Sẽ có thay đổi ở Đông Nam Á vào mùa hè 2016

- Quảng Cáo -

THÁI LAN (CTM Media) – Ngày 6 tháng Bảy 2016, Website The Diplomat, có bài nêu ra ba sự kiện quan trọng diễn ra trong mùa hè 2016 này, có thể làm thay đổi cảnh quan khu vực Đông Nam Á.

Trước nhất Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Hay sẽ công bố các phán quyết vào ngày 12 tháng Bảy 2016 liên quan đến trường hợp Philippines kiện các “hoạt động bất hợp pháp” của Trung Quốc tại Biển đông (mà Manila gọi là biển Tây Philippines).

Ngay cả khi Trung Quốc không thừa nhận thẩm quyền của Tòa, bất kỳ phán quyết nào trong vụ kiện này chắc chắn có ảnh hưởng đến mối quan hệ của Trung Quốc không chỉ với Philippines mà còn cả với các nước đang có tranh chấp về Trường Sa. Một phán quyết thuận lợi cho Philippines sẽ gián tiếp thúc đẩy lòng tin của những nước khác trong vùng Đông Nam Á. Động thái này có thể gợi ý cho nhiều nhóm nước kêu gọi “Chexit” tức là Trung Quốc cần chấm dứt hiện diện tại các thực thể đang có tranh chấp.

Thứ hai là cuộc trưng cầu dân ý về Hiến Pháp của Thái Lan. Hai năm sau khi tiến hành đảo chính, quân đội Thái Lan đã soạn dự thảo Hiến Pháp nhằm tái lập sự lãnh đạo của chính quyền dân sự ở nước này. Cuộc trưng cầu dân ý được dự trù vào ngày 7 tháng Tám có mục đích thông qua hoặc bác bỏ dự thảo Hiến Pháp. Trong những tuần lễ gần đây, cảnh sát đã bắt các nhà hoạt động bị cáo buộc phân phát truyền đơn nói về Hiến Pháp.

- Quảng Cáo -

Một số nhóm ủng hộ dân chủ cho rằng bản Hiến Pháp sẽ củng cố vai trò của quân đội thay vì việc thiết lập nền dân chủ tại Thái Lan. Do Thái Lan đang đối mặt với viễn cảnh bất ổn nghiêm trọng, kinh tế của nước này có thể tiếp tục bị tổn hại và điều này cũng có thể tác động đến số phận của những người lao động nhập cư đến từ các quốc gia láng giềng trong khu vực.

Thứ ba là tiến trình hòa bình và hòa giải của Miến Điện. Hơn 60 năm sau khi giành được độc lập, nhiều sắc tộc thiểu số vẫn tiếp tục tiến hành chiến tranh chống lại chính phủ trung ương. Năm ngoái, thỏa thuận ngừng bắn trên phạm vi toàn quốc đã được ký kết nhưng không phải tất cả các nhóm vũ trang đều tham gia sáng kiến này. Thắng lợi áp đảo của đảng dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã làm nẩy sinh hy vọng là cuối cùng thì tiến trình hòa bình và hòa giải sẽ được hoàn tất tại Miến Điện. Để hỗ trợ cho mục tiêu này, tân chính phủ đề nghị tổ chức một đại hội toàn quốc vào tháng tới, theo mô hình hội nghị hòa bình mà cha của bà Aung San Suu Kyi đã tổ chức năm 1947.

Hội nghị Panglong thế kỷ 21 hy vọng tập hợp được tất cả các sắc tộc thiểu số và thuyết phục được các nhóm vũ trang ủng hộ lịch trình tái lập hòa bình và hòa giải của chính phủ. Có một vài thách thức phải vượt qua như sự bùng phát của Phật Giáo cực đoan, tư tưởng bài Hồi Giáo trong số các phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan và việc quân đội tiếp tục có vai trò ảnh hưởng, do đã nắm quyền lãnh đạo đất nước từ năm 1962 đến tận năm nay. Tuy nhiên, thành công của Hội nghị Panglong có thể hỗ trợ cho tiến trình chuyển đổi của Miến Điện hướng tới hiện đại hóa nền dân chủ qua việc thực hiện trên quy mô lớn các cải cách kinh tế. Tiến trình hòa bình của Miến Điện cũng có thể được dùng làm mô hình cho các nước khác như Philippines, nơi vẫn xẩy ra các cuộc chiến tranh cục bộ và các phong trào đòi ly khai.

- Quảng Cáo -

ĐÃ CÓ 1 GÓP Ý

  1. Mấy năm qua , xo với ASEAN ,Vn mình là nước kém nhất ,kém hơn cả Laos,Campuchia ,không biết tại sao ? làm không đủ ăn ,nợ công đến hơn 86 tỷ usd ,mỗi đầu người từ cháu mới đẻ đã cõng nợ lên đến 30 triệu cụ mượt , thế có chết không .Ngân sách thì cứ trống rỗng ,cứ ai giầu thì y như là cán bộ hoặc dây dợ với ông nọ bà kia ,thế thì làm gì có công bằng xã hội hở ông đảng to ,đảng bé ơi !

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here