Như trong bài giáo dục phổ thông tôi đã từng viết: “Chương trình giáo dục phổ thông tại sao có 3 cấp: tiểu học, trung học đệ nhất cấp hay cơ sở, và trung học đệ nhị cấp trong 12 năm? Vì đó là chương trình giáo khoa viết ra rất công phu để đáp ứng với phát triển tư duy và tâm lý của lứa tuổi:
Tiểu học: tư duy một bước, học thuộc lòng, tiếp nhận thế giới khách quan trung thực. Nó được gọi là tư duy chân thực.
Trung học cơ sở: Tư duy hai bước, sau khi tiếp nhận bắt đầu phân tích đúng sai, lý luận. Người Việt gọi tuổi này là tuổi “học ăn, học nói, học gói, học mở”.
Trung học đệ nhị cấp – từ lớp 9 ở Bắc Mỹ và lớp 10 ở thế giới còn lại đến lớp 12: Tư duy ba bước có logic và phân tích phản biện. Ở tuổi này, sau khi ghi nhận, phân tích thì trẻ bắt đầu đưa ra giải pháp để chứng minh điều mình lý luận là đúng.
Đó là triết học trong giáo dục phổ thông mà thế giới văn minh đã và đang áp dụng.
Giáo dục Việt Nam trong 71 năm ở miền Bắc và 41 năm ở miền Nam – trừ ra 30 năm dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa – đã không đáp ứng được chương trình giáo khoa về tư duy ba cấp học. Vì thế, ngay cả sinh viên đại học bây giờ cũng không thể đủ bằng tư duy của học sinh tốt nghiệp tú tài thời Việt Nam Cộng Hòa đào tạo.
Biện chứng sự kiện của Trịnh Xuân Thanh
Chuyện Trịnh Xuân Thanh xin ra khỏi đảng vì cho rằng tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không còn xứng đáng để ông phải ngồi chung mâm, và đảng cộng sản bây giờ không còn xứng đáng để lãnh đạo quốc gia, chứ không phải chuyện ông Thanh đang ở đâu, làm gì? Nhưng hầu hết dân Việt chỉ quan tâm đến ông đang ở đâu?
Nên nhớ rằng, đây là lần đầu tiên một đảng viên cao cấp như ông Trịnh Xuân Thanh dám đứng ra chống lại chỉ đạo của đảng trưởng đảng cộng sản ở Việt Nam. Ngày xưa ông Võ Nguyên Giáp – dù được xem là thánh tướng – nhưng ông cũng phải chấp nhận bị quản thúc đến cuối đời tại gia. Những ông đi đầu trong cải cách như Trần Xuân Bách, Trần Độ, Nguyễn Hộ cũng phải cúi đầu chịu quản thúc quản chế tại gia đến chết. Chính vì thế, đây là sự kiện vô cùng trọng đại.
Vấn đề đằng sau việc ông Thanh đang ở đâu, ai bảo vệ ông an toàn mới là vấn đề bản chất của chính trị Việt Nam hiện nay. Đó là bài toán 2 bước trong tư duy triết học. Tại sao cả lực lượng quân báo, an ninh và công an không đụng được đến ông Thanh mới là quan trọng, và triết học.
Vì dù ông Thanh có trốn cùng trời cuối đất thì với sự quản lý của đảng cộng sản Việt Nam ông Thanh không thể thoát được. Đã vậy, ông Thanh còn dùng cả viber online và bưu điện, điện thoại để liên lạc với báo Thanh Niên, với Bùi Thanh Hiếu – tức Người Buôn Gió – để đưa thông tin ông chống lại đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng và đảng cộng sản của ông.
Theo ông Bùi Thanh Hiếu ở Đức thì, đã có ít nhất 3 người liên lạc với ông để trực tiếp bàn luận và đưa tài liệu của ông Thanh chống lại lệnh của ông Nguyễn Phú Trọng và đảng cộng sản, mà ông Hiếu cũng không hiểu tại sao họ lại chọn ông để đưa tin mà không chọn báo, đài như: VOA, RFA, RFI, Ba Sàm, Dân Luận, Tin tức Hằng ngay, Thời báo Việt Nam, kể cả báo đảng, etc…
Ngoài ra, những người tiếp xúc với ông Hiếu, họ còn khẳng định rằng: “Chỉ có lực lượng trong đảng mới làm thay đổi được chính trị Việt Nam, còn các tổ chức dân sự của người Việt chỉ chém gió, chứ không đủ sức mạnh làm đảng cộng sản thay đổi”. Đây là nhận định rất chính xác với thực tế khách quan, và chính vì nhận định này làm cho Người Buôn Gió quyết định đồng ý hợp tác với họ – đề nghị đọc loạt 6 bài của Bùi Thanh Hiếu có tiêu đề: “Trịnh Xuân Thanh con dê tế thần”. Ngay sau khi ông Hiếu yêu cầu ông Thanh chụp hình CMND và bằng lái của ông để chứng minh ông Thanh thực sự đứng ra chống lại ông Trọng thì ông Thanh thực hiện theo yêu cầu.
Tất cả những điều trên cho thấy, một mình ông Trịnh Xuân Thanh không thể đủ sức chống lại ông Nguyễn Phú Trọng và đảng cộng sản hiện nay, mà phải có một lực lượng đủ mạnh để bảo an cho Trịnh Xuân Thanh và đứng ra để đối đầu với Nguyễn Phú Trọng. Trong đó, tổng cục II chắc chắn phải có tham gia vào việc này.
Sau đại hội đảng lần thứ XII, mọi việc xấu đi rõ rệt cho tình hình kinh tế và chính trị ở Việt Nam, khi mà 1520 đại diện cho hơn 4 triệu đảng viên cộng sản độc tài đã chọn hạ sách cho nhân sự nhiệm kỳ 2011 – 2016, như tôi đã dự đoán trước khi đại hội diễn ra. Và cách của ông Nguyễn Phú Trọng học theo cách của Tập Cận Bình để cải tổ đảng của mình sau khi hạ bệ được ông Nguyễn Tấn Dũng là thiếu thực tế khách quan. Vì Việt Nam có một nửa đất nước 30 năm sống với tư bản, trước đó, cả nước bị đô hộ 100 năm với Pháp. Trong khi Trung Hoa chỉ bị tư bản xé ra từng mảnh và vẫn giữ chế độ nhà Mãn Thanh phong kiến. Ý thức hệ và tư duy của người Việt khác hoàn toàn người Trung Hoa, và tính dễ thay đổi của người Việt cũng dễ dàng hơn Trung Hoa, kể cả người trong đảng cộng sản.
Chuyện ông Trịnh Xuân Thanh không còn là chuyện của riêng ông, mà là chuyện của chính trị quốc gia. Một thế lực khác trong đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam đang được tổ chức chặt chẽ và đủ thế và lực cả kinh tế đến chính trị và nhân lực đang đứng ra đối đầu với nhóm cầm quyền hiện nay của ông Nguyễn Phú Trọng là có thật. Đó là điều rút ra từ sự kiện Trịnh Xuân Thanh đang bị chiến dịch đả hổ diệt ruồi của ông Nguyễn Phú Trọng. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà đảng tự dưng lại yêu cầu quốc hội bàn đến việc phải có đội ngũ bảo vệ yếu nhân trong lúc này, mặc dù, ngay từ những năm 1940, đội ngũ này đã được đào tạo và sắp xếp rất tốt.
Ai nắm tổng cục II lúc này chính là người đang bảo vệ ông Trịnh Xuân Thanh, và sẽ là thế lực đang muốn thay đổi bàn cờ chính trị Việt Nam.
Kết
Mọi diễn biến còn đang ở phía trước, nhưng qua sự việc này cho thấy, sẽ có một thay đổi lớn hơn cả những gì đã diễn ra ở đại hội đảng cộng sản lần thứ XII tại Việt Nam. Thời điểm có những thay đổi nhân sự cao cấp chủ chốt trong đảng cầm quyền là cấp bách, dù mới vừa thay đổi chỉ 8 tháng, không loại trừ phải sửa đổi hiến pháp 2013 trong những năm tới để cải tổ tận gốc rễ, vì đảng cộng sản hiện nay đã có 2 nhóm cấp tiến và bảo thủ, mà nhóm bảo thủ đang nắm quyền không còn đủ tư duy và năng lực lãnh đạo chính đảng viên của mình.
Mệnh lệnh lịch sử buộc chính trị Việt Nam phải thay đổi về mọi mặt, nếu không binh đao khói lửa lại một lần nữa diễn ra trên đất nước đau thương và nhục nhằn này.