Các đợt di dân hàng loạt vào Châu Âu không thể ngăn chận được

Gideo Rachman - Financial Times

- Quảng Cáo -

Trong thế kỷ 18 và 19, người Âu Châu định cư khắp thế giới. Bây giờ thế giới lại định cư tại Châu Âu. Đằng sau những xôn xao về tác động của hơn 1 triệu người tỵ nạn đến Đức năm 2015 là những xu hướng lớn về kết cấu dân số. Cơn khủng hoảng di dân hiện thời là vì chiến tranh trong vùng Trung Đông. Nhưng còn có những lực đẩy khác để bảo đảm vấn đề di dân vào Châu Âu sẽ vẫn còn là vấn đề nhức nhối sau khi chiến tranh tại Syria chấm dứt.

Châu Âu là một lục địa giàu có và già nua với dân số chậm lại. Ngược lại dân số của Châu Phi, Trung Đông và Nam Á thì trẻ hơn, nghèo hơn và tăng lẹ. Lúc cao điểm của thời thuộc địa, vào năm 1900, các quốc gia Châu Âu chiếm 25 phần trăm dân số thế giới.

Hiện nay, dân số Liên Âu khoảng 500 triệu người chiếm 7 phần trăm dân số thế giới. Trong khi đó Châu Phi có hơn 1 tỷ người và theo Liên Hiệp Quốc, sẽ có khoảng 2.5 tỷ vào năm 2050.

Dân số Ai Cập tăng gấp đôi từ năm 1975 lên đến hơn 80 triệu người hiện nay. Dân số Nigeria năm 1960 là 50 triệu. Hiện nay hơn 180 triệu và nhiều phần sẽ hơn 400 triệu vào năm 2050.

- Quảng Cáo -

Việc di dân của người Châu Phi, Á-rập và Châu Á đến Châu Âu tượng trưng cho sự đảo lộn xu thế lịch sử. Trong thời thuộc địa, người Châu Âu da trắng di dân đến khắp nơi trên thế giới. Ở Bắc Mỹ và Úc Châu, các sắc dân bản xứ bị khống chế và thường bị giết hại – và cả lục địa bị biến thành vùng đất nối dài của Châu Âu. Các quốc gia Châu Âu lập thuộc địa khắp nơi trên thế giới và cho người đến định cư, trong khi cùng lúc đó có hàng triệu người bị buộc di chuyển từ Châu Phi sang Tân Thế Giới để làm nô lệ.

Khi người Châu Âu định cư khắp thế giới, họ làm theo kiểu “di dân dây chuyền”. Một người trong gia đình định cư tại một quốc gia mới như Argentina hay Hoa Kỳ; tin tức và tiền bạc được gửi về quê nhà và ít lâu sau, những người khác trong gia đình di dân tiếp.

dt.common.streams.StreamServer

Bây giờ thì dây chuyền này đi ngược lại: từ Syria đến Đức, từ Morocco đến Hà Lan, từ Pakistan đến Anh. Thời buổi này thì không còn theo lối thư từ gửi về rồi có cuộc hành trình dài trên biển. Trong thời đại Facebook và điện thoại thông minh, người ta cảm thấy Châu Âu gần gũi tuy đang ở Karachi hay Lagos.

Các quốc gia như Anh, Pháp và Hà Lan đã trở nên đa sắc tộc hơn trong vòng 40 năm qua. Các chính quyền từng hứa hẹn giới hạn việc di dân, như chính quyền Anh hiện nay, thấy là rất khó giữ lời hứa.

Lập trường của Liên Âu là trong khi người lánh nạn có thể làm đơn xin tỵ nạn tại Châu Âu, những người “di dân kinh tế” bất hợp pháp phải trở về quê quán của họ. Nhưng chính sách này khó mà chận lại làn sóng di dân vì nhiều lý do.

Thứ nhất, các quốc gia bị ảnh hưởng bởi chiến tranh hay nhà nước sụp đổ có thể gia tăng, chẳng hạn như người ta đang lo về mức ổn định tại Algeria.

Thứ nhì, đa số trong thành phần bị xem là “di dân kinh tế” chẳng bao giờ rời khỏi Châu Âu. Tại Đức, chỉ có 30 phần trăm số người làm đơn xin tỵ nạn là tự nguyện rời hoặc bị trục xuất.

Thứ ba, một khi có số lượng di dân đủ lớn thì quyền “đoàn tụ gia đình” sẽ bảo đảm có luồng di trú liên tục. Thành ra Châu Âu nhiều phần sẽ vẫn là một nơi hấp dẫn và có thể đến được cho thành phần nghèo nhưng có khát vọng từ khắp nơi.

Một phản ứng có thể cho Châu Âu là chấp nhận rằng di dân từ các nơi khác đến là điều không tránh khỏi – và hoan hỉ đón nhận họ. Các nền kinh tế đầy nợ của Châu Âu cần một luồng gió mới của tuổi trẻ và sức sống. Vì ai sẽ làm việc trong các nhà dưỡng lão và các công trình xây cất nếu không là những nhóm di dân từ khắp thế giới?

Nhưng ngay đối với những người Châu Âu chấp nhận di dân thường lập luận rằng người mới đến phải chấp nhận các “giá trị Châu Âu”. Điều này có thể không thực tế, một phần là vì nhiều giá trị đó cũng chỉ mới có gần đây.

Tình trạng trọng nam khinh nữ vẫn còn nặng nề tại Bắc Phi
Tình trạng trọng nam khinh nữ vẫn còn nặng nề tại Bắc Phi

Trong những thập niên gần đây, chủ thuyết phụ nữ bình quyền có nhiều bước tiến tại Châu Âu và thái độ với đồng tính luyến ái cũng có thay đổi. Trong khi đó nhiều nhóm di dân từ Trung Đông và Châu Phi bảo thủ và trọng nam khinh nữ hơn. Vài lớp công dân giáo dục sẽ không đủ để làm thay đổi họ.

Dân Châu Âu rất ư là bối rối không biết đối xử sao với những thách đố này. Trong thời thực dân, họ biện minh cho chuyện chiếm đóng và định cư với niềm tin vững chắc là họ mang những lợi ích của văn minh đến các vùng đất lạc hậu trên thế giới.

Nhưng thời buổi này Châu Âu thận trọng với việc khẳng định thế ưu việt của văn hóa họ. Họ thay thế niềm tin khai phóng văn minh với việc nhấn mạnh vào những giá trị phổ cập, quyền cá nhân và hiệp ước quốc tế.

Câu hỏi lớn trong các thập niên sắp tới là niềm tin của Châu Âu vào các giá trị tự do phổ cập sẽ bị tác động thế nào bởi các đợt di dân hàng loạt. Trận chiến giữa phe chống di dân và phe cấp tiến sẽ định hướng cho chính trị.

Trên đường dài phe chống di dân có thể thua, không phải vì những đòi hỏi của họ không ăn khách nhưng vì chúng không thể thực hiện được. Đối với những quốc gia đảo trong vùng Thái Bình Dương như Nhật Bản, Úc thì có thể giữ được kiểm soát chặt chẽ việc di dân. Còn đối với Châu Âu dính liền với lục địa Âu-Á và cách Châu Phi bằng vùng biển Địa Trung Hải nhỏ hẹp thì hầu như không thể được.

Hoàng Thuyên lược dịch

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here