Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ: Ưu tiên chống Nga và Trung Quốc

Bộ Trưởng Quốc Phòng Ashton Carter tại buổi ra mắt ngân sách dự thảo của Ngũ Giác Đài cho năm 2017. (Ảnh: AP)
- Quảng Cáo -

HOA THỊNH ĐỐN – Hôm Thứ Ba, ngày 2 Tháng Hai, 2016, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ashton B. Carter ra mắt ngân sách dự thảo của Ngũ Giác Đài cho năm 2017, đánh giá mối nguy hiểm Trung Quốc và Nga cao hơn mối đe dọa từ ISIS.

Ưu tiên này được ông Carter viện dẫn lý do sự gia tăng quân sự nhanh chóng của Trung Quốc và việc Nga can thiệp vào nội tình các xứ khác và vì vậy cần đầu tư vào nhiều hơn.

Ông Carter phát biểu, “Chúng ta không có sự xa xỉ của một đối thủ hoặc có sự lựa chọn giữa các cuộc chiến hiện tại hay cuộc chiến tương lai. Chúng ta phải làm cả hai.”

Bản dự thảo phản ảnh trọng tâm của quân đội Hoa Kỳ bao gồm không những các cuộc xung đột nhỏ mà còn phải đối diện với mối đe dọa “cấp cao” từ Nga và Trung Quốc, hai quốc gia có những phát kiến quân sự có khi qua mặt Hoa Kỳ.

pentagon-energy-weapons-report
Hệ thống vũ khí la-de (Ảnh: Reuters)
- Quảng Cáo -

Gần phân nửa chi phí đầu tư dự thảo liên quan đến mối đe dọa ngày càng tăng từ Moscow khi mà Putin cho thấy là sẵn sàng dùng sức mạnh quân sự của Nga từ Ukraine qua đến Syria.

Nếu được chấp thuận bởi Quốc Hội, ngân sách sẽ tăng gấp bốn lần cho sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại Châu Âu qua đề xướng Obama khởi sự khi Nga tấn công Ukraine năm 2014.

Theo Đề Xướng Trấn An Châu Âu, ngân sách sẽ tăng lên 3.4 tỉ Mỹ kim trong năm 2017, gia tăng sự hiện diện của binh sĩ Hoa Kỳ tại Châu Âu, tăng cường thêm các chiến xa và các thiết bị khác; giúp đồng minh xây dựng hạ tầng quân sự; và huấn luyện thêm cho binh sĩ đồng minh.

Tuy đề xướng 2014 của Obama được các quốc gia cận biên giới Nga hoan nghênh, người ta cũng lo ngại là sẽ mở ra một cuộc chạy đua vũ trang với một cường quốc trong tình trạng thất thường và bất an.

Theo một viên chức cao cấp trong chính quyền cho biết, đây không phải là một sự khiêu khích hay leo thang mà chỉ là kết quả của phản ứng dài hạn đối với việc Nga can thiệp vào nội tình xứ khác. Chính quyền Obama cũng hy vọng là việc gia tăng sự hiện diện của Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy các quốc gia Châu Âu gia tăng chi phí quân sự của chính họ.

Ngân sách cũng dành ra một khoản để chống trả lại những tiến bộ quân sự mà Nga và Trung Quốc đã đạt trong những năm gần đây, không những trong lãnh vực thiết bị quân sự thông thường mà còn trong các lãnh vực mới như mạng internet, qua việc gia tăng chi phí cho khả năng chiến tranh mạng lên khoảng 7 tỉ Mỹ kim.

Ngân sách dự thảo sẽ dành ra 71.4 tỉ Mỹ kim cho nghiên cứu và phát triển, như các hệ thống không người lái, tầm vóc nhỏ, chẳng hạn như loại drone tí hon mới phát triển gần đây.

Những đầu tư về công nghệ mới bao gồm đạn cao tốc bắn ra từ các hệ thống súng hiện thời của hải quân để phòng chống hỏa tiễn tấn công vào. Hệ thống này có thể thay thế hệ thống Patriot phòng chống hỏa tiễn đắt tiền hiện nay.

Tầm quan trọng của các công nghệ hải quân đến từ áp suất buộc chính quyền Obama phải có phản ứng mạnh mẽ hơn với sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, tuy chi phí quân sự vẫn còn ít hơn của Hoa Kỳ, Trung Quốc đã gia tăng ngân sách quốc phòng rất cao trong những năm gần đầy, đặc biệt nhấn mạnh xây dựng lực lượng hải quân để khẳng định chủ quyền chiếm đóng trong các vùng biển tranh chấp.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here