩm vấn hàng ngày bởi nhiều điều tra viên mà không có sự hiện diện của luật sư. Sau khi bị giam cầm 18 tháng trời, cô Minh Mẫn và 13 đồng sự bị kết án sau một phiên tòa kéo dài có hai ngày rưỡi. Cô Minh Mẫn không có luật sư biện hộ mãi cho đến buổi sáng của phiên xử, và phiên tòa có đầy rẫy những bất thường về thủ tục pháp lý. Cô Minh Mẫn chỉ được phép có năm phút để trình bày trước tòa và chỉ được phép trả lời “có” hay “không” trước các câu hỏi đặt ra. Cô cũng không được phép gọi và hỏi các nhân chứng. Vào ngày 9 tháng Giêng năm 2013, cô Minh Mẫn bị kết án 8 năm tù giam và 5 năm quản chế. Bên cạnh án tù và thời hạn quản chế dài đăng đẳng, cô Minh Mẫn còn bị đối xử bất công và phân biệt trong trại giam.
Quý vị có thể đọc Phán Quyết của Ủy Ban Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc tại đây.
Nguồn: Media Legal Defence Initiative