SÀI GÒN – Vào giữa tháng Giêng 2016, Phó Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Nguyễn Phước Thanh đã công bố với báo chí rằng, năm nay Ngân Hàng Nhà Nước sẽ xem xét cho phá sản công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân nếu hoạt động không hiệu quả.
Xin nhắc lại, trong hai năm 2014 và 2015, nợ xấu của ba ngân hàng Xây Dựng, Đại Dương và GP lên đến 20.000 tỷ đồng, gấp đôi vốn điều lệ của những ngân hàng đó là 10.000 tỷ đồng, đồng thời dàn lãnh đạo cao cấp nhất của các ngân hàng này đã bị bắt với những án lớn.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao trong hai năm 2014-2015, Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) lại không cho phá sản 3 ngân hàng Xây Dựng, Đại Dương và GP, mà lại phải mua lại bằng tiền gửi của khách hàng – như nhận định của “Góc khuất ĐH 12”, một tác giả mới xuất hiện trên mạng xã hội với những bài viết cho rằng Ngân Hàng Nhà Nước đã “báo cáo láo” về tỷ lệ nợ xấu, và đặt vấn đề về trách nhiệm của giới lãnh đạo cơ quan siêu ngân hàng này.
Câu hỏi tiếp theo là trong năm 2016, những ngân hàng thương mại nào có thể được “cho” phá sản ?
Một giả thiết hoàn toàn có thể xảy ra trong thực tế: đến một thời điểm nào đó và do không thể “ôm” được các ngân hàng chồng chất nợ xấu cùng nguy cơ phá sản trực tiếp, NHNN sẽ phải “buông” những ngân hàng này, khiến làn sóng ngân hàng phá sản dâng cao, có thể kéo theo hiệu ứng domino phá sản dây chuyền đối với những ngân hàng khác, đặc biệt trong tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng là đặc biệt gắn bó và cũng đặc biệt nguy hiểm.
Hoặc một giả thiết khác: nếu ai đó trong dàn lãnh đạo NHNN cố ý đẩy một số ngân hàng thương mại vào vực phá sản để người dân lao đến rút tiền hoặc biểu tình, khi đó chân đứng chính trị của phe đang cầm quyền sẽ khó khăn.