Chuyến bay Air Force One đã đáp xuống Hà Nội tối qua. Nhà Trắng và giới học giả think-tank có ảnh hưởng tại Washington thì tô vẽ chuyến đi ba ngày này của Tổng thống Obama như giây phút “để đời”, xác nhận việc “xoay trục” sang Châu Á. Trông đợi sẽ có những cuộc trao đổi nồng ấm về việc Hoa Kỳ thắt chặt quan hệ quốc phòng và kinh tế với một Việt Nam hiện đại. Trông đợi sẽ có những hình ảnh ấm lòng trên TV của người dân Việt Nam vui sướng – luôn cả hình ảnh người nông dân đội nón lá quần quật trên ruộng đồng.
Nhưng đừng kỳ vọng giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam sẽ nhìn nhận những đau khổ họ gây ra cho một số công dân tài giỏi nhất trong nước. Như cựu tù nhân lương tâm Cù Huy Hà Vũ có nói, Việt Nam ngày nay là một bọn cướp nắm quyền. Những nhà hoạt động dân chủ dũng cảm chỉ làm cản đường của họ.
Những người dũng cảm như ông Đặng Xuân Diệu, ông Hồ Đức Hòa và ông Trần Vũ Anh Bình, ba trong số hơn 100 tù nhân chính trị hiện nay tại Việt Nam. Họ mòn mỏi sau song sắt, trong khi giới đặc quyền ở Washington xoay mặt đi chỗ khác.
Một số người đặc quyền đó là các phân tích gia Đông Nam Á của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (Center for Strategic and International Studies – CSIS) tại Washington DC, có thêm nghề phụ là tư vấn kinh doanh. Họ biết là đề cập đến hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Việt Nam sẽ đe dọa quan hệ với các viên chức cao cấp cộng sản. Các công ty thân chủ của họ thì cần các quan hệ đó để làm ăn tại Việt Nam.
Hơn thế nữa, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ có chi tiền cho một toán vận động hành lang với lương 30 nghìn Mỹ kim một tháng. Nhiệm vụ của họ căn bản là đừng để những câu hỏi rắc rối về tù nhân chính trị làm hư mối quan hệ quốc phòng và thương mãi Mỹ-Việt, đặc biệt là việc bán vũ khí sát thương.
Người ta thắc mắc không biết nếu ông Diệu, ông Hòa và ông Bình hiện đang bị giam cầm, sẽ nói gì nếu được tự do lên tiếng.
Ông Đặng Xuân Diệu, một ký giả dân báo gốc Công giáo thuần thành, bị giam cầm từ 2011. Tội của ông là thực thi quyền tự do ngôn luận. Theo lời kể của người anh với đài Á Châu Tự Do, ông Diệu sống trong một “địa ngục” – bị đánh đập, làm nhục và bị đối xử như một nô lệ vì từ chối không chịu mặc áo tù. Ông Hồ Đức Hòa cũng là một blogger bị cầm tù từ 2011 cũng với tội thực thi tự do ngôn luận. Ông Trần Vũ Anh Bình, một nhạc sĩ, mất tự do từ 2012. Tội của ông là viết nhạc xúc phạm đến Đảng Cộng Sản. Ông Bình thì hết hạn tù năm tới, trong khi ông Diệu và ông Hòa còn mòn mỏi trong tù tới năm 2024.
Cả ba người có dính đến đảng Việt Tân, một đảng chính trị với trụ sở tại Hoa Kỳ, hữu hiệu trong việc dùng mạng xã hội để tranh đấu cho các quyền tự do ngôn luận và hội họp. Đảng Việt Tân có tầm với rộng rãi tới quần chúng trong và ngoài Việt Nam. Vì thế mà Bộ Công An Việt Nam dán nhãn “khủng bố” cho đảng Việt Tân.
Ông Bình, ông Hòa và ông Diệu có trong nhóm 17 tù nhân chính trị được Giáo sư Allen Weiner thuộc Trường Luật Stanford đại diện bênh vực. Giáo sư Weiner đạt được phán quyết của Ủy Ban Điều Tra Về Bắt Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc rằng cả 17 người, hoặc là thành viên, thân hữu, hay hỗ trợ viên của đảng Việt Tân, đã bị cầm tù bất công. Tuy 14 trong số này đã được thả, một số vẫn bị tiếp tục xách nhiễu, đe dọa bởi công an. Theo lời tường tuật của Giáo sư Weiner, ‘Họ tiếp tục phải trả một giá đắt’.
Đó là những bất công rõ ràng mà bất cứ phân tích gia đáng tin cậy về tình hình Việt Nam cũng khó mà lờ đi. Xin giới thiệu ông Murray Hiebert, một phân tích gia về Châu Á của CSIS. Ông không phủ nhận Việt Nam có vấn đề nhân quyền, nhưng rất cẩn thận không bao giờ dùng từ ngữ thẳng thừng để làm các viên chức Việt Nam cao cấp nổi giận.
Cách đây chín tháng, tôi có đưa thông tin của Giáo sư Weiner về vụ 17 thanh niên công giáo cho ông Hiebert, đề nghị đây là cơ hội để nêu vấn đề này qua một diễn đàn công cộng. Ông đã gạt qua một bên. Ông cũng từ chối không cho biết là có đồng tình với nhãn “khủng bố” mà Hà Nội gán cho đảng Việt Tân hay không.
(Nhà Trắng và Bộ Ngoại Giao nắm vững tình hình hơn là CSIS. Chẳng những họ nể trọng đảng Việt Tân vì nỗ lực tranh đấu ôn hòa, các viên chức an ninh quốc gia của Obama còn duy trì quan hệ tốt với đảng Việt Tân. Đài Á Châu Tự Do tường thuật là trước chuyến đi Việt Nam của ông Obama, đại diện đảng Việt Tân cùng với các tổ chức tranh đấu người Việt khác được thông tin.)
Cách đây vài tuần, ông Hiebert lần nữa không phản hồi khi tôi yêu cầu phỏng vấn về những hỗ trợ viên của đảng Việt Tân đang bị cầm tù. Tôi có đăng ký tham dự một buổi họp báo vào ngày 17 tháng Năm mà CSIS tổ chức về chuyến đi của ông Obama. Nhưng tôi bị từ chối với lý do “hết chỗ”.
Phòng họp báo có đông thật, nhưng vẫn có chỗ cho đài truyền hình Việt Nam (VTV). Đài VTV là cái loa của Đảng Cộng Sản. Tin tức hấp dẫn dạo này của đài VTV là việc cảnh cáo các ký giả độc lập – đặc biệt là đảng Việt Tân – không được đưa tin liên quan đến cá chết, đến các quan chức tham nhũng trong vụ cho phép công ty thép Formosa Hà Tĩnh hoạt động.
(Đáng nói là trong khi “ký giả” của đài VTV được phép tuyên truyền tại Hoa Kỳ, nhà cầm quyền Hà Nội tiếp tục phá sóng đài Á Châu Tự Do cũng như chương trình Việt Ngữ của BBC cũng gặp vấn đề).
Hóa ra là CSIS thường gây khó khăn cho những ai hay đặt câu hỏi rắc rối. Ngày 24 tháng Năm, 2015, cựu tù nhân chính trị Cù Huy Hà Vũ làm Đại Sứ Việt Nam tại Mỹ, Phạm Quang Vinh nổi giận khi hỏi Việt Nam biện minh thế nào về việc đàn áp tù nhân chính trị. Ông Vinh, nổi giận ra mặt, trả lời là Việt Nam không có tù nhân chính trị.
Hơn thế nữa, ông Hiebert đang là chủ tọa buổi họp báo cũng chẳng buồn chỉnh lại lời tuyên bố vô lý đó của ông đại sứ Việt Nam. Buổi hôm đó là để thảo luận về một nghiên cứu về quan hệ Việt-Mỹ mà ông Hiebert là đồng tác giả. Nghiên cứu này được chính quyền Việt Nam kín đáo tài trợ.
Và vào tháng Bảy năm ngoái, ông Hiebert cố gắng hết sức để làm vừa lòng toán bảo vệ khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện tại CSIS. Ông Hiebert kêu bảo vệ đưa Bác sĩ Nguyễn Thể Bình ra khỏi phòng họp. Bác sĩ Bình tuy được mời nhưng bị các nhân viên bảo vệ cộng sản đòi đuổi bà ra.
Ngoài ra còn có những lý do khác để hoài nghi tính độc lập của ông Hiebert. Ngoài công việc phân tích tại CSIS, Hiebert còn là cố vấn cấp cao cho công ty tư vấn kinh doanh, the Bower Group Asia.
Xung đột lợi ích
Xếp của ông Hiebert tại CSIS là ông Ernie Bower, điều hành công ty Bower Group Asia. Công ty Bower có hơn 60 nhân viên tại trụ sở chính ở Washington DC và tại 21 quốc gia Á Châu, kể cả Việt Nam.
Xung đột lợi ích nằm ở các chỗ sau đây:
Tại CSIS ông Hiebert cổ võ cho TPP. Công ty Bower Group chủ động đi tìm mối làm ăn dính đến TPP.
Ông Hiebert cho rằng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam đã không còn hữu ích gì nữa và nên bỏ. Công ty Lockheed đang muốn bán các máy bay tuần thám P-3 Orion và C-130 Hercules, có chân trong hội đồng quản trị của CSIS. Boeing cũng tương tự, cũng muốn bán máy bay tuần thám P-8 Poseidon cho Hà Nội. Các công ty vũ khí quốc phòng này chắc chắn là không muốn tiền chi cho CSIS được dùng để rọi đèn vào vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.
Các công ty khác như Coca-Cola, Chevron là thân chủ của Bower Group cũng lại có chân trong CSIS.
Trong những tháng gần đây, ông Hiebert được các hãng thông tấn lớn như CNN, Reuters, AP, Forbers, Politico, Financial Times, Washington Times, Voice of America trích dẫn rộng rãi và chỉ giới thiệu là phân tích gia của CSIS. Độc giả sẽ không biết là ông Hiebert còn làm việc cho công ty tư vấn kinh doanh. Độc giả không biết là các công ty tài trợ cho CSIS có quyền lợi tài chính trong đó.
Mới hôm nay CNN trích dẫn lời của ông Hiebert đưa quan điểm đồng tình bán vũ khí cho Việt Nam, và giới thiệu đây là một học giả của CSIS. Người xem không biết được là vị “học giả” này được các công ty vũ khí quốc phòng tài trợ cho CSIS, đã nhận tiền của chính quyền Việt Nam để soạn nghiên cứu kêu gọi tháo gỡ lệnh cấm bán vũ khí. Người xem cũng không biết là ông Hiebert làm việc cho công ty Bower Group, muốn làm cò cho các vụ buôn bán vũ khí.
Tác nhân tạo ảnh hưởng
Sẵn nói chuyện tạo ảnh hưởng, nếu xem xét kỹ người ta sẽ thấy nhóm vận động hành lang với lương 30 nghìn Mỹ kim mỗi tháng của đại sứ Việt Nam chi trả, vô tình cho thấy những chuyện tô vẽ xoay quanh chuyến đi Việt Nam của ông Obama không kể hết được mọi chuyện.
Trong bản kê khai về tác nhân nước ngoài mà Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ yêu cầu khai báo, công ty Podesta Group cho thấy họ được 180 nghìn Mỹ kim trong 6 tháng chót của năm 2015. Họ đã làm gì để có số tiền này.
Họ tiết lộ có bảy cuộc họp, hầu hết với phụ tá dân biểu. Vị dân biểu duy nhất có gặp với đại diện của Podesta là Dân biểu Cộng Hòa Matt Salmon của tiểu bang Arizona, cuối năm nay nghĩ hưu. Dân biểu Salmon đã từng gặp Đại sứ Phạm Quang Vinh hồi đầu năm và đã đi Việt Nam hồi tháng Năm. Vị dân biểu này hậu thuẫn tăng cường quan hệ giao thương Mỹ-Việt.
Tính ra 180 nghìn Mỹ kim cho bảy cuộc gặp mặt. Tức là khoảng 25 ngàn Mỹ kim mỗi cuộc gặp, thảy vào đó khoảng 50 cái email và 5 cú điện thoại mà bản kê khai có ghi. Ông David Adams, nhân viên vận động hành lang của Podesta đã làm việc để dọn đường cho chuyến viếng thăm của ông Obama. Khi được hỏi làm những việc gì cho các số tiền đó, ông Adams từ chối trả lời.
Khi màn ảnh TV chiếu hình ảnh nông dân Việt Nam quần quật trên đồng ruộng, hãy nghĩ đến ông David Adams. Một người Việt trung bình phải làm việc 13 năm để có đủ tiền trả cho một cuộc gặp mặt trị giá 25 nghìn Mỹ kim giữa Podesta Group với phụ tá dân biểu.
Từ thời thực dân Pháp cho đến thời cướp ngày Cộng sản hiện nay, chính quyền luôn tước đoạt tài sản của người dân nghèo khó.
Không biết người nông dân Việt Nam sẽ nghĩ gì nếu biết sức lực lưng còng của họ giúp tài trợ cho cuộc sống của những kẻ đặc quyền?
Greg Rushford
23/5/2016
Hoàng Thuyên lược dịch
Có ai dot nhu thang chó Phúc không