Mặc dù Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do, đầu tư nước ngoài vào trong nước có xu hướng tăng lên nhưng nông nghiệp lại là lĩnh vực đứng ngoài cuộc.
SÀI GÒN – Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến tháng 10 năm 2015, chỉ còn 547 dự án FDI còn hiệu lực trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 4 tỷ Mỹ kim, chỉ chiếm 1.4% tổng vốn đầu tư FDI tại Việt Nam. Trong khi đó Việt Nam là nước đứng thứ 5 trong các nước xuất cảng gạo, café, hạt tiêu … nhiều nhất thế giới.
Theo các chuyên gia thì nguyên nhân của thực trạng này là do nền sản xuất nông nghiệp hiện vẫn tồn tại tình trạng phổ biến nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu dựa vào kinh tế gia đình. Nguồn nhân lực lao động nông nghiệp được đào tạo quá thấp. Trên 90% lao động vẫn theo truyền thống, chưa qua đào tạo.
Hơn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài chưa mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp do thủ tục hành chính thực hiện chậm. Nhất là thủ tục khảo nghiệm kéo dài rất lâu, thường phải mất vài ba năm thực hiện mới cấp phép cho doanh nghiệp nhập cảng sản phẩm. Do sự chậm trễ này, mà sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao rất dễ trở thành lỗi thời khi được cho phép đưa vào sản xuất, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Hệ thống thuế ở Việt Nam không cạnh tranh như các nước khác trong khu vực cũng là một hạn chế lớn trong việc thu hút FDI vào nông nghiệp.