Trong phiên thảo luận Tổ hôm 14/11 và thảo luận tại Hội trường hôm 26/11 về việc sửa đổi Luật báo chí, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng trên nguyên tắc phải cải sửa Luật trước rồi mới tiến hành việc quy hoạch báo chí. Nhưng bây giờ thì các đại biểu lại phải dựa trên những nội dung quy hoạch báo chí đã được Bộ chính trị, Trung ương đảng thông qua để sửa lại luật sao cho phù hợp.
Người ta cho rằng sự kiện này chẳng khác nào đặt cái cày trước con trâu khi mà đảng đưa ra khung quy hoạch báo chí để các đại biểu phải sửa luật sao cho đúng ý muốn của đảng.
Đề án Quy hoạch phát triển và Quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 do Bộ thông tin & truyền thông CSVN công bố hôm 25/9 đã gây một sự tranh cãi trong dư luận liên quan đến việc cắt giảm số lượng báo in và trang thông tin điện tử hiện nay. Đề án này có một số mâu thuẫn:
Thứ nhất, cắt giảm số lượng cơ quan báo in nhưng mỗi cơ quan báo in có thể có nhiều ấn phẩm và phải nằm trong sự kiểm soát trực tiếp của Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc trung ương, cơ quan cấp bộ, ngành cấp trung ương. Điều này sẽ khiến cho nhiều tạp chí, tờ báo của các tổ chức, đoàn thể sẽ bị đình bản đưa đến sự thất nghiệp của rất nhiều người.
Thứ hai, không chấp nhận báo tư nhân nhưng cho phép các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có thể có cơ quan báo in. Điều này đã phản ảnh sự phân biệt đối xử giữa các đoàn thể và các nhóm lợi ích chi phối bên trong các tập đoàn kinh tế của nhà nước.
Thứ ba, những cơ quan, tổ chức được phép có báo in thì được xuất bản báo điện tử. Các cơ quan tổ chức được xuất bản tạp chí in thì có thể có phiên bản điện tử (đăng đúng nội dung của tạp chí in). Quản lý chặt chẽ phiên bản điện tử của tạp chí in để không hoạt động như báo điện tử. Điều quy định này đã vô tình giết chết báo in vì độc giả sẽ không mua báo và chờ đọc phiên bản điện tử.
Với những mâu thuẫn của đề án Quy hoạch báo chí, nếu biến thành luật thì chúng ta đã thấy ngay kết quả của nó là nền báo chí Việt Nam đến năm 2025 sẽ nằm trong tay hai thành phần chính là các cơ quan nhà nước và các nhóm lợi ích, trong khi các đoàn thể, tổ chức xã hội, văn hóa và tư nhân sẽ không có quyền ra báo in hay thực hiện các trang thông tin điện tử.