HÀ NỘI: Ngày 24/12/2015, bộ Lao động Thương binh Xã hội công bố cho biết tính đến quý 3 của năm 2015 cả nước có 1 triệu 130 ngàn người ở độ tuổi lao động bị thất nghiệp.
Trong số thất nghiệp này những người lao động chân tay không có tay nghề chiếm 57,2%, số còn lại là những người có trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nghề nghiệp.
Nếu tính riêng người được coi là có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp mà không có việc làm là 117.300 người. Sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm còn cao hơn lên đến 225.500 người.
Số người thất nghiệp ở thành thị chiếm 46,2% với 521.300 người và thanh niên (15 – 24 tuổi) thất nghiệp chiếm 59% với 666.500 người. Đáng chú ý, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tiếp tục tăng, lên đến 7,30% (so với 6,68% quý 2/2015), cao gấp 3,1 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị tăng từ 11,84% quý 2 lên 12,12% trong quý 3.
Tờ Thanh Niên đăng lời của TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội bày tỏ về vấn đề này như sau: “Tỷ lệ thất nghiệp cao rơi vào nhóm có trình độ cao đẳng, đại học trở lên cho thấy giữa cung và cầu của nhóm này tiếp tục bất cập. Tỷ lệ thất nghiệp cao và gia tăng ở nhóm thanh niên cho thấy cần tiếp tục tập trung hỗ trợ việc chuyển tiếp cho thanh niên từ nhà trường đến thị trường lao động.”
Những người hoạt động xã hội ở Việt Nam nói rằng trong thực tế số người thất nghiệp còn cao gấp đôi, gấp ba con số mà bộ Lao động Thương binh Xã hội công bố. Đọc báo, nghe đài nhà nước thì lúc nào cũng nói kinh tế Việt Nam đang phát triển, có lúc phát triển cực mạnh; nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại ngày càng cao phải chăng phát triển của Việt Nam có sự ngược đời. Nói cho cùng, ở Việt Nam bây giờ còn quá nhiều chuyện ngược đời lắm.