Bộ Công Thương và Hiệp hội Mía Đường Việt Nam hiện đang ở trong tình trạng tranh cãi quyết liệt. Bộ Công thương Cộng sản Việt Nam cho rằng sau nhiều năm được trợ cấp, các công ty mía đường Việt Nam phải bắt đầu tập cạnh tranh với ngành mía đường các nước. Theo cam kết hội nhập các nước ASEAN, Việt Nam sẽ phải thi hành mức thuế ưu đãi 5% đối với đường nhập cảng từ các nước ASEAN vào năm 2018.
Mặc dù được nhà nước trợ cấp rất cao, trên 90 triệu dân Việt Nam phải tiêu thụ đường với giá cao gấp rưỡi, hay gấp đôi so với thế giới. Hiện giờ giá bán đường tại cửa các nhà máy trong nước đang cao khoảng gấp rưỡi giá đường thế giới. Tình trạng này diễn ra vì các doanh nghiệp mía đường không nghiên cứu để đổi mới và phát triển. Năng suất trồng mía trung bình của Việt Nam hiện là 60 tấn mía cho mỗi mẫu tây trong khi năng suất của Thái Lan 100 tấn một mẫu, của Lào là 120 tấn một mẫu. Công suất của các nhà máy đường trong nước cũng rất thấp, cũng là nguyên nhân dẫn tới giá thành của đường cao hơn so với thế giới và khu vực.
Trong khi Bộ Công thương nêu lên những yếu điểm của ngành mía đường Việt Nam, ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, cho rằng, không thể so sánh giữa giá tiêu thụ nội địa với giá đường lậu, đặc biệt là đường lậu từ Thái Lan. Chỉ có thể so sánh giá tiêu thụ nội địa của Việt Nam với giá tiêu thụ nội địa của các nước, và so sánh giá sỉ với giá sỉ, lẻ với lẻ. Các số liệu cho thấy, giá tiêu thụ nội địa của Việt Nam bắt đầu từ các nhà máy đường không cao. Mức chênh lệch giữa giá sỉ và giá lẻ, có khi lên đến 50 hay 60 %, là do các nhà thương mại trung gian và bán lẻ. Để người tiêu dùng được ăn đường giá rẻ thì Bộ Công Thương phải có biện pháp để triệt tiêu nạn đầu cơ, không loại trừ bất cứ doanh nghiệp nào có liên quan. Hiệp hội cũng cho rằng, trong thời gian qua, để tồn tại và hội nhập trong tình trạng nạn đường lậu hoành hành, các nhà máy đường đã tự trang bị máy móc mới. Kỹ nghệ các nhà máy đường hiện nay đã thay đổi, không thể đánh giá là lạc hậu như nhận định của Bộ Công Thương.