Mới đây, phong trào tự ứng cử vào “Quốc hội Việt Nam” được nhiều người chú ý và cố súy. Điều này gây nhiều chú ý của dư luận xã hội. Nhiều người dân đồng tình và quan tâm, bởi đây là lần đầu tiên, người dân sôi nổi hưởng ứng một công việc mà xưa nay họ cứ mặc cho đảng tự tung tự tác và biểu diễn trước bàn dân thiên hạ màn bầu cử “dân chủ đến thế là cùng”.
Thế nhưng, khi một số người quyết định sử dụng quyền của mình được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam minh nhiên công nhận, thì lập tức dàn báo đảng vào cuộc tấn công bằng những đòn hạ cấp mà theo ngôn ngữ dân gian, thì đó là những đòn “đánh dưới thắt lưng’.
Dẫn đầu phong trào này, lại không ai khác, mà vẫn là kẻ xung phong đốt đền: Nguyễn Như Phong với tờ báo ngành dầu khí Petrotimes bằng bài viết: “Quốc hội không phải phường chèo”.
Đọc qua bài báo, người ta không khỏi phải giật mình cho sự hèn hạ, bẩn thỉu của cái gọi là “báo chí cách mạng”. Bởi từ lý luận đến câu văn… tất cả chỉ là những chuyện bới móc đời tư để công kích, để châm biếm nhưng lại rất… hài hước mà không đưa ra được bất cứ điều gì khả dĩ có trí tuệ để thuyết phục độc giả rằng việc tự ứng cử của Nguyễn Công Vượng và một số người khác được tờ báo nêu tên là trái pháp luật, là tội lỗi, là cần lên án!
Có những con vật bình đẳng hơn!
Trước hết, việc nghệ sĩ Nguyễn Công Vượng tự ứng cử vào “Quốc hội” là việc hiển nhiên anh ta có quyền, thậm chí là có quyền bình đẳng như Nguyễn Phú Trọng hoặc Trần Đại Quang, Nguyễn Sinh Hùng… chẳng thiếu một ly, một lai nào trong tư cách công dân.
Thế nhưng, nếu như tờ báo của Nguyễn Như Phong không hề dám mở miệng hỏi nửa lời với Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng hay Nguyễn Sinh Hùng xem với tư cách đại biểu “Quốc hội” rồi Chủ tịch “Quốc hội”, trong vai trò Tổng bí thư đã làm được những gì sau bao năm ngồi mòn cái ghế ở đó? Các ông ấy đã làm được gì? Có ai cử ông ấy vào đó không, ngồi đó làm gì hay chỉ để qua ngày, đoạn tháng ngồi giữ cái ghế mà bất chấp việc ngồi ấy có đem lại lợi ích gì cho dân nước nhay không? Hay chỉ như Nguyễn Tấn Dũng đã từng chỉ thẳng vào mặt Đảng mà rằng “Đảng giao thì tôi làm chứ không xin xỏ ai” nên không cần từ chức, dù cái làm đó là tham nhũng ngày càng nặng nề, pháp hoại nền kinh tế đến kiệt quệ?
Thì ngược lại, tờ báo này đã công kích đời tư của công dân ứng cử? Phải chăng, tờ báo của Nguyễn Như Phong muốn chứng minh câu chuyện trong Trại súc vật của George Orwell rằng “Mọi con vật đều bình đẳng nhưng có một số con bình đẳng hơn”?
Trong khi, một người đứng ra tự ứng cử đã cam kết một chương trình rõ ràng, hẳn hoi rằng “sẽ giúp làm tốt nhiều công việc như bảo tồn bảo tàng, chấn chỉnh văn hóa và giáo dục chỉ sau 1 năm đến 3 năm, hơn hẳn nhiều đại biểu Quốc hội hiện nay” (Trích bài báo), thì tờ báo này lấy để chế giễu và đánh phá? Phải chăng, chỉ khi nào những đại biểu, thậm chí Chủ tịch Quốc hội nhắm mắt làm ngơ trước quân xâm lược rằng thì là “Biển đông không có gì mới” khi mà quân giặc đang xâm chiếm bờ cõi, ngư dân đang ngày đêm bị giết trên biển. Còn việc làm tốt nhiều công việc, chấn chỉnh nền văn hóa… là chuyện đáng lên án?
Mà sự công kích cũng lạ đời. Tờ báo của Nguyễn Như Phong kể lên mặt báo tiểu sử của gia đình người nghệ sĩ này, rằng thì là bố và mẹ đều là đảng viên, đã học qua đại học và theo nghề diễn viên. Nghĩa là người có nòi giống từ đảng mà ra, có học hành, nhận thức hẳn hoi mà lại khẳng định rằng “Đảng, Nhà nước là xấu xa” là “hèn với giặc, ác với dân”, “dâng biển đảo cho giặc”… Thì thiết nghĩ đảng, nhà nước phải xem lại mình. Bởi đây rõ ràng không phải lời của những con em thế lực thù địch hoặc không có nhận thức. Mà theo cách nói của Nguyễn Phú Trọng thì “Mình có thế nào, người ta mới nói thế”.
Hài nhất là đọc đoạn này: “Hỏi Vượng: Chỉ rõ xem Đảng dâng đảo, bán đảo ở chỗ nào, đảo nào thì không nói được, một kiến thức sơ đẳng về Trường Sa cũng không biết”. Thực ra, không biết Nguyễn Như Phong đã hỏi Nguyễn Công Vượng lúc nào và ở đâu? Nhưng, tôi tin đó là sự bịa đặt, bởi nếu chỉ cần hỏi đưa trẻ con, nó cũng có thể giải thích Hoàng Sa hiện nay ở đâu và Công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng là cái gì? Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc của cha ông để lại, dưới tay đảng thì nó thuộc về ai? Những hòn đảo ở Trường Sa như Gạc Ma nay thì ai quản lý. Đó là những kiến thức mà hình như Nguyễn Như Phong đã quên.
Duy có điều này, thì người đọc thấy được căn bệnh “suy bụng ta ra bụng người” của Nguyễn Như Phong là khá rõ. Rằng “Công Vượng ít được tham gia các chương trình lớn, các sân khấu tầm cỡ quốc gia… Và dường như để “bù” lại, mấy năm gần đây, Vượng liên tục gây sự chú ý của công luận bằng những phát ngôn và hành vi gây sốc, thậm chí phản cảm”. Đọc đến đó, Công Vượng có hành động như vậy hay không thì chưa rõ, bởi đó mới chỉ là sự quy kết hậm hực của một bút nô. Nhưng người ta thấy rõ điều này: Cũng làm báo, nhưng khi không được nổi danh, được kính trọng bằng người khác, Nguyễn Như Phong đã không ngần ngại làm người lính xung kích, làm kẻ đốt đền, bất chấp sự thật và sẵn sàng bịa đặt, hại người. Phải chăng đó chính là để “bù” lại cho khả năng của mình?
“Quốc hội” không chỉ là phường chèo, mà còn là sân khấu hài
Tờ báo đặt khẳng định “Quốc hội không phải là phường chèo”, thiết nghĩ là chưa chính xác. Lẽ ra cần phải nói: Không chỉ là phường chèo, mà thậm chí còn là sân khấu hài mới chuẩn.
Sở dĩ, đặt chữ “Quốc hội” trong ngoặc kép, chỉ vì nghĩa của từ Quốc hội trong thể chế cộng sản không còn đúng nghĩa của nó. Ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên 1946 đã viết “Điều thứ 22: Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà”.
Vậy nhưng, chính Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng: “Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đứng sau nghị quyết của đảng”. Vậy có nghĩa là trên cái “cơ quan có quyền cao nhất” lại còn một cơ quan quyền lực cao hơn?
Đến mức, muốn sửa đổi Hiến Pháp, phải chờ Nghị quyết của Đại hội đảng(?). Và, các vai diễn trong cái “cơ quan quyền lực cao nhất nước” này, cứ vẫn đóng trọn vai diễn hết năm này qua tháng khác.
Chỉ nói về nghĩa đen của những từ ngữ trên và trong thực tế, thì có lẽ so sánh với một gánh hát không khác gì nhiều.
Nhắc đến nghệ thuật chèo, trước hết phải nói đến nghệ thuật sử dụng lời văn. Ở “Quốc hội” Việt Nam, nói về trình độ sử dụng lời văn, thì Chèo còn phải gọi bằng… cụ tổ.
Hãy nghe vài câu nói của những đại biểu Quốc hội là những người có chức quyền hẳn hoi:
– Bộ Trưởng Quốc phòng: “Thưa các quý vị! Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nên đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng”… Và Bộ trưởng chỉ lo: “Không phong tướng, anh em tâm tư”. Khi giặc Tàu đã vào tận thềm nhà, ông vẫn nói: “Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng, cái đó là nguy hiểm cho dân tộc”.
– “… tình hình đi làm thuê và bán vé số rất phổ biến nhưng có thu nhập cao, họ đủ trang trải cho một ngày ăn.” Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
– “QH tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai?” – Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch “Quốc hội”.
– “đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định” – Nguyễn Phú Trọng.
– “người bạn láng giềng lớn, muốn hay không cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau, có ai chọn được láng giềng đâu.” – Nguyễn Phú Trọng.
– “Đời tôi, đời các bạn chưa đòi lại được, thì đời con cháu chúng ta phải tiếp tục đòi…” – Nguyễn Đức Đam nói khi Tàu đưa dàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam khoan dầu. Thậm chí ông còn đưa ra quan niệm: “nếu chúng ta không giáo dục cho con cháu rưng rưng khi hát Quốc ca thì đất nước không thể giàu mạnh.”
– “Còn Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cũng thừa nhận đường Trường Chinh có cong, nhưng là ‘cong mềm mại…” – Dương Đức Tuấn, PGĐ Sở Quy hoạch kiến trúc TP Hà Nội.
Nghe những lời nói đó, thì quả là ngôn ngữ Chèo chưa ăn thua gì so với diễn đàn “Quốc hội” Việt Nam.
Trong nghệ thuật Chèo ngoài sử dụng ngôn ngữ, lời nói để diễn tả, thường có hai loại vai chính: Vai chín (thường để miêu tả những người tốt, người có tài) và Vai lệch (đại diện cho những con người độc ác, xấu xa hoặc không theo đúng chuẩn mực đạo đức).
Ở “Quốc hội” Việt Nam thì các “vai chín” đếm trên đầu ngón tay, là vô cùng hiếm hoi. Nhưng các “vai lệch” thì nhan nhản.
Ở đó, người ta thấy vai sư kêu gọi “xây dựng Quân đội ta mạnh như quân đội Bắc Hàn”, hoặc “Thời nhà Lê, vua Lê còn xử oan cho Nguyễn Trãi, một công thần của mình trong vụ án Lệ Chi Viên. Nhà Phật chúng tôi, có nghìn mắt, nghìn tay nhưng vẫn có câu chuyện xử oan cho Thị Kính đến khi chết” để thanh minh và đồng tình với việc án oan sai nhan nhản.
Ở đó, người ta thấy một Chủ tịch “Quốc hội” nói rằng: “Cứ vi phạm mà kỷ luật hết thì lấy ai mà làm việc.”
Ở đó, người ta cũng nghe ông Chủ tịch Quốc hội khẳng định rằng: “Đến 2013, Vinashin sẽ có lãi.” Để rồi sau đó không lâu, Vinashin sụp đổ.
Ở đó, người ta nghe Bộ trưởng Tài Chính khuyên người dân: “Nếu có tiền tôi cũng mua chứng khoán.” Để rồi sau đó, chứng khoán xuống dốc không phanh.
Ở đó, người ta thấy ông sư giải thích về Kinh tế thị trường định hướng như sau: “Bản chất thị trường không phải là xấu mà là tốt. Đặc biệt chúng ta định hướng vào đấy nữa thì càng tốt.” – Thích Thanh Quyết.
Thậm chí, nghe ông Bộ trưởng Bộ giáo dục nói những câu như: “Đã học kém thì không thể có đạo đức tốt được”. Rồi thì “Quá trình dạy và học đã thay đổi, từ chỗ dạy cho số đông sang chú ý đến hình thành phát triển từng cháu. Trước đây giáo viên nói dạy 1 lớp 40 cháu nay chuyển sang dạy 40 cháu trong 1 lớp”…
Thì “Quốc hội” quả là không chỉ là hề chèo, mà còn là trại tâm thần.
Không phải ngẫu nhiên, mà một đại biểu quốc hội đã phải đề nghị: “Đừng để người tâm thần ứng cử quốc hội”.
Như ở trên đã nói, khi mà “Cơ quan quyền lực cao nhất nước” phải cúi đầu chấp nhận đứng dưới một “cơ quan không quyền lực cao hơn” là đảng CSVN, thì tự cái “Quốc hội” ấy đã là một sân khấu hài.
Rồi ở cái “Quốc hội” ấy, nếu nghe ông nghị Đỗ Văn Đương phát biểu những câu như: “Không nghĩ lạm phát ở nước ta cao nhất khu vực. Theo tôi phải xem lại chỗ này. Tôi đi các nước thấy giá tiêu dùng đắt đỏ, một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn đồng, nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục nghìn. Trong nước tôi đi chợ rau muống ở đô thị có thể 5.000 đồng/mớ, đi xuống vùng nông thôn chỉ 2.000, xuống nữa có khi rẻ hơn”. Rồi thì “Phạm nhân Việt Nam còn sướng hơn sinh viên thời xưa”. Hay “Bán dâm là một nghề phi pháp, mua dâm thì không…”, hoặc “Thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền”.
Cũng như ông nghị Hoàng Hữu Phước với câu nói để đời về việc ban hành luật biểu tình là ô danh, và đề xuất đợi đến “khi nào trình độ dân trí cao hơn và kinh tế ổn định hơn thì mới có thể ban hành Luật biểu tình.”
Thì điều đó chứng tỏ rằng “Quốc hội” còn là một sân khấu hài vĩ đại, thưa anh Nguyễn Như Phong.
Hà Nội, ngày 8/3/2016
J.B Nguyễn Hữu Vinh
P/s : Nguyễn Minh Triết : “ ở VN không tham nhũng . .
Chỉ mượn dần ,mượn dần . . .rồi lâu ngày quên trả . .”