VNCH: chính thể hay ngụy quyền? (phần 2)

- Quảng Cáo -

Kính thưa quý thính giả, phần một bài viết nhan đề “VNCH: chính thể hay ngụy quyền?” của tác giả Lê Vĩnh được gửi đến quý vị kỳ trước đã sơ lược về thực thể VNCH, một quốc gia được hầu hết các nước trên thế giới công nhận và là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế lẫn khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố mang tính cách định nghĩa về quốc hiệu đó, điều quan trọng hơn cần phải xét đến là, chính phủ VNCH có làm đúng trách nhiệm của một chính phủ không? Phần hai bài viết của tác Lê Vĩnh được gửi đến quý vị sau đây sẽ trình bày về vấn đề này.

*******

Trách nhiệm lớn nhất của một chính quyền là phải bảo vệ đất nước và người dân. Trong suốt thời gian hiện hữu, chính phủ VNCH đã xem trách nhiệm này như thế nào? Hiển nhiên một bài viết ngắn ngủi loại này không thể liệt kê các nỗ lực suốt 20 năm, dù chỉ viết tổng quát, nhưng có lẽ một thí dụ sau đây có thể minh họa phần nào ý thức của chính thể VNCH về nhiệm vụ bảo vệ đất nước:

Với sức mạnh quân đội dồn hầu hết vào không quân và bộ binh, Hải quân VNCH chỉ có một số chiến hạm chiến đỉnh khiêm tốn, nhưng tất cả đã được trưng dụng vào mục tiêu bảo vệ từ sông đến biển của tổ quốc ngày đêm, chứ không “bám bờ” hay thỉnh thoảng khoe đã đi “tuần tiễu chung” với hải quân (kẻ thù) Trung Cộng như ngày nay. Trong số những vòng canh từ biển khơi vào bờ, chỉ có vòng viễn dương do đệ thất hạm đội Hoa Kỳ phụ trách; còn các vòng khác từ viễn duyên, cận duyên, đến sông lạch chằng chịt đều do Hải quân VNCH trách nhiệm. Hệ thống radar của các vòng canh trên kèm với các đài kiểm báo, không tuần (của Hải quân VNCH) đan chen nhau chặt chẽ nên rất hiếm có trường hợp tàu lạ xâm nhập qua được mạng lưới này. Việc bảo vệ chủ quyền cũng vượt trên mọi lý do khác. Các tàu đánh cá Thái Lan vi phạm hải phận Việt Nam đều bị bắt đưa về Phú Quốc hay Kiên Giang (7) bất kể Thái Lan đang là một đồng minh quan trọng.

- Quảng Cáo -

Về trách nhiệm phát triển đất nước, mặc dù chính phủ VNCH hàng ngày phải đối diện với cuộc chiến tranh tàn khốc suốt 15 năm (từ 1960 đến 1975), nhưng các nỗ lực phát triển đã khá thành công trong mọi phương diện, từ giáo dục đến kinh tế, nông-lâm-ngư nghiệp, công kỹ nghệ, thương mại, v.v.. Những điều này đã được các học giả cả Việt Nam lẫn quốc tế thu thập để so sánh sức phát triển giữa hai miền Nam và Bắc Việt Nam khi họ làm các khảo sát tương tự để so Tây Đức và Đông Đức, Nam Hàn và Bắc Hàn, Đài Loan và Trung Cộng. Trong bài viết ngắn ngủi này, tác giả chỉ xin nhắc lại một vài lãnh vực đặc sắc nhất.

1386031439.2762Với định hướng “nhân bản, dân tộc và khai phóng”, nền giáo dục VNCH cho đến nay vẫn tiếp tục là niềm nuối tiếc của nhiều người, đặc biệt khi nhớ lại những chiến dịch tập trung đốt sách của nhà cầm quyền CSVN trong thời gian ngay sau tháng 4/1975. Ông Mai Thái Lĩnh, cựu sinh viên Viện Đại học Đà Lạt, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Lạt đã kể lại rằng: “Tôi là con của một cán bộ Việt Minh – tham gia Cách mạng tháng Tám tại Lâm Đồng sau đó tập kết ra miền Bắc […] Chế độ Việt Nam Cộng hòa lúc đó biết lý lịch của tôi, nhưng vẫn không phân biệt đối xử, cho nên tôi vẫn có thể học hành đến nơi đến chốn. Tính chất tốt đẹp của nền giáo dục cũ của miền Nam là điều tôi công khai thừa nhận, vì vậy suốt 14 năm phục vụ trong ngành giáo dục “xã hội chủ nghĩa” tôi bị người ta gán cho đủ thứ nhãn hiệu, chụp cho nhiều thứ mũ chỉ vì tôi nêu rõ những ưu điểm của nền giáo dục cũ cần phải học hỏi.”

Kỷ luật học đường, vai trò của thầy cô, tinh thần ham học của cả nước, trình độ của sách giáo khoa, và giá trị của các bằng cấp thời VNCH đều được cả xã hội duy trì và đòi hỏi chính phủ phải duy trì. Tuy là nước nhỏ, nghèo và chiến tranh triền miên, các bằng cấp của trường lớp Việt Nam được các đại học lớn trên thế giới công nhận. Những sinh viên được tuyển chọn đi du học thời đó thực sự là những tinh hoa tương lai của đất nước.

Và cũng trong những ngày tháng liên tục khói lửa đó, chính thể VNCH đã ra sức xây dựng nền tảng pháp quyền. Dù có bị hạn chế ít nhiều bởi chiến tranh nhưng các quyền cơ bản của con người đều có, từ tự do báo chí, tự do tôn giáo, đến tự do lập hội. Ngay cả quyền của các cá nhân và đảng phái đối lập cũng được luật pháp bảo vệ. Trong thời gian gần đây, ông Lê Hiếu Đằng kể lại việc ông được học luyện thi tú tài trong tù và được cảnh sát chở từ phòng tù đến phòng thi như thế nào. Bức hình chụp cảnh dân biểu đối lập Ngô Bá Thành, tuyệt thực năm 1966, với các luật sư bao quanh, người hình dung được những người đối lập với chính quyền VNCH vẫn được luật pháp bảo vệ như thế nào.

Các cuộc bầu cử ở mọi cấp, từ tổng thống đến xã trưởng, đã được liên tục thực hiện khá tự do, trong sáng, và công bằng bất kể “quân giải phóng” luôn cố gắng gài mìn các phòng phiếu để răn đe người đi bầu. Đặc biệt sự độc lập giữa 3 ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp là một thực tế chứ không phải bánh vẽ trong các bộ luật. Tác giả Hạ Đình Nguyên trong một bài viết cách đây khoảng một năm đã thuật lại một chuyện có thật và có nhiều người biết. Đó là chính tổng thống VNCH đến trụ sở Tối Cao Pháp Viện yêu cầu toà án kết án những nghi can “thân cộng” (mà sau 1975 các nghi can đó đều lộ dạng là cộng sản thật) nhưng đã bị từ chối. Hơn thế nữa, cơ chế Tối Cao Pháp Viện của thể chế VNCH còn có thẩm quyền truất phế Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng, Tổng trưởng, Bộ trưởng, v.v. khi chứng minh được các nhân sự đó phạm tội phản quốc, tức tương đương với những vụ như ký công hàm Phạm Văn Đồng hay đi dự Hội nghị Thành Đô, v.v.

Về mặt xã hội, dù nay đã bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21 nhưng nhà cầm quyền Hà Nội vẫn sợ hãi sinh hoạt xã hội dân sự. Trong khi đó thì 60 năm trước, dưới thời VNCH các đoàn thể xã hội dân sự đã phát triển rất đa dạng (một cách tổng quát, xã hội dân sự bao gồm các đoàn thể không thuộc chính phủ mà cũng không thuộc giới kinh doanh). Những đoàn thể xã hội dân sự này đã đóng góp rất lớn cho xã hội từ văn hoá đến giáo dục, y tế, tương trợ, giúp đỡ nạn nhân thiên tai, nạn nhân chiến cuộc. Nhiều người còn nhớ những đoàn thể có tên tuổi trong ngành công tác xã hội như Cô nhi viện Dục Anh, Cô nhi viện Quách Thị Trang, Trại giáo hóa thanh thiếu niên phạm pháp Thủ Đức, Viện dưỡng lão Thị Nghè, Trung tâm hướng nghiệp Vườn Lài, Quán cơm xã hội Anh Vũ (phát cơm cho người nghèo). Những đoàn thể tiêu biểu khác là Hội Hồng Thập Tự, Hướng đạo Việt Nam, Trường Bách khoa Bình dân, nhóm Thanh niên Phụng sự Xã hội và Gia đình Phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Thiếu nhi Thánh thể và Thanh Sinh Công của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Phong trào Du ca Việt Nam, Hội Thanh niên Thiện chí, v.v.

Trước các vấn nạn lớn của đất nước, người dân tự động tham gia góp phần cùng lo lắng, cùng báo động, cùng góp ý giải quyết chứ không chờ xin phép ai. Một trường hợp điển hình là Tập San Sử Địa thời đó. Đây là một tập san sưu tầm, khảo cứu chuyên ngành do nhóm giáo sư, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn thuộc Viện Đại học Sài Gòn tự đứng ra thực hiện, phát hành mỗi 3 tháng. Toàn bộ Tập San Sử Địa gồm 29 số, được phát hành từ năm 1966 cho tới tháng 4 năm 1975 thì bị cấm (8). Số cuối cùng “Đặc Khảo về Trường Sa và Hoàng Sa”, thu thập và trình bày nhiều tài liệu lịch sử chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo này mà hiện nay nhà nước CSVN đang phải dùng tới.

 

Kính thưa quý thính giả, VNCH với vài nét chính yếu được sơ lược như trên đã bị CSVN mạt sát suốt 60 năm qua. Nay, với sự xâm lược trắng trợn của Trung Cộng, nhà cầm quyền Hà Nội bắt buộc phải thừa nhận công trạng bảo vệ đất nước của VNCH. Sự thừa nhận này nói lên điều gì? Mời quý vị nghe câu trả lời qua phần cuối bài viết của tác giả Lê Vĩnh, sẽ được gửi đến quý vị trong mục này kỳ tới.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here