Hôm 29/05/2015, Nhật Bản và Liên hiệp Châu Âu đã họp thượng đỉnh thường niên tại Tokyo, tập trung vào các thương lượng đang diễn ra về đối tác chiến lược, và một hiệp định tự do mậu dịch đầy tham vọng có thể sẽ được hình thành từ nay đến cuối năm 2015. Hội nghị cũng bày tỏ quan ngại về các hành động hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Đoàn đại biểu Liên hiệp Châu Âu (EU) do Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, ông Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, ông Jean-Claude Juncker, dẫn đầu. Phái đoàn Nhật Bản do Thủ tướng Shinzo Abe lãnh đạo. Người đứng đầu ngành ngoại giao Châu Âu, bà Federica Mogherini và Ủy viên Thương mại Châu Âu, Cecilia Malmström, cũng tham gia thương thảo.
Hai bên đã bày tỏ mong muốn « đẩy nhanh tiến độ thương lượng » về hiệp định tự do mậu dịch, được đưa ra từ năm 2013. Hiệp định nhằm tạo điều kiện cho tăng trưởng sẽ giúp toàn khối Châu Âu cùng với Nhật Bản chiếm 30% nền kinh tế thế giới và 40% về thương mại toàn cầu.
Trong tuyên bố chung, đôi bên cũng bày tỏ quan ngại trước các hành động hung hăng của Trung Quốc để áp đặt yêu sách chủ quyền trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Bắc Kinh đang tăng tốc xây dựng các hòn đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, gây sóng gió trong quan hệ với Hoa Kỳ và các nước láng giềng đang tranh chấp.
Theo Wall Street Journal, những hình ảnh từ phi cơ trinh sát của Hoa Kỳ chụp được cho thấy hai khẩu pháo tự hành xuất hiện tại một trong những đảo nhân tạo Trung Cộng xây dựng cách đây khoảng một tháng.
Tờ Sydney Morning Herald hôm 28 tháng 5 đưa tin các viên chức quân sự Australia quan ngại Trung Cộng có thể đã chuyển vũ khí như radar tầm xa và súng phòng không đến các đảo nhân tạo, nhằm tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông. Trong khi đó, phát ngôn viên Chu Hải Quyền của tòa đại sứ quán Trung Cộng tại Washington D.C không bình luận gì về vũ khí, nhưng nói hoạt động xây dựng ở quần đảo Trường Sa chính yếu vì mục đích dân sự.