Kế hoạch phục hồi nền kinh tế Nhật của Thủ tướng Shinzo Abe đề ra vào cuối năm 2012 đã trở nên phổ biến trong giới truyền thông và kinh tế gia quốc tế đến độ nó được đặt một tên riêng là Abenomics. Kế hoạch bao gồm 3 mũi công chính: (1) dành ngân khoản lớn cho các công trình quốc gia để kích thích nền kinh tế; (2) bơm tiền vào hệ thống ngân hàng để khuyến khích các vay mượn cho công việc sản xuất, kinh doanh, và cả tiêu dùng; (3) cải tiến nền tảng để gia tăng khả năng cạnh tranh của hãng xưởng Nhật với thế giới.
Một hệ quả đang tạo tranh luận lớn tại Nhật hiện nay là việc tăng thuế. Nếu cả 3 mũi tên Abenomics đồng tiến tốt đẹp như dự phóng thì chuyện tăng thuế tiêu thụ từ 8% lên thành 10% sẽ không bị người dân Nhật phản đối nhiều, vì thu nhập của họ cũng tăng theo. Tuy nhiên, cảm giác của người dân hiện nay là hiệu ứng Abenomics có tiến triển nhưng không đạt cao như đã tính toán.
Theo thống kê mới được công bố vào ngày 10/10/2014 cho thấy 72% dân số phản đối việc tăng thuế tiêu thụ lên thành 10%, đặc biệt là dân chúng ở các thành phố nhỏ và thôn quê. Con số này làm giới quan sát kinh tế lo ngại sẽ khởi động vòng lẩn quẩn giảm phát suốt 2 thập niên qua tại Nhật. Đó là khi người dân lo lắng và giảm thiểu tiêu dùng thì giá hàng hóa phải giảm xuống để thu hút thêm người mua sắm; nhưng khi giá hàng hóa hạ xuống thì các hãng xưởng sẽ sản xuất bớt đi và vì thế sẽ sa thải bớt số nhân công mà họ thuê mướn; khi càng nhiều người bị thất nghiệp thì gia đình họ lại càng phải thắt lưng buộc bụng và tiêu dùng lại càng ít thêm nữa. Và thế là cái vòng xoắn thu nhỏ nền kinh tế cứ tiếp tục.
Điều đáng mừng là khá đông dân Nhật hiểu được sự tác hại của vấn nạn giảm phát và ủng hộ Abenomics. Vào đầu tháng 4/2014, khi thuế tiêu thụ tăng từ 5% lên 8% để có thêm tiền thúc đẩy nền kinh tế, số người phản đối và tán thành đã ngang ngửa nhau. Nhưng ý định tăng tiếp lên 10% đã tạo nhiều rúng động. Có đến 26% dân số cảm thấy tăng thuế như vậy đã đủ và muốn đông lạnh ở mức 8% trong vòng vài năm trước mặt.
Có chuyên gia kinh tế đề nghị không tăng thuế đồng loạt trên mọi mặt hàng. Cụ thể là chỉ tăng thuế đối với các hàng hóa không phải nhu yếu phẩm mà thôi. Nhưng liền lập tức, đề nghị này đụng phải hàng ngàn những câu hỏi phức tạp. Thí dụ như câu hỏi: Nếu xem những mặt hàng như gạo và miso (tương đậu) là nhu yếu phẩm trong đời sống hàng ngày thì gạo thượng hạng và tương loại thơm có phải là nhu yếu phẩm hay không? Dựa trên căn bản nào để phân biệt?
Khi các ký giả hỏi Thủ tướng Abe về con số 72% dân chúng phản đối việc tăng thuế tiêu thụ lên thành 10%, ông điềm tĩnh chia sẻ rằng những quyết định liên quan đến đời sống người dân chẳng có quyết định nào dễ cả. Đây là thời gian mà chính phủ cần phải thực tâm lắng nghe ý kiến của người dân để có quyết định đúng. Nhưng cần nói thêm rằng bất cứ quyết định nào cũng có lợi về mặt này và hại về mặt khác. Chỉ làm sao để có lợi nhiều hơn là hại.
Một tiếng nói nặng ký vận động cho việc tăng thuế đến từ Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Nhật Bản, ông Kuroda Haruhiko. Theo ông, nếu không tăng thuế tiêu thụ như đã tính toán cho toàn bộ kế hoạch 3 mũi tiến công Abenomics thì sẽ vô tình tạo ấn tượng kinh tế Nhật đang gặp khó khăn, đang khựng lại. Và chỉ cần ấn tượng đó thôi cũng đủ có thể đẩy nền kinh tế trở lại tình trạng trì trệ và giảm phát. Tiếng nói của ông Haruhiko rất có trọng lượng đối với chính quyền ông Abe vì chính ông đã thành công trong việc đổi hối suất 76 yen/1 mỹ kim thành 107 yen/1 mỹ kim hiện nay mà không bị các nước khác phản công. Hối suất đồng yen rẻ sẽ có lợi cho việc xuất cảng hàng Nhật và khó khăn cho hàng hóa nước khác nhập vào Nhật. Ông Haruhiko đã thành công trong việc thuyết phục các nước thuộc G20 rằng việc hạ giá đồng yen chỉ nhằm ngăn chận nạn giảm phát tại Nhật mà thôi.
Nói chung kế hoạch Abenomics đang tiến triển thuận lợi, đặc biệt việc Nhật Bản được chọn làm nơi tổ chức Olympic mùa hè năm 2020. Chính quyền Abe có lý do chính đáng trước dân chúng Nhật để đẩy mũi tên thứ nhất, tức cung cấp ngân khoản lớn cho các công trình xây dựng quốc gia và có xác suất cao lấy lại vốn cũng như có lời. Nhưng quan trọng hơn cả là cung cấp công ăn việc làm để kích thích nền kinh tế hiện nay.
Khi thấy hiệu ứng Abenomics bắt đầu có kết quả, nhà nước Cộng sản Việt Nam đã gởi nhiều phái đoàn cấp cao sang Nhật để gọi là học hỏi kinh nghiệm. Nhưng khi quan sát kỹ hơn, giới phân tích đều không biết làm sao để các kinh nghiệm tại Nhật có thể áp dụng vào Việt Nam. Bên cạnh tệ nạn tham nhũng dày đặc nay được chính thức bảo vệ như tuyên bố của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng gần đây (không ném chuột vì sợ vỡ bình), còn có sự khác biệt rất cơ bản trong cơ chế điều hành giữa 2 nước. Trong lúc các quan chức nhà nước Việt Nam ở cấp càng cao thì càng phải là đảng viên lâu năm và tuyệt đối trung thành với đảng CSVN, thì tại Nhật Bản, những viên chức nắm giữ các chức vụ quan trọng như Thống đốc Ngân hàng Quốc Gia, Chủ tịch Quốc hội, Thành viên Tối cao Pháp viện, v.v. đều phải là những người không thuộc đảng đang cầm quyền hành pháp. Nếu trước đó họ là đảng viên của đảng này thì phải làm đơn xin ra khỏi đảng trước khi nhậm chức. Và còn nhiều ràng buộc khác nữa mới đủ làm nền tảng để tiến hành loại kế hoạch kinh tế như Abenomics.
Chính vì thế mà giới chức Bộ Ngoại Giao Nhật đều biết nhưng lịch sự không nói ra. Đó là các chuyến gọi là xuất ngoại học hỏi của các cán bộ, quan chức Việt Nam tại Nhật hầu hết chỉ là các buổi ngồi ngáp vặt trong phòng họp, mong cho mau hết giờ để đi mua hàng cao cấp về Việt Nam bán lại kiếm lời.
Chân Trời Mới Media bao gồm tin tức quan trọng và bình luận tiến bộ từ nhiều nguồn, được trình bày qua bài viết, phát thanh, hay video truyền hình theo dạng gọn nhẹ của thời đại thông tin. Mục tiêu của Chân Trời Mới Media là cung cấp dữ kiện và nhận định đa dạng giúp cho cá nhân chọn lựa và quyết định mọi khía cạnh đời sống theo ý muốn của mình.