Cam Bốt cũng vậy, có vẻ như đã đạt được bước vượt bực về chính trị sau khi liên minh đối lập xém thắng cuộc bầu cử 2013. Nhưng trong vòng hai năm qua Thủ Tướng Hun Sen đã áp đặt lại ưu thế chính trị. Lãnh tụ đối lập Sam Rainsy, sợ bị bắt giữ, đã đi lưu đày.
Rồi còn Miến Điện. Mặc dầu chính quyền Obama đã nêu quốc gia này như một thí dụ sáng chói của thay đổi dân chủ, dân chủ thực sự vẫn còn đâu đó ở chân trời. Quả đúng là đảng đối lập lâu năm, Liên Minh Quốc Gia Vì Dân Chủ thắng cuộc bầu cử hồi tháng Mười Một năm ngoái. Nhưng quân đội vẫn nắm quyền kiểm soát nhiều bộ và một phần tư số ghế trong quốc hội. Hơn thế nữa, nội chiến bùng nổ dọc theo biên giới Miến Điện, và băng đảng và những nhóm cực đoan khác đang sát hại dân Hồi giáo ở miền Tây Miến Điện.
Lào, Việt Nam, và Brunei vẫn là những quốc gia hà khắc nhất trên thế giới mà chưa có chỉ dấu cởi mở chính trị nào cả. Mặc dầu dân chủ đã với đến Inđônêxia, Phi Luật Tân, Singapore, tiến triển vẫn còn chậm; tại Singapore, đảng cầm quyền tiếp tục chi phối hệ thống chính trị.
Nền dân chủ yếu kém tại Đông Nam Á
Có nhiều yếu tố giải thích cho việc yếu kém đi của nền dân chủ tại Đông Nam Á. Đợt đầu của các lãnh tụ đắc cử, như cựu Thủ Tướng Thái Thaksin Shinawatra, thường chứng tỏ chẳng qua chỉ là những người chuyên quyền được bầu lên và sẵn sàng dùng thế đa số để bóp nghẹt giới đối lập và kềm chế các kỹ thuật có thể được dùng làm công cụ cho thay đổi. Thật vậy, Thái Lan đã gia tăng đàn áp trên mạng dưới chế độ quân sự, hiện nay cấm hơn 100 ngàn trang web không cho người dân xem.
Thể chế yếu kém có nghĩa là nhiều quốc gia, như Mã Lai, lúng túng để giải quyết khủng hoảng chính trị; tại Thái Lan, quân đội chiếm quyền đã trở thành một lối giải quyết chính trị. Thêm vào đó ảnh hưởng của Trung Quốc – vốn chẳng phải là một lực thúc đẩy cho dân chủ hóa – thì việc nền dân chủ ở Đông Nam Á thoái lui không có gì ngạc nhiên.
Điều quan ngại ở đây là chính quyền Obama đã củng cố cho chiều hướng có hại này bằng cách thắt chặt quan hệ với các lãnh tụ chuyên quyền ở Đông Nam Á. Obama duy trì quan hệ gần gũi với Najib của Mã Lai (hai người được biết là bạn đánh gôn). Khi Obama viếng thăm Mã Lai năm ngoái, ông hầu như không đề cập gì đến việc cầm tù của Anwar. Chính quyền Obama cũng nín thinh về những vi phạm nhân quyền ở Brunei, Lào và Việt Nam, lại mời lãnh tụ đảng Cộng Sản Việt Nam qua Washington DC tháng Bảy vừa qua để thăm viếng thân mật và phô trương.
Trong những tháng gần đây, chính quyền Obama đã bắt đầu phục hồi các mối liên hệ với Thái Lan bị đông lạnh sau vụ đảo chánh tháng Năm năm 2014, luôn cả việc tiếp tục lại cuộc đối thoại chiến lược cao cấp. Nhưng theo tổ chức Quan Sát Nhân Quyền, “nhóm lãnh đạo quân sự Thái Lan xiết chặt quyền lực và bóp nghẹt nặng nề các quyền căn bản” trong năm ngoái. Và cho tới năm nay, họ vẫn chưa cho thấy có gì thay đổi.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN sắp tới có cả những nhân vật lãnh đạo – như Hun Sen, người cầm quyền Cam Bốt 25 năm qua – nhân vật trước đây được xem là quá tàn nhẫn và khắc nghiệt để được tổng thống Hoa Kỳ đón tiếp trên đất Mỹ. Giờ dường như vấn đề an ninh và kinh tế đã nổi trội hơn dân chủ để trở thành yếu tố quyết định chủ đạo cho chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trong vùng. Đối với người dân Đông Nam Á hướng giải quyết này có thể cuối cùng tạo ra nhiều rủi ro hơn là lợi ích.
Joshua Kurlantzick là Nghiên Cứu Gia về Đông Nam Á của Hội Đồng Ngoại Giao.
Hoàng Thuyên lược dịch
Theo Project Syndicate – 12/2/2016