Bầu tổng thống thứ 45 của nước Mỹ và kịch tính của nó là một sự kiện chính trị lớn nhất trong năm 2016.
Với vai trò của Mỹ trên thế giới, việc ai làm tổng thống Mỹ đều có ảnh hưởng đến Việt Nam trên các mặt chính trị, kinh tế trong đó có Phong trào Dân chủ Việt Nam.
Không thể có con số thống kê, nhưng vẫn có thể thấy hơn nửa người Việt ở hải ngoại và trong nước mong muốn bà Hillary Clinton làm tổng thống. Người VN trong nước thì bày tỏ thiện cảm, người Mỹ gốc Việt thì dồn phiếu cho bà.
Đến khi ông Donald Trump trúng cử, nhiều người tỏ ra ái ngại. Quả là chính sách của ông Trump chú trọng hơn về hướng nội mà thu hẹp hướng ngoại. Có người lo ngại rằng Mỹ sẽ không hoặc ít quan tâm hơn đến nhân quyền ở VN.
*
Trước hết, cần điểm lại những năm qua, sự ủng hộ của Mỹ đến đâu và có tác dụng như thế nào đối với Phong trào Dân chủ VN?
Trong hai nhiệm kỳ liên tiếp gần đây, tổng thống Mỹ là người của Đảng Dân chủ. Không thể phủ nhận việc người Mỹ thành tâm muốn cải thiện nhân quyền ở VN cũng như ở các quốc gia kém về thành tích nhân quyền. Tuy nhiên, sự can thiệp của Mỹ đối với nhân quyền VN về cơ bản mới dừng lại ở mức quan ngại.
Những người hoạt động dân chủ không thể không đặt câu hỏi: Tại sao trong khi Mỹ làm việc với Chính phủ VN về tình trạng nhân quyền thì tình hình nhân quyền vẫn không được cải thiện. Tất cả những cam kết, hứa hẹn trong các buổi làm việc trở thành vô nghĩa khi những chiếc cặp ngoại giao gấp lại. Việc đàn áp, bắt bớ những nhà hoạt động nhân quyền vẫn tiếp diễn.
Trong một cuộc gặp ông David B. Shear đại sứ Mỹ (người tiền nhiệm của ôngTed Osius), tôi đã thẳng thắn đặt câu hỏi: “Tôi biết Mỹ rất quan tâm đến nhân quyền ở các nước. Nhưng tại sao qua những phiên đối thoại về nhân quyền Mỹ – Việt, tình trạng vi phạm nhân quyền của VN không giảm đi mà còn có xu hướng gia tăng?” Ông B. Shear chỉ khẳng định, nhân quyền luôn đi kèm với chính sách ngoại giao của Mỹ.
Những cuộc đối thoại về nhân quyền Việt – Mỹ ít có tác dụng trên thực tế. Mỹ yêu cầu thì cứ yêu cầu, VN đối xử với người hoạt động dân chủ như thế nào thì cứ việc. Những con bài của Mỹ nắm trong tay cứ buông dần mà không cần đổi lấy một điều kiện gì đáng kể.
Một nước kém thành tích nhân quyền như VN mà Mỹ còn cho vào cả Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc. Một điều mỉa mai là, ngay sau khi VN vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ngày 12/11/2013 thì chưa đầy 1 tháng sau, ngày 8/12/2013, các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế nhân quyền được tổ chức tại Hà Nội và Sài Gòn đã bị phá – cho thiên hạ biết thế nào là VN vào Hội đồng Nhân quyền.
Các buổi tiếp xúc giữa ông Nguyễn Phú Trọng và ông Obama tại Washington cũng như tại Hà Nội đầy những ngôn ngữ ngoại giao khách sáo, mát lòng cả hai bên. Người ta không khỏi sửng sốt khi ngay tại Washington, ông Obama tuyên bố tôn trọng thể chế chính trị của VN và còn tái khẳng định khi ông sang Hà Nội.
Thể chế chính trị VN như thế nào thì ai chẳng rõ. Thế thì còn gì để mà nói.
Trong chuyến thăm VN tháng 5 năm nay, Tổng thống Mỹ bất ngờ tuyên bố bãi bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với VN. Con bài cuối cùng đối với VN, Mỹ đã buông nốt.
Nói thế không có nghĩa là sự can thiệp của Mỹ vào nhân quyền ở VN không có tác dụng gì.
Một số tù nhân lương tâm được thả trước thời hạn như Đỗ Thị Minh Hạnh, Lê Thanh Tùng, Mai Thị Dung, Antôn Đậu Văn Dương, Trần Tư, Nguyễn Tuấn Nam. Nguyễn Phương Uyên từ án 6 năm chuyển sang 3 năm tù treo… Trong đó, có những trường hợp do già yếu bệnh tật, nếu không thả ra sẽ nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí thả ra rồi nhưng chỉ ít ngày sau thì qua đời như trường hợp thầy giáo Đinh Đăng Định.
Một số tù nhân lương tâm được trả tự do trước thời hạn nhưng lại bị trục xuất sang Mỹ như Trần Khải Thanh Thủy, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải – Điếu Cày, Tạ Phong Tần. Những vụ đổi chác này chỉ có lợi cho nhà cầm quyền cộng sản. Có thể nói họ đã rất thành công.
Nói tóm lại, Mỹ đã quá nuông chiều VN. Nhà cầm quyền VN đã được rất nhiều trong quan hệ với Mỹ. Nó gợi cho ta hình ảnh một cô gái đành hanh, õng ẹo trước một chàng trai nhân hậu nhưng dễ bị bắt nạt. Cuối cùng, dù không được như ý muốn nhưng chàng trai đành phải chiều chuộng trước những lời non nỉ của cô gái cho dù có biết 100% cô ta không thật lòng.
Nhà báo Phạm Đoan Trang đưa ra một hình ảnh khá thú vị: “Mình hãy hình dung ‘Đảng và Nhà nước’ của công an xứ ta như một thằng Chí Phèo chẳng làm ăn gì, lâu lâu ngồi buồn ngứa ngáy chân tay lại rút hộp quẹt xòe lửa lên mái tranh hoặc túm vợ con ra đánh đấm để gây chú ý với thiên hạ, đặng xin tí tiền uống rượu tiếp.
Cũng giống như cha con vua Ủn ở Bắc Hàn thỉnh thoảng lôi hạt nhân ra tí toáy để dọa thế giới, chính quyền công an trị của Việt Nam cứ độ nửa năm, một năm lại bắt lấy 1-2 người hoạt động nhân quyền – dân chủ, bỏ tù để kiếm cớ “gây sức ép ngoại giao” với Mỹ. Chính quyền của bà Clinton – nếu bà ấy ngồi ghế tổng thống – là dễ bị bắt nạt kiểu đó lắm.”
Có thể thấy trong mấy nhiệm kỳ tổng thống Mỹ vừa qua, Mỹ giúp cho dân chủ ở Việt Nam thì ít mà nuôi dưỡng chế độ VN đứng vững để đàn áp nhân quyền thì nhiều. Trong các cuộc mặc cả, nhà cầm quyền VN chỉ có được chứ không mất.
Nhưng xét cho cùng, vấn đề nhân quyền, dân chủ ở nước nào thì người dân nước ấy giải quyết. Sự giúp đỡ từ các yếu tố bên ngoài tất nhiên là quan trọng nhưng không thể ngồi đó mà trông cậy, nên nói vai trò của Mỹ đến đâu không phải để trách cứ.
*
Ngày 20/1/2017, ông Trum sẽ xách va ly bước vào Nhà Trắng. Việc bầu cho ông Trump với rất nhiều bất ngờ, gây tranh cãi cho thấy nhận thức của người Mỹ đã thay đổi. Có thể họ đã nhàm chán với sự chỉn chu, nhân văn nhân ái, nể nang chung chung, không muốn nước Mỹ trở nên già cỗi. Nước Mỹ sẽ có thay đổi trong chính sách đối nội và đối ngoại.
Với cá tính của ông Trump và với những gì ông tuyên bố, Việt Nam không dễ gì “bắt nạt” được Mỹ. Mọi sự quan tâm, chiếu cố đến VN sẽ gần như không còn với cả hai phía: nhà cầm quyền và phong trào dân chủ, thậm chí không có cả TPP… Thế giới sẽ có thay đổi, tuy nhiên, tất cả còn ở phía trước.
Có người tếu táo rằng, dưới thời ông Trump, tù nhân lương tâm sẽ rớt giá thảm hại. Loạt mới bắt như Mẹ Nấm, Hồ Hải, Lưu Văn Vịnh… bổ sung vào “kho” để chuẩn bị đổi chác với bà Clinton trở thành hàng ế. Và biết đâu các vụ bắt bớ những người hoạt động dân chủ sẽ… giảm vì bắt chẳng để làm gì. Tất nhiên, đó cũng chỉ là nói cho vui mà thôi.
Dù sao thì việc bầu cho ông Trump vẫn là sự lựa chọn của cử tri Mỹ, mà người Mỹ không dễ bị lừa. Ông ta có khác người, có điên thì vẫn còn cả một dàn giúp việc tài giỏi. Mặt khác, nền dân chủ Mỹ với cơ chế tam quyền phân lập không cho phép ông ta muốn làm gì thì làm.
Viết đến đây, tôi lại vừa biết thêm thông tin Ông Trump tuyên bố không cần lương tổng thống dù chỉ 1 xu (lương tổng thống là $400.000/năm cùng với 1 tài khoản chi tiêu $50.000/năm, một tài khoản $100.000 không tính thuế dành cho du hành và $19.000 cho giải trí). Đó cũng là điều khác người của ông. Không phải cái khác thường nào cũng xấu.
Thiếu đi sự ủng hộ của Mỹ, Phong trào dân chủ VN nếu không có lợi thì cũng chẳng mất gì. Và điều này nữa, rõ ràng là nhà cầm quyền Việt Nam mong muốn bà Clinton làm tổng thống chứ hoàn toàn không thích ông Trump nếu không nói là lo ngại ông ấy. Vì nếu bà Clinton trúng cử thì quan hệ Việt – Mỹ vẫn diễn ra như những năm vừa qua, vẫn cứ cò cưa nhùng nhằng như đã thấy và nhà cầm quyền VN không mong gì hơn. Đảng CSVN vốn ghét đảng Cộng hòa hơn là đảng Dân chủ, gọi đảng Cộng hòa là đảng diều hâu, hiếu chiến. Cứ theo lẽ thường mà suy thì những người hoạt động dân chủ phải chọn ngược lại với sự chọn lựa của nhà cầm quyền.
Vì vậy, Phong trào Dân chủ Việt Nam chẳng có gì phải nuối tiếc về kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua. Biết đâu ông Trump sẽ tạo ra những cơ hội cho họ.
Thầy người ta bâu cử mà thầy ham ơ vn không biết đên bao giờ mới có cuộc bầu cử đứng nghía bất man qúa