Khủng hoảng về môi trường tại nhà máy thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh đã lên tới đỉnh điểm. Đó là do cái cách hành xử đầy khuất tất của ông Võ Tuấn Nhân thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường (TNMT) của nước CHXHCNVN muôn năm trong cuộc họp với báo giới cách đây mấy hôm. Người dân lân cận khu vực nhà máy Formosa đã bị ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế, tới sức khỏe. Người dân ở xa hơn thì lúc hoang mang lo lắng, lúc phẫn nộ bởi những gì đã diễn ra.
Trong một biển thông tin tràn ngập dạo này, cái gì đáng tin cái gì không? Lẽ dĩ nhiên, để cái nhà máy thép Formosa to vật vã như vậy thành hình thì trách nhiệm thuộc về rất nhiều cơ quan chính quyền. Nhưng vì vấn đề nổi cộm ở đây là ô nhiễm môi trường, nên tôi sẽ tập trung vào nhận xét khả năng làm việc của Bộ Tài Nguyên Môi Trường, cơ quan phải chịu trách nhiệm chính, qua sự kiện này.
Ông bà mình hay nói “nắm kẻ có tóc, không ai nắm kẻ trọc đầu”. Hành xử không minh bạch của ông thứ trưởng Nhân khiến tôi phải coi ông có bao nhiêu tóc trên đầu! Và sau khi đếm tóc ông Nhân, tôi không thể tin ông ta. Tôi quyết định tìm một cái gì cụ thể, rõ ràng để phân tích. Một cái gì đó mà họ, bộ TNMT, không thể nào chối cãi.
Cái rõ ràng nhất tôi có thể tìm được là tài liệu “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp sản xuất thép”, số QCVN 52:2013/BTNMT do Bộ Tài Nguyên Môi Trường nước CHXHCNVN muôn năm ban hành ngày 25/10/2013.
Xin xem mẫu của tài liệu:
Tiếp theo, tôi so sánh nó với tài liệu Title 40 of the Code of Federal Regulations (40 C.F.R), chapter 1, subchapter N on Effluent Guidelines and Standards, point source category of Iron and Steelmaking. Tài liệu này do US Environmental Protection Agency (EPA, Cục Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ) ban hành, quy định tiêu chuẩn nước thải trong ngành sản xuất thép tại Mỹ. Xin xem mẫu của tài liệu này ở các hình số 02,03,04,05,06 bên dưới.
Sau đây là vài nhận xét của tôi sau khi đọc và so sánh hai tài liệu nêu trên. Tôi sẽ gọi tắt tài liệu của Việt Nam là VN, và tài liệu của Mỹ là US.
SO SÁNH VN VÀ US
Một. VN có tổng cộng 7 trang. US có tổng cộng 67 trang. Vậy US hơn VN khoảng 9.5 lần.
Hai. VN có đúng 01 bảng tiêu chuẩn. US chỉ riêng phần subpart A đã có 08 bảng tiêu chuẩn (US có 13 subpart ký hiệu từ A tới M). Vậy số bảng tiêu chuẩn của US nhiều hơn VN một số lượng mà tôi không có thời gian đếm nổi.
Ba. VN chỉ có đúng 01 quy định về nước thải, nằm ở giai đoạn nước thải thoát ra môi trường. US có 13 nhóm quy định cho 13 giai đoạn sản xuất thép, ví dụ như coke making (sản xuất cốc), iron making (sản xuất gang), steel making (sản xuất thép), acid pickling (tẩy rỉ sét bằng axit) v.v.
Bốn. VN không hề có quy định về tiêu chuẩn nước thải cho từng loại nhà máy thép, ví dụ nhà máy mới và nhà máy cũ. VN cũng không hề có quy định về tiêu chuẩn cho từng loại kỹ thuật và quy trình sản xuất thép khác nhau. US quy định đầy đủ những yếu tố này trong một số nhóm như BPT (best practicable control technology currently available), BAT (best available technology economically achievable), BCT (best conventional technology), NSPS (new source performance standards)… Qua đó cũng cho thấy tiêu chuẩn VN là quá thấp cho một nhà máy thép mới xây dựng như Formosa, đồng thời cũng không hề có lộ trình để bắt buộc Formosa phải nâng cao tiêu chuẩn nước thải trong tương lai.
Năm. Số liệu trong bảng duy nhất của VN quá tròn trĩnh, nhưng có thể tạm chấp nhận do khả năng hạn chế về phương pháp và thiết bị đo. Số liệu của US rất đa dạng và chi tiết, khác nhau cho từng nhóm tiêu chuẩn. Cái quan trọng là US xây dựng bộ tiêu chuẩn này dựa trên số liệu thu thập và phân tích tại các nhà máy thép Mỹ trong hàng chục năm. Còn tiêu chuẩn VN dựa vào đâu? Tôi hoàn toàn không có thông tin gì, cho đến khi tình cờ tìm được tài liệu Pollution Prevention and Abatement Handbook của WorldBank Group phát hành năm 1998 và ngừng lưu hành từ 30/04/2007. Trang 330 của tài liệu này có Table 4 cực kỳ giống với bảng tiêu chuẩn do bộ TNMT đưa ra năm 2013 đã nói ở trên. Xin xem mẫu tài liệu của WorldBank Group ở hình số 08. Xin xem bảng so sánh ở hình số 09.
NHẬN XÉT VỀ NĂNG LỰC CỦA BỘ TNMT
Dựa trên những tài liệu tôi hiện có và những so sánh ở trên, tôi nhận xét về năng lực của bộ TNMT như sau.
Một. Bộ TNMT có thể đã không có dữ liệu đánh giá nước thải tại các nhà máy thép ở Việt Nam trong quá khứ, nên không có cơ sở để xây dựng tiêu chuẩn mới nhất, và họ cũng không biết phải xây dựng tiêu chuẩn ra sao.
Hai. Vì lý do nêu trên, bộ TNMT có thể đã sao chép tiêu chuẩn tham khảo của WorldBank Group 1998 – 2007 và sửa đổi một vài tiêu chí, rồi dán mác của mình lên. Dĩ nhiên là bộ TNMT đã không dẫn nguồn tham khảo.
Ba. Sự sơ sài quá thể của tiêu chuẩn QCVN 52: 2013/BTNMT cho thấy cơ quan này có năng lực cực kỳ kém cỏi. Không một ai có thể tin nổi cái văn bản sơ sài đến nực cười này lại được dùng để quản lý nước thải của một nhà máy thép khổng lồ như Formosa Hà Tĩnh.
Bốn. Vì bộ TNMT không đủ năng lực, không đủ trình độ để đưa ra các quy định, các tiêu chuẩn tương xứng với quy mô của cơ quan này, cho nên tôi nghi ngờ năng lực thực hiện của nó. Vì thật dễ hiểu, nếu họ không hiểu về tiêu chuẩn, đương nhiên họ không biết phải giám sát cái gì và kiểm tra cái gì.
Năm. Đây là một nhận xét có tính chất đậm đà tình cảm của tôi. Mấy bữa trước ông Võ Tuấn Nhân hành xử rất ngu (ngơ) trước báo giới. Bây giờ tôi có thể khẳng định bộ TNMT rất ngu (ngơ) khi đưa ra cái tiêu chuẩn QCVN 52:2013/BTNMT này. Bộ TNMT trong sự kiện Formosa này có thể nói là “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa”. Đúng là tài nguyên thời thổ tả!
45,000 MÉT KHỐI CÓ PHẢI LÀ CON SỐ THẬT HAY KHÔNG?
Báo Lao Động đăng bài “Bộ TNMT cho phép Formosa xả thải công suất khủng” ngày 27/04/2016 có cấp tin, rằng bộ TNMT cấp giấy chứng nhận cho phép Formosa xả nước thải với công suất là 45.000 m3/ngày đêm.
Câu hỏi tôi muốn hỏi bộ TNMT là quý vị lấy cơ sở nào, tiêu chuẩn nào để cấp cho Formosa định mức xả nước thải 45,000 m3/ngày đêm này? Ngày thứ nhất nó xả 80,000 m3 rồi ngày thứ hai nó xả 10,000 m3 thì có gọi là đúng quy định không?
Trong thời gian tôi chưa có thêm thông tin, tôi có quyền nghi ngờ Formosa có thể xả thải nhiều hơn con số 45,000 m3 mỗi ngày nếu nó muốn, vào bất cứ lúc nào. Vì sao tôi nghi ngờ?
Lấy công suất hiện tại của Formosa là khoảng 7 triệu tấn thép / năm. Lượng nước thải theo tiêu chuẩn được cấp là 45,000 m3/ngày tương đương với 16.5 triệu m3 / năm. Nghĩa là lượng nước thải cho sản xuất thép chỉ là 2.4 m3/tấn thép. Đây là con số cực kỳ phi lý.
Theo sách The Making, Shaping and Treating of Steel: Ironmaking Volume (do David H. Wakelin biên tập, 11th edition, năm 1999, AISE Steel Foundation, trang 386-393) thì lượng nước thải trung bình để sản xuất thép từ khâu đầu tới cuối đã bao gồm lượng nước tái sử dụng, dao động từ 13,000 gallons tới 23,000 gallons/tấn, tương đương từ 49 m3 tới 87m3/tấn.
Bộ TNMT cấp cho Formosa xả nước thải trung bình chỉ 2,4 m3/tấn, trong khi tài liệu Mỹ nói lượng nước thải từ 49 tới 87 m3/tấn. Khoảng cách chênh lệch quá lớn, từ 20 tới 40 lần làm tôi nghi ngờ trong thực tế Formosa có thể sẽ xả thải gấp nhiều lần tiêu chuẩn được cấp.
Cuối cùng, tôi làm một bảng so sánh tổng lượng chất thải ra biển của Formosa hàng năm dựa theo QCVN 52:2013/BTNMT với công suất 7 triệu tấn thép/năm theo ba kịch bản thải: 2,4m3, 49m3 và 87m3/tấn thép vừa phân tích ở trên:
Dựa theo bảng so sánh này thì cho dù kịch bản nào xảy ra trong thực tế thì môi trường biển tại Vũng Áng và các khu vực lân cận chắc chắn sẽ chết. Còn sức khỏe và sinh kế của người dân? Tôi không dám nghĩ tới. Còn bộ TNMT, đại diện cho chính quyền trong sự kiện này, thì tôi không hy vọng gì.
KẾT
Tôi không nhớ rõ mình đã từng đọc được câu nói, đại ý là “nếu anh im lặng khi người khác gặp bất công, rồi sau cùng bất công cũng sẽ tìm tới anh”. Nên tôi cũng xin đóng góp tiếng nói nhỏ nhoi của mình, và mong người dân Hà Tĩnh của chúng ta, cũng như mọi loài sinh vật trong vùng sẽ sớm thoát khỏi thảm họa môi trường từ nhà máy thép Formosa này.
Nhà, 29/04/2016.
Trần Kiên
NGUỒN THAM KHẢO
01) QCVN 52:2013/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp sản xuất thép. 25/10/2013. bộ TNMT Việt Nam.
02) “Bộ Tài nguyên – Môi trường cho phép Formosa xả thải công suất khủng”. báo Lao Động. 27/04/2016.
03) Part 420 – Iron and Steel Manufacturing Point Source Category. CFR 2014 Title 40 Vol 29 Part 420. 2014. United States Environmental Protection Agency.
04) Pollution Prevention and Abatement Handbook. Iron and Steel Manufacturing. page 327 – 331. July 1998. WorldBank Group.
05) The Making, Shaping and Treating of Steel: Ironmaking Volume. 11th ed..1999. David H. Wakelin editor. Pittsburgh, Penn.: The Association of Iron and Steel Engineers (AISE) Steel Foundation.
Updated 1. 12:45pm 03/05/2016.
Tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ, khích lệ của rất nhiều quý vị với bài viết này. Nó ngoài dự kiến của tôi, và tôi thật sự vui vì điều này.
Để đáp lại sự quan tâm của quý vị, tôi đang viết tiếp một bài phân tích về chất thải của nhà máy thép formosa hà tĩnh. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành sớm để gửi đến quý vị.
Tôi đã sửa một sai sót trong bài này từ góp ý của anh Luong Duc Anh. Xin chân thành cảm ơn anh.