Vào ngày 20/01/2015 trong hội nghị Tăng cường quản trị thúc đẩy phát triển Việt Nam, được tổ chức tại Hà Nội, bà Conchita Carpio Morales- thành viên cơ quan thanh tra Philippines- nhận định nạn đút lót, hối lộ đang là kẻ thù của phát triển và quản trị hiệu quả, cần phải dứt khoát loại bỏ.
Các quốc gia đang phát triển thất thoát khoảng 20 – 40 tỷ Mỹ kim mỗi năm do hối lộ, đút lót, tham ô và tham nhũng. Đại diện Ngân hàng Thế giới Anders Hjorth Agerskov cho biết khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đang là nơi có tỷ lệ dự án bị khiếu nại gian lận, tham nhũng cao thứ hai toàn cầu, chỉ sau châu Phi. Việt Nam là một điểm nóng. Trong danh sách 20 quốc gia nhận được nhiều khiếu nại nhất, Việt Nam đứng thứ hai, chỉ sau Ấn Độ. Ngành giao thông và cấp nước là bị đệ đơn nhiều nhất, tiếp đó là nông nghiệp và năng lượng.
Trong 30 năm qua, Việt Nam đã được cam kết tài trợ 80 tỷ Mỹ kim, phần lớn số tiền này được phân bổ cho các dự án phát triển hạ tầng kinh tế như hải cảng, phi trường, đường sá… Trên thực tế, những biểu hiện gian lận, tham nhũng tại các dự án này vẫn là nỗi lo ngại cho các cơ quan quản trị của Việt Nam cũng như các nhà tài trợ. Các dự án trợ giúp phát triển (ODA) thường là những công trình lớn, phức tạp về kỹ thuật, thực hiện trong thời gian dài với nhiều bên tham gia, nên khả năng xảy ra tham nhũng, gian lận rất cao.
Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng bào chữa rằng nguyên nhân quan trọng khiến các dự án ODA dễ phát sinh gian lận là vì bộ phận lãnh đạo địa phương nhận thức sai, coi tất cả các khoản vay ODA như viện trợ không hoàn lại. Vì vậy, họ chỉ đặt mục tiêu là được phê duyệt ODA, chứ không chú trọng tới yêu cầu sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.