Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Hành động của Philippines và Thái Lan hiện nay không giống với những gì mà các đồng minh hiệp ước của Mỹ nên làm. Dù Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dường như là một trường hợp cá biệt, nhưng tư tưởng chống Mỹ của ông ta chỉ là một phần mới nhất trong sự bất ổn của quan hệ Mỹ – Philippines. Quan hệ Mỹ – Thái cũng đã xấu đi kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014, và dường như người Thái còn đang có ý định thắt chặt quan hệ quân sự với Trung Quốc. Nhưng bất đồng của hai nước này với Mỹ không nhất thiết có nghĩa là họ muốn thay đổi nguyên trạng ở châu Á.
Việc Duterte lên nắm quyền đã khiến quan hệ liên minh giữa Mỹ và Philippines rơi vào tình trạng hỗn loạn. Vị Tổng thống có phần cực đoan này đã đưa ra các tuyên bố chính sách nảy lửa, trong đó bao gồm khả năng kết thúc các cuộc tuần tra chung trên biển với Mỹ, cũng như chấm dứt sự hiện diện của Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ ở Mindanao. Những điều này, cùng với việc Duterte đáp trả kịch liệt những chỉ trích từ Mỹ về chiến dịch chống ma túy, tất cả đều báo hiệu rắc rối nghiêm trọng trong quan hệ hai nước. Duterte dập tắt mọi hy vọng rằng đất nước của ông sẽ tiếp tục xích lại gần Mỹ hơn trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông.
Tương tự, quan hệ Thái Lan – Mỹ cũng đã bất ổn từ năm 2014, khi giới tinh hoa Thái liên tục bày tỏ sự thất vọng đối với chính sách của Mỹ. Sau cuộc đảo chính tháng 5/2014, đã có nhiều người giận dữ khi Mỹ lên án việc lật đổ chính phủ Yingluck và hạ cấp hợp tác quân sự. Kể từ đó, quan hệ giữa hai bên được đánh dấu bởi việc chỉ trích lẫn nhau, nhất là khi các quan chức Mỹ chỉ trích Thái Lan về các vấn đề nhân quyền.
Cùng lúc đó, Thái Lan dường như đang gần gũi hơn với Trung Quốc. Hai nước đã tiến hành các cuộc tập trận chung mới, và hải quân Thái cũng đã công bố kế hoạch mua tàu ngầm của Trung Quốc. Quyết định gần đây của Thái Lan nhằm trục xuất các nhà hoạt động người Uighur, một dân tộc thiểu số ở miền Tây Trung Quốc đang đòi ly khai, và ngăn chặn nhà hoạt động nổi tiếng người Hồng Kông Joshua Wong nhập cảnh, là những bằng chứng cho thấy họ đang nghiêng về phía Trung Quốc.
Cả Thái Lan và Philippines đều sợ các cường quốc sẽ can thiệp vào chính trị trong nước hoặc vào các vấn đề an ninh nội bộ của mình. Trong khi hầu hết các nước phương Tây chỉ coi chỉ trích từ bên ngoài là một sự khó chịu, thì đối với nhiều quốc gia đang phát triển, nó có thể được hiểu là nhằm gây mất ổn định, bao gồm cả việc hỗ trợ cho lực lượng đối lập.
Quan điểm an ninh như vậy khiến các nước này hạn chế các giá trị tự do. Đó là lý do tại sao các khái niệm như nhân quyền và pháp quyền có thể được hiểu khác nhau. Ví dụ, quyền được xem là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội là một trong những quyền mà người Thái Lan và Philippines có lẽ sẽ khá sẵn sàng bỏ qua nếu họ cảm thấy có đe dọa về an ninh. Các ví dụ nổi bật là chiến dịch chống ma túy của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra và bây giờ là cuộc trấn áp của Duterte ở Philippines.
Tất cả những điều kể trên có nghĩa là các nước như Philippines và Thái Lan có thể phản ứng dữ dội với những lời chỉ trích về việc thực thi nhân quyền của họ. Họ sẽ khiến cho quan hệ chính trị và ngoại giao với những cường quốc đã ‘xúc phạm’ họ trở nên rất khó khăn. Điều này bao gồm cả việc đề nghị thắt chặt quan hệ với Trung Quốc và Nga, những nước mà bản thân họ đã phi tự do nên sẽ không chỉ trích kẻ khác về nhân quyền.
Một sự chuyển đổi trong cơ cấu quyền lực quốc tế đang thay đổi cách mà Thái Lan và Philippines cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Hợp tác với Mỹ cho phép tiếp cận công nghệ và đào tạo, cũng như cung cấp một lá chắn chống lại Trung Quốc, nhưng cả hai đều không muốn trở thành con rối trong tay Mỹ và Trung Quốc. Họ không muốn là nơi để Mỹ tiến hành chiến tranh ủy nhiệm, và cũng chẳng muốn Trung Quốc trở thành bá chủ. Để làm được việc này, hai nước đã thường xuyên đóng khung riêng biệt các cấu phần khác nhau trong các mối quan hệ song phương của mình.
Ví dụ, mặc cho sự giận dữ của Duterte, một cuộc tập trận chung của không quân Mỹ và Philippines vẫn diễn ra như kế hoạch, và việc đe dọa hủy bỏ các cuộc tuần tra hàng hải Philippines-Mỹ cũng chỉ được áp dụng với những cuộc tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, chứ không phải trong lãnh hải. Số lính Mỹ có thể bị yêu cầu rút khỏi các hoạt động chống nổi dậy ở Philippines cũng khá nhỏ. Và việc Duterte dọa sẽ mua vũ khí từ Nga và Trung Quốc là khác với Thái Lan, đó là một hành động bảo vệ chủ quyền chứ không hẳn thể hiện sự liên kết.
Với trường hợp của Thái Lan, hiện vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy họ hay Mỹ muốn ngừng “Hổ mang Vàng” (Cobra Gold) – cuộc tập trận đa phương lớn nhất trong khu vực, bất chấp mối đe dọa từ việc thành lập “Gấu trúc Vàng (Panda Gold). Dù người Thái vẫn có một số huấn luyện quân sự với Trung Quốc, nhưng chúng diễn ra ở quy mô nhỏ hơn nhiều so với Mỹ.
Việc phân tách quen thuộc giữa quan hệ kinh tế và quan hệ an ninh – trong đó Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế chính, còn Mỹ là đối tác an ninh được ưu tiên – dường như đang mở rộng sang lĩnh vực chính trị – an ninh, khi mà quan hệ chính trị bất ổn vẫn có thể đi kèm với quan hệ quân sự ổn định.
Phương Tây có nghĩa vụ đạo đức phải nhắc lại lý do tại sao các nền dân chủ tự do sẽ tạo ra xã hội công bằng nhất, cũng như là những nước có khả năng cao nhất để đem đến nhân phẩm, tự do và phát triển tiềm năng con người. Nhưng Mỹ và các nước khác cũng phải nhận thức được quan điểm khác biệt của những nước Đông Nam Á. Người Thái hay người Philippines đều không muốn phải mang ơn Trung Quốc, cũng như họ không muốn phải mang ơn Mỹ vậy.
***
Tiến sĩ Greg Raymond là một Nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng tại Đại học Quốc gia Australia.
– See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/11/01/dieu-gi-dang-xay-ra-voi-cac-dong-minh-dong-nam-a-cua-my/#more-18664
Hệ quả của việc thiếu quyết đoán trong vấn đề biển Đông đối với với TQ của Mỹ. Người ta chỉ thấy các hành động của Mỹ ở biển Đông (và cả các vấn đề khác) giống với việc ve vãn TQ hơn là răn đe.
Chính xác là vậy. Nếu Mỹ cương quyết thì Biển Đông và Syria không như bây giờ.
Duterte la 1thang khung