Một chính quyền rộng mở thông tin, hành xử công khai, không có khoảng tối hay khoảng cấm nào và quan trọng là hành động đồng tâm đồng thuận với người dân trong bất cứ cuộc khủng hoảng nào. Đây là một điều không thể có cho chính quyền mới của TTg Nguyễn Xuân Phúc, với việc xử lý khủng hoảng vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung.
Chẳng hiểu vì sao khi vụ cá chết bùng phát, dân kêu than khóc thì chính quyền im lặng như không có chuyện gì. Sau đó thì cử những đoàn cấp dưới vào để trấn an người dân nhưng không thành mà còn đem lại tác dụng ngược.
Chưa gì một quan chức, BT Môi trường đã tuyên bố Formosa không liên can gì tới thảm họa cá chết đang diễn ra. Một tuyên bố ngớ ngẩn và phản tác dụng, nên Formosa càng bị dư luận chiếu tướng nhiều hơn. Và chính quyền cũng là nghi can có dính líu gì đó đến Formosa khi lên tiếng bao che cho công ty này. Rồi các phát biểu của các cấp dưới chỉ thêm rối bời sự kiện. Trong khi với vai trò Thủ Tướng thì đáng lẽ ông Phúc phải có mặt ở thực địa để ủy lạo người dân, tìm hiểu tình hình thì ông lại im lặng một cách khó hiểu, tắc trách khiến cho người dân đã hoang mang lại càng hoang mang hơn.
Chỉ đến khi người dân nổi giận đem cá đổ lên đường và biểu tình ngăn cản lưu thông trên quốc lộ thì chính quyền của ông mới vào cuộc và làm những việc mà đáng lẽ ông phải làm từ đầu khủng hoảng. Nhưng khủng hoảng kéo dài và các giải pháp của chính quyền thì thiếu và trật trọng tâm khi chỉ giải quyết phần ngọn chứ không có phần gốc.
Thay vì làm việc quyết liệt với các nghi can như Formosa như minh bạch hóa mọi tài liệu, hợp đồng cũng như đưa CA vào cuộc điều tra bất cứ ai. Mời gọi quốc tế chính thức vào cuộc v..v.. thì lại tuyên bố biển sạch, ăn cá tôm được. Các cán bộ địa phương nhảy xuống biển tắm và chen nhau ăn hải sản trong khi Bộ TNMT vẫn cấm ăn hải sản ven bờ. Và cá vẫn chết khiến cho các quan chức tắm biển và ăn cá đó như những anh hề diễn hài rẻ tiền.
Việc chính quyền bao tiêu sản phẩm đánh bắt xa bờ cũng không phải là một giải pháp tốt khi đưa cái khó cho nhân viên dưới quyền phải kiểm tra chứng thực các sản phẩm, cái nào xa bờ (ngoài 20 km), cái nào gần bờ trên một thực địa hàng trăm ngàn km. Việc ép các siêu thị phải nhập và bán cá còn ở dạng nghi ngờ sẽ không khả thi vì vấn đề cá chết còn chưa sáng tỏ, thì người dân vẫn tẩy chay ăn cá.
Khôi hài hơn nữa khi chính quyền cấp gạo (15 kg/tháng) cho các hộ ở trong vùng có cá chết. Khi thảm họa cá chết xảy ra thì người ngư phủ đánh cá được ít đi, và khó khăn để bán được cá. Thu nhập của họ bị giảm đi đáng kể chứ không phải họ bị đói mà phải cấp gạo, cứ như thể họ là nạn nhân của chiến tranh, hay động đất vậy. Cái họ cần nhất vẫn là sớm ổn định môi trường để họ bắt tay làm ăn trở lại cũng như các trợ giúp về ngân hàng cho thời gian khó khăn này.
Còn nhiều cách hành xử của chính quyền trong vụ cá chết này chứng tỏ sự lúng túng, không chuyên nghiệp và nặng phần đối phó của chính quyền. Những việc làm không được sự đồng thuận của người dân, thậm chí đi ngược lại với người dân vẫn diễn ra như trước. Điển hình là vụ dùng CA, An Ninh đàn áp những người tuần hành ôn hòa vì môi trường ngày 1/5/2016 ở Hà Nội, Sài Gòn. Một hành động không thể chấp nhận được khi trấn áp những người dân đã xuống đường chỉ để đánh động sự thật đang diễn ra.
Cùng với khả năng vượt qua khủng hoảng yếu kém thì TTg Nguyễn Xuân Phúc và nhiều quan chức chính quyền nên ra đi để giữ sự liêm sỉ.
Tác giả gởi Chân Trời Mới Media