5 chức năng của đảng phái chính trị

Hồng Tâm lược dịch - Tạp chí Luật khoa

Sanders - Hillary
Ông Bernie Sanders và bà Hillary Clinton trong một buổi tranh luận trước công chúng để giành vị trí ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ. Ảnh: theodysseyonline.com
- Quảng Cáo -

Các đảng chính trị là thành phần không thể thiếu được cho sự vận hành của các chính phủ dân chủ hiện đại. Tầm quan trọng của các đảng chính trị được chứng minh rõ ràng nhất ở thực tế là nền dân chủ không thể hoạt động mà không có sự tồn tại của các đảng phái chính trị.

Nếu thiếu sự có mặt đa dạng các đảng chính trị có tổ chức thì, một đảng chính trị không thể xem là cơ chế vận hành dựa trên nền tảng chính phủ đại diện. Trên cơ sở phân tích về chức năng của các đảng chính trị của Merriam và Munro, chúng ta có thể đưa ra vài luận điểm như sau:

1. Các đảng chính trị là nền tảng cho hoạt động của chính phủ, quốc hội có thể thực hiện được trên thực tế

Quốc hội hay Nghị viện bao gồm các đại diện của nhân dân. Các đảng chính trị tham gia vào quy trình thành lập những cơ quan quyền lực này theo đường lối, chính sách chung của mình để vận động cử tri ủng hộ.

Theo chiều ngược lại, các cử tri chọn đại diện của họ trên cơ sở tham gia và đặt niềm tin vào một đảng chính trị nhất định. Chính đảng mà có được đa số phiếu bầu sẽ thành lập chính phủ và điều hành nhà nước; trong khi các đảng khác trong cơ quan lập pháp tạo thành phe đối lập và cố gắng tìm ra các thiếu sót với chính phủ, do đó làm cho chính phủ trở nên có trách nhiệm hơn.

- Quảng Cáo -

Nếu thiếu vắng sự có mặt của các đảng chính trị, các đại biểu dân cử có thể làm việc với các mục tiêu chồng chéo tư lợi hay chỉ phục vụ mục tiêu cho chính đảng của mình. Điều này làm cho việc hình thành của một chính phủ hiệu quả và bị giám sát là không thể thực hiện.

2. Các đảng chính trị xây dựng các chính sách công cộng

Mỗi đảng chính trị tham gia vào cuộc bầu cử để đạt được những mục tiêu của nó kết hợp với tuyên ngôn chính trị của chúng.

Nói cách khác, mỗi chính đảng sẽ đại diện cho một tầng lớp nhân dân, một hệ tư tưởng nhất định – và tiếng nói của cử tri ủng hộ đảng đó sẽ dần hình thành quyết sách, cương lĩnh chính yếu của từng đảng trong quá trình tranh cử. Cần nhớ rằng không đảng phái nào có thể đạt được sự đồng thuận gần như tuyệt đối về mặt quan điểm.

Lấy ví dụ về Đảng Dân Chủ của Mỹ, một mặt nhiều cử tri yêu cầu giải quyết vấn đề xung đột sắc tộc hay tôn giáo, tiến đến một xã hội hòa hợp; nhưng mặt khác, đại bộ phận tầng lớp công nhân lao động ủng hộ Đảng Dân Chủ cũng yêu cầu thắt chặt vấn nạn nhập cư hay những thỏa thuận tự do mậu dịch.

Vì cần lá phiếu của cả hai nhóm cử tri, Đảng Dân Chủ buộc phải tìm cách thỏa hiệp và đưa ra một đường lối chính sách hợp lý để thỏa mãn yêu cầu của cả hai. Ngược lại, nếu không cần đến những lá phiếu này, sẽ không có gì chắc chắn cho quyền lợi của cả hai nhóm được tôn trọng dưới sự lãnh đạo của Đảng Dân Chủ ( ND – người dịch).

Hillary Clinton và Bernie Sanders
Đảng Dân Chủ đang định hình chính sách và tiếng nói chung thông qua cuộc đua giành vị trí ứng cử viên của đảng nầy giữa bà Hillary Clinton và ông Bernie Sanders. Ảnh: USAToday

Không lâu sau cuộc bầu cử, chính đảng chiếm đa số phiếu bầu thành lập chính phủ để tìm cách xây dựng các chính sách công trên cơ sở các cam kết được tuyên bố trong tuyên ngôn tranh cử. Điều này đảm bảo rằng các chính sách công chủ chốt đảng chiến thắng hay đảng đa số có được sự ủy nhiệm nhất định từ lượng lớn các cử tri, là căn cứ chính danh để thực hiện cương lĩnh chính trị của mình.

3. Các đảng chính trị giúp định hướng và hỗ trợ công luận

Các đảng chính trị trong bất kỳ hệ thống chính phủ nào đều định hướng, xây dựng, tập hợp, tổ chức và thực hiện hóa công luận – thứ không thể thiếu trong môi trường nhà nước hiện đại.

Chúng cũng giúp phát triển về ý thức chính trị của thường dân, nói cách khác đó là những người không có thời gian để theo đuổi và nghiên cứu các vấn đề của nhà nước.

Các đảng phái chính trị với nỗ lực tiến gần hơn với công chúng, tổ chức các cuộc biểu tình công cộng, các cuộc họp, các buổi họp báo về các vấn đề trọng yếu và làm cho quan điểm của mình trở nên rõ ràng.

Điều này tạo cho những thường dân có cơ hội phân tích những ưu và khuyết điểm của các vấn đề quan trọng khác nhau, dẫn đến việc tổ chức và xây dựng công luận về các vấn đề trọng yếu.

Những người dân thường là những người thường không có thời gian để đóng góp cho nền chính trị được lợi vô cùng bởi những cuộc họp này… và được hiểu nhiều khía cạnh khác nhau của các vấn đề cơ bản liên quan đến việc quản trị.

4. Các đảng chính trị tạo nên sự ổn định chính trị

Các đảng chính trị bằng nhiều cách giúp hợp nhất, đơn giản hóa và ổn định quá trình chính trị của đất nước.

Các lực lượng, nguồn gốc gây mất ổn định cục bộ, khu vực, lợi ích và vị thế địa lý sẽ có thể đường hoàng giải quyết tranh chấp của mình bằng con đường chính trị.

Thậm chí, thông qua đảng chính trị, những lực lượng này buộc phải cải tạo hệ tư tưởng của họ để thu hút dân chúng, từ đó tiêu trừ khả năng mất đoàn kết và thúc đẩy sự gắn kết. Các đảng chính trị chủ yếu thực hiện chức năng ‘kết hợp những lợi ích”.

Ngoài ra, các đảng phái chính trị trong nền dân chủ đại diện còn đóng một vai trò rất lớn trong việc duy trì sự ổn định bằng cách thực hiện các vai trò của mình trong cơ quan lập pháp.

Chính đảng chiếm đa số phiếu bầu thiết lập chính phủ và các đảng chính trị nhỏ khác trong phe đối lập. Đảng cầm quyền (buộc) phải cư xử một cách rất có trách nhiệm. Bởi vì bất kỳ động thái không khôn khéo nào của họ sẽ làm họ mất đi quyền lực và giúp phe đối lập (các đảng chính trị) lên nắm quyền quản lý.

Phe đối lập không chỉ đơn thuần là thực hiện việc phê bình chính phủ; mà nó còn đưa ra cương lĩnh và sẵn sàng nguồn lưc cho một chính phủ thay thế trong trường hợp xảy ra bất kỳ cuộc khủng hoảng nào xảy ra trong bộ máy nhà nước. Như vậy các đảng chính trị còn góp phần tạo nên sự ổn định của chính phủ.

5. Các đảng chính trị giúp chiêu mộ những nhà lãnh đạo toàn diện

Chức năng chủ yếu của bất kỳ đảng chính trị nào cũng là chiêu mộ được những người có đủ tố chất liêm chính, được tín nhiệm, có ảnh hưởng, có khả năng lãnh đạo gấp nhiều lần các thành viên của nó và chuẩn bị cho cuộc bầu cử trong tương lai.

Bởi vì chính những thành viên đại diện của đảng chính trị là người truyền bá hệ tư tưởng của đảng, thảo luận các vấn đề xã hội và tổ chức các cuộc họp, họp báo để vận động hỗ trợ từ cộng đồng – họ buộc phải tìm kiếm những người thật sự có tài, cẩn trọng trong ăn nói, hay thậm chí, “bắt mắt” ở phong thái và vẻ bề ngoài – hoặc đối mặt với sự “thất sủng” từ công chúng (những người vốn có thể bị cuốn hút bởi ngoại hình thay vì những chính sách công phức tạp – ND).

Tổng thống Ronald Reagan (phải) và Bill Clinton
Tổng thống Ronald Reagan (phải) và Bill Clinton, hai đại diện tiêu biểu đến từ Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, nổi tiếng với tài năng lẫn phong thái và vẻ đạo mạo đậm chất “tổng thống” của mình. Ảnh: Tạp chí Luật Khoa

Chính những nhà lãnh đạo này một lần nữa tham gia tranh cử và xây dựng chính phủ nếu được bầu lên nắm quyền. Những người lãnh đạo như vậy xuất phát từ đời sống nhân dân, được mong đợi sẽ thấu hiểu những nguyện vọng của những người dân thường và từ đó xây dựng các chính sách công phù hợp.

Các đảng chính trị luôn có được sự ủng hộ, công nhận của công chúng mặc dù chỉ có các nhà lãnh đạo của chúng thực hiện điều này.

Hồng Tâm (lược dịch)

(Tạp chí Luật khoa)

- Quảng Cáo -

ĐÃ CÓ 1 GÓP Ý

  1. Xưa: Nước không thể không có vua.
    Nay: Quốc gia nào cũng phải có đảng phái để điều hành.
    Đã không không tránh được thì phải làm sao cho đảng phái hoạt động một cách hữu hiệu và lành mạnh nhất cho dân cho nước như ở các quốc gia Tây Phương đang làm.

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here