Xe công an giao thông liên tục tông chết người

- Quảng Cáo -

Xe công an giao thông liên tục tông chết người

conganNgoài việc ăn tiền mãi lộ diễn ra hàng ngày trên mọi nẻo đường, “dắt mối” xe quá tải vượt trạm cân…, thời gian gần đây cảnh sát giao thông ở Việt Nam còn tông chết người liên tục, gây căm phẫn trong dư luận.

Theo báo Lao Ðộng, vào tối ngày 25 vừa qua tại quốc lộ 18A, xe mô tô của hai công an giao thông huyện Ðông Triều “đang làm nhiệm vụ” đã va chạm mạnh với xe máy của một thanh niên, khiến người này chết sau khi đưa vào bệnh viện.

Nạn nhân là anh Nguyễn Văn Phương (27 tuổi), trú tại xã Hồng Phong, huyện Ðông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

- Quảng Cáo -

Do có thể tai nạn xảy ra vào ban đêm, trên quốc lộ ít người lưu thông, đặc biệt là phần lỗi xuất phát từ những công an giao thông này nên thông tin vụ việc bị ngành công an địa phương bao che, cung cấp hạn chế cho báo chí.

Trước đó sáng ngày 27 tháng 9 trên quốc lộ 61, đoạn qua xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang tổ tuần tra giao thông của công an tỉnh Hậu Giang gồm 3 người đi xe ô tô. Khi “đang làm nhiệm vụ” tại đây đã bất ngờ lao sang lề trái đâm thẳng vào xe đạp của Mai Thị Hà My (14 tuổi), ngụ ấp Tân Long A, xã Tân Bình, học sinh lớp 9, đang chạy xe đạp đúng luật sát bên lề đường bên phải té ngã đập đầu xuống đường. Nạn nhân được người dân đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu.

Hiện trường cho thấy, xe đạp bị đâm cong vành trước, nằm trên bãi cỏ ven quốc lộ. Xe tuần tra giao thông lao đầu xuống mương nước cạnh trụ điện.

Sau gần 9 tiếng đồng hồ cấp cứu, bác sĩ bệnh viện Ða khoa Cần Thơ cho biết nữ sinh Hà My đã tử vong.

Hiện gia đình các nạn nhân yêu cầu nhà cầm quyền điều tra làm rõ. Tuy nhiên, chắc chắn các vụ tông chết người này sẽ bị “chìm xuồng” như rất nhiều vụ làm chết người khác của công an, hoặc “làm cho có” để mị dân, xoa dịu dư luận.

 

Báo ngoại quốc chỉ trích y tế Việt Nam nói nhiều hơn làm

benhvienVNTrong một bài viết phân tích sắc bén, tờ The Economist nói rằng dân chúng Việt Nam đã quá mệt mỏi và chán nản với các bệnh viện công. Trái với những tuyên bố và hô hào của Nhà nước CSVN cũng như Bộ y tế, mọi thứ vẫn đang ở trong tình trạng nói nhiều hơn làm và luôn ì ạch trước thực tế.

Từ câu chuyện của một phụ nữ muốn tìm hiểu cục bướu trên đầu của mình, tác giả bài viết cho thấy cuộc sống của người dân Việt Nam hoàn toàn không có hướng đi tốt cho sức khoẻ, nhưng tiền bạc thì luôn bị đòi hỏi.

Người phụ nữ có cục bướu đã phải chờ ở những bệnh viện đầy ắp người, rồi lại không có máy móc… cuối cùng sau khi quay về nhà, mất cả năm thu nhập làm nông của mình, bà vẫn không biết là cựu bướu của mình có ác tính hay không.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn cam kết cải cách ngành y tế. Tuy nhiên, hệ thống y tế, giống như cả nền kinh tế mà nhà nước chi phối, rất khập khiễng.

Xin nhắc lại, nhà cầm quyền Việt Nam chỉ chi khoảng 3% GDP cho hệ thống y tế, và con số ít ỏi này hoàn toàn không đủ để cải thiện cơ sở hạ tầng y tế.

Bệnh viện công Việt Nam luôn là những cơ sở lạc hậu và một hệ thống quản lý quan liêu mờ ám. Đạo luật về bảo hiểm y tế thông qua từ năm 2008, được làm ra để hỗ trợ người nghèo và người thiểu số, còn thiếu sót rất nhiều. Dù biết việc chăm sóc y tế thích hợp là chìa khóa để ngăn chặn tình trạng bất ổn xã hội, nhưng Đảng CSVN vẫn lơ là chuyện này, vì việc chi thêm tiền cho y tế sẽ hao hụt tiền của trong tình trạng khó khăn.

Hiện nay, tại Việt Nam, người dân không tin vào hệ thống y tế của nhà nước. Bộ trưởng Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến, đã nhiều lần bị chỉ trích sắc nặng nề trong năm nay sau những vụ bê bối y tế, kể cả lần dịch sởi giết chết hơn 100 trẻ em. Hàng ngàn người trên mạng đã yêu cầu bà Tiến từ chức. Một màn châm biếm trên truyền hình nhà nước cũng đã khuyến khích bệnh nhân nên tự trị bệnh để không phải gặp những bác sĩ đòi ăn hối lộ.

Nhiều năm nay người dân Việt Nam đã cất tiếng nói mạnh mẽ về các vấn đề xã hội. Về mặt y tế, họ than phiền về việc phải luôn “bỏ tiền túi” để chi trả dịch vụ y tế và hối lộ để được chữa tốt.

Tuy vậy, tờ Economist nhận định mọi thứ vẫn ì ạch không có gì thay đổi. Người dân Việt Nam vẫn khốn khó với hệ thống y tế Nhà nước không thua gì thời chiến tranh.

 

Phong trào đấu tranh cho dân chủ tại Hồng Kông tiếp tục vào ngày Quốc Khánh Trung Quốc

HongKong dem 110Bất chấp lời kêu gọi giải tán của chính quyền, sinh viên và dân chúng Hồng Kông đấu tranh dân chủ đã tiếp tục biểu tình quyết liệt sáng ngày 1-10, ngày Quốc khánh của Trung Quốc. Hàng chục nghìn người đã có mặt trên các ngã đường của thành phố Hồng Kông để tiếp tục đòi Trung Quốc rút kế hoạch bầu chọn ứng viên cho chức Hành chính Trưởng quan của đặc khu Hồng Kông vào năm 2017.

Trong lúc các nhà hoạt động đe dọa mở rộng chiến dịch bất tuân dân sự, Đặc khu trưởng Hồng Kông hiện tại, ông Leung Chun-ying (Lương Chấn Anh), trong ngày hôm qua 30-9 đã lên tiếng nói ông không từ chức theo như đòi hỏi của người biểu tình và kêu gọi chấm dứt ngay lnhững cuộc biểu tình; cùng lúc ở Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình tái khẳng định ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Hồng Kông.

Cũng trong ngày hôm qua, phòng ngừa có cuộc trấn áp mạnh mẽ của Bắc Kinh trong những ngày sắp tới, những người biểu tình đòi dân chủ Hồng Kông đã chuẩn bị tăng cường đồ tiếp liệu và dựng lên thêm các rào cản. Sinh viên khẳng định với truyền thông tối qua rằng “Chúng tôi không sợ, chúng tôi sẽ ở lại đây suốt đêm, đêm nay sẽ rất quan trọng”.

Trong khi những người biểu tình tiếp tục áp lực, cắm trại qua đêm ngay trên đường phố quanh khu tài chánh, người ta đã không còn thấy bóng dáng cảnh sát chống bạo động tại các khu vực bị chiếm cứ. Chỉ thấy có các nhân viên cảnh sát dựng rào cản và canh chừng, nhưng không bắn hơi cay vào đám đông như những ngày cuối tuần vừa qua.

Phong trào Chiếm Trung (Chiếm cứ khu Trung Hoàn – Occupy Central) đã ấn định ngày 1/10 là thời hạn chót để ông Leung đáp ứng những đòi hỏi của họ. Nếu không tổ chức này sẽ loan báo giai đoạn bất tuân dân sự kế tiếp, trong khi các lãnh tụ sinh viên cho biết sẽ leo thang hành động, đẩy mạnh phong trào bất tuân dân sự  trong những ngày sắp tới, nhằm chiếm thêm nhiều trụ sở và nhiều con đường nếu ông Leung không tiếp xúc giải quyết các yêu sách đưa ra.

Giới quan sát cho rằng các cuộc biểu tình hiện nay được xem như thách thức trực tiếp cho sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với nền chính trị của Hồng Kông. Theo các nhà quan sát, lãnh đạo Đảng CSTQ lo ngại rằng lời kêu gọi dân chủ có thể lan rộng ra các nơi trong Hoa lục. Một số người lo ngại rằng biểu tình sẽ ảnh hưởng quan hệ với Bắc Kinh và gây xáo trộn thiệt hại cho nền kinh tế. Thị trường chứng khoán Hồng Kông ngày hôm nay sụt giảm đáng kể. Những cuộc biểu tình cũng làm các nhà đầu tư lo ngại. Nhiều cửa hàng dọc theo các trạm xe điện ngầm và trạm xe buýt  vẫn còn đóng cửa vì những cuộc biểu tình.

Tin tức về đợt biểu tình này bị kiểm duyệt gắt gao ở Trung Quốc, trong khi báo chí nhà nước Trung quốc luôn cáo buộc nói là có bàn tay của “lực lượng đối lập cực đoan” trong vụ này.

Một tổ chức bảo vệ nhân quyền tại Trung Quốc có trụ sở ở Hồng Kông cũng vừa lên tiếng báo động : Trong những ngày gần đây, Bắc Kinh đã bắt giữ hàng chục nhà hoạt động dân chủ tại Hoa lục và hù dọa nhiều người khác, vốn bày tỏ lập trường ủng hộ các cuộc biểu tình dân chủ ở Hồng Kông.

Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền tại Trung Quốc mang tên tiếng Anh là Chinese Human Rights Defenders (tên tiếng Hoa là Nhân quyền hãn vệ giả) trụ sở ở Hồng Kông, kể từ khi phong trào biểu tình leo thang mạnh mẽ tại vùng thuộc địa cũ của Anh Quốc vào hôm Chủ nhật vừa qua, “một số công dân Trung Quốc đã phải đối mặt với sự trả đũa” của chính quyền Bắc Kinh vì đã dám bày tỏ lập trường ủng hộ của mình.

Cuộc biểu tình đòi tự do dân của của dân Hồng Kông, đặc biệt với Phong trào bất tuân dân sự hiện nay được coi là chiến dịch đòi dân chủ rầm rộ nhất ở Hong Kong trong nhiều năm qua. Nó được nhiều giới trong quần chúng ở Việt Nam, quan tâm theo dõi trong suốt hơn tuần qua. Các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc cũng đang là một đề tài được các cư dân mạng ở Việt Nam, nhất là những người hoạt động dân chủ có tiếng nói trái chiều với chính phủ, so sánh bình luận nhiều.

Riêng những người Việt sinh sống và làm việc ở Hồng Kông cũng bày tỏ sự “ủng hộ” các cuộc biểu tình đòi dân chủ, và cho biết họ quan tâm theo dõi sát các cuộc xuống đường của hàng nghìn người dân địa phương tại đây.

Tinh thần và lý tưởng của các học sinh và sinh viên Hồng Kông trong những ngày qua đã tác động phần nào tới giới trẻ ở Việt Nam, dù chưa bộc lộ rõ.

 

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here