26/11/2015
Hội nghị thượng đỉnh hàng năm của các lãnh đạo từ diễn đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) diễn ra hồi tuần rồi tại Manila là một cuộc gặp mặt đầy tranh cãi. Tuy có những lý do hiển nhiên và đầy thuyết phục để có đồng thuận, phần lớn các thảo luận thay vào đó xoáy vào những khác biệt đáng kể giữa 21 quốc gia thành vien. May thay, các khác biệt đó có thể vượt qua, nhưng nỗ lực đó muốn thành công thì đòi hỏi phải sẵn sàng thỏa hiệp mà hiện thời chưa có nhiều. APEC được sáng lập năm 1989 để thúc đẩy hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương. Theo thời gian, tổ chức này lớn mạnh về cả kích thước và tầm vóc. Theo lời kêu gọi của Tổng thống George Bush sau biến cố 9/11, APEC mở rộng ra để thêm vấn đề an ninh – và gặp chống đối vì sợ bị loãng và xao lãng. Thật ra, phân biệt giữa vấn đề kinh tế và an ninh có thể vô nghĩa, vì lý do kinh tế của nhiều vấn đề an ninh và các biện pháp tự do có thể bị lạm dụng – chẳng hạn như hàng cấm được chuyển đi dưới danh nghĩa buôn bán hợp lệ.
Sau các vụ khủng bố tấn công ở Paris và Beirut trước khi buổi họp APEC bắt đầu, việc lưu tâm nhiều đến vấn đề an ninh là điều không tránh khỏi. Các cuộc thảo luận khơi lại sự tranh luận bấy lâu này về cách nào tốt nhất để đối phó với các nhóm khủng bố – thi hành luật khắt khe hơn và nỗ lực quân sự hoặc tăng trưởng kinh tế để không cho các nhóm khủng bố bám rễ và có người theo. Trong buổi họp các nhà lãnh đạo tuyên bố “lên án mạnh mẽ các hành vi, biện pháp và thủ đoạn khủng bố dưới mọi hình thức khác nhau”, và họ cùng hứa hẹn là sẽ không “cho phép chế độ khủng bố đe dọa các giá trị căn bản làm nền tảng cho nền kinh tế tự do và mở rộng.”
Cùng lúc, họ đồng ý là “tăng trưởng kinh tế, thịnh vượng và cơ hội là những công cụ mạnh mẽ để giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của khủng bố và cực đoan.” Rất tiếc là, “tăng trưởng toàn cầu không đồng đều và tiếp tục không đạt được mong đợi”, và sự nghèo đói “tiếp tục là một thực tế đối với hàng triệu người … trong vùng của chúng ta.”
Những điều trên có vẻ như là sự tương nhượng giữa hai lập trường, nhưng chúng thực ra là những điều sáo ngữ lập đi lập lại trong mỗi tuyên bố chung của giới lãnh đạo APEC. Thách đố thực sự là biến chúng thành những ưu tiên hàng đầu của quốc gia và dành tài lực cho các công việc đó. Tuy nhiên thường thì các vấn đề đó không được giải quyết trong khi chính quyền lo những chuyện thường nhật.
Không phải là quá đơn giản hóa khi bảo rằng mỗi ưu tiên có người cổ võ cho: Hoa Kỳ thúc giục thực thi luật pháp trong khi Trung Quốc nhất định đòi giải quyết “nguyên nhân gốc rễ”. Là một quốc gia đang phát triển, Trung Quốc từ lâu chú tâm đến hoàn cảnh kinh tế vì đó là một biện pháp can thiệp êm thắm hơn, nhưng Bắc Kinh đặc biệt nhanh chóng kêu gọi phát triển kinh tế vì họ có thể viện trợ để thúc đẩy phát triển.
Quan điểm khác nhau giữa Bắc Kinh và Washington thấy rõ trong hai vấn đề khác. Việc thứ nhất là Biển Đông, một vấn đề không có trong nghị sự chính thức của APEC – được nghe nói là theo yêu cầu của Trung Quốc – nhưng bàn bạc ám ảnh Hội nghị. Biển Đông là trọng tâm của thảo luận trong vùng, theo cả nghĩa đen lẫn bóng: nghĩa đen vì nó nằm giữa vùng và hàng trăm tỉ đô la giao dịch vận chuyển xuyên qua đường biển, và nghĩa bóng vì vấn đề cốt lõi – làm sao các phe tranh chấp giải quyết vấn đề – sẽ định đoạt bản chất quan hệ giữa các quốc gia trong vùng.
Bắc Kinh khẳng quyết là không có chính quyền nào khác ngoài sáu quốc gia tranh chấp có vai trò gì trong cuộc và xem những nỗ lực thúc đẩy cho một giải pháp hòa bình là “xen vào.” Trung Quốc gạt bỏ mối quan tâm đang gia tăng của các quốc gia về thái độ hành xử của họ, cũng như tác động tiềm tàng của việc miễn cưỡng nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc. Hoa Kỳ, cùng với Nhật Bản và các quốc gia khác, đòi hỏi giải quyết tranh chấp một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế, một lời kêu gọi mà Trung Quốc cho là “can thiệp”. Bất hòa này ngày càng gay gắt hơn.
Vấn đề thứ nhì giữa Bắc Kinh và Washington liên quan đến tầm nhìn về hội nhập kinh tế vùng. Hoa Kỳ khoe TPP và “chuẩn mực vàng” của hiệp ước kinh tế, trong khi Trung Quốc thúc giục cho hiệp ước Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Vùng (RCEP) ít khắt khe hơn, gồm nhiều nước hơn. Trên lý thuyết, hai quan điểm trên có thể hàn gắn qua Vùng Giao Dịch Tự Do của Châu Á Thái Bình Dương (FTAAP), một hiệp ước giao dịch rộng lớn hơn bao gồm toàn thể các quốc gia trong vùng.
Thiếu vắng hiệp ước lớn hơn, các chính quyền trong vùng sẽ tập trung vào hai hiệp ước nói trên và sự cạnh tranh sẽ tăng. Người ta tin là TPP được thiết kế để lập ra một vùng giao dịch không có Trung Quốc để đối phó với vai trò ngày càng trọng yếu của Trung Quốc trong việc phát triển kinh tế trong vùng. Thật ra, được biết là Trung Quốc được nhiều lần mời vào nhưng từ chối. Hiện thời, các quốc gia thành viên dành nhiều nỗ lực để tập trung vào việc thông qua TPP. Khi việc đó hoàn tất, hiệp ước nên mở ra cho thành viên mới – kể cả Trung Quốc – để bảo đảm là vùng Châu Á Thái Bình Dương vẫn còn đoàn kết, mặc dầu có khác biệt giữa các quốc gia thành viên.