PHILIPPINES – Kể từ khi Tòa Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration PCA) xác nhận thẩm quyền của Tòa trong việc cứu xét đơn kiện Trung Quốc của Philippines về chủ quyền trên vùng biển Philippines vào cuối tháng 10/2015, Trung Quốc đã gạt qua một bên thẩm quyền này và cho rằng “sẽ không đi đến đâu”.
Theo tin Reuters, thái độ này vẫn không thay đổi khi Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc hôm 1/12 vừa qua lập lại rằng Bắc Kinh không chấp nhận bất kỳ phán quyết nào đối với Trung Quốc. Trước đó, vào ngày 24/11/2015, Bắc Kinh còn nói vụ này là một “nỗ lực vô ích để ngăn chận chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.”
Trong khi đó nhiều nhà ngoại giao và chuyên gia quốc tế gần đây lên tiếng cho rằng nếu Toà Thường Trực phán quyết thuận lợi cho Philippines thì sẽ là gánh nặng cho Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên một toà án quốc tế can thiệp vào một sự tranh chấp và vì vậy Trung Quốc khó có thể làm ngơ.
Đối với nhiều nhà ngoại giao, vụ kiện là chìa khoá để Trung Quốc tuân thủ luật quốc tế trên biển, có lượng giao dịch hàng hải trị giá $5 ngàn tỷ mỗi năm.
“Các quốc gia khác sẽ dùng nó như là một cây gậy để đập Bắc Kinh. Đó là lý do tại sao Trung Quốc lo ngại vụ này”, ông Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông tại Singapore’s Institute of South East Asian Studies cho biết.
Ông Bonnie Glaser, một chuyên gia về an ninh tại Center for Strategic and International Studies tại Washington cho rằng: “Đó là điều Trung Quốc giấu giếm… Trung Quốc đã giả vờ rằng sẽ dễ làm ngơ và phủ nhận. Tôi cho rằng trên thực tế họ sẽ phải trả một cái giá rất mắc trong vụ này”.
Một số quốc gia tại Đông Á và Phương Tây bắt đầu bày tỏ sự ủng hộ tiến triển phiên xử. Việt Nam, Mã Lai, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Úc và Anh Quốc yêu cầu được dự phiên tòa trong vai trò quan sát viên. Hoa kỳ ủng hộ tiến triển phiên tòa, trong khi qua chuyến viếng thăm Trung Quốc tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đề nghị Trung Quốc nên ra tòa để giải quyết những tranh chấp trong vấn đề Biển Đông.
Tòa PCA sẽ ra phán quyết sau cùng về đơn kiện Trung Quốc của Philippines vào giữa năm 2016.