Trung Quốc trúng thầu dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi

- Quảng Cáo -

Trung Quốc trúng thầu dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi

DaNang QuangNgaiBất chấp những lời kêu ca đủ thứ về nhà thầu Trung Quốc và sự căng thẳng giữa hai nước, nhà cầm quyền CSVN vừa ký hợp đồng trao một dự án đường cao tốc cho nhà thầu Trung Quốc.

Theo báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp hôm 27/6/2014, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (gọi tắt là VEC và là một công ty quốc doanh trực thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN) và Công ty công trình giao thông tỉnh Giang Tô, Trung Quốc vừa ký hợp đồng gói thầu A3 dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là một phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, có chiều dài hơn 139 km, trong đó gồm 131.5 km cao tốc và 8.02 km đoạn tuyến nối với quốc lộ 1A. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc 4 làn xe, bề rộng mặt đường 26 mét, vận tốc thiết kế đạt 120km/h. Tổng mức đầu tư của dự án là 27,968 tỷ đồng.

- Quảng Cáo -

Theo nguồn tin trên, “gói thầu A3 thuộc Hợp phần vay vốn của Ngân hàng Thế giới, đi qua địa phận huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi dài 10.6 km, được xây dựng theo quy mô đường cao tốc 4 làn xe. Ngoài phần đường, các hạng mục chính của gói thầu A3 gồm việc xây dựng 3 cầu dài 1.03 km; 14 cống hộp dân sinh, 28 cống thoát nước với tổng khối lượng đất đá đào đắp trên 1.6 triệu m3; hơn 220,000 cấp phối đá dăm; trên 111,000 tấn bê tông nhựa các loại.”

Hai tháng trước đây, báo chí ở Việt Nam đưa tin dự án đường sắt trên cao ở thành phố Hà Nội do nhà thầu Trung quốc làm tổng thầu không những ỳ ạch “chậm tiến độ” trái với hợp đồng mà còn đòi tăng tiền xây dựng lên thêm 339 triệu mỹ kim. Dự án ban đầu dự trù 552 triệu đô la, nay “đội vốn” tăng tới 61.4%. Dự án này sử dụng tín dụng của Trung quốc và nhà thầu của Trung quốc đương nhiên trúng thầu.

Theo tin tức, hầu hết các dự án xây dựng các nhà máy điện, xi măng rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Không ít các dự án lớn khác gồm cả cầu đường, luyện kim, hóa chất đều lọt vào tay nhà thầu Trung quốc. Một trong những lý do chính là nhà thầu Trung quốc bỏ thầu với giá thấp nhất, nhiều khi chỉ bằng một nửa giá bỏ thầu của những nhà thầu khác.

Nhiều bài báo những năm gần đây đưa ra nhiều chứng cớ cụ thể tố cáo nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu rất thấp, làm dở dang rồi dở chứng, đòi tăng tiền làm cho dự án từ rẻ thành quá đắt. Vậy mới có tình trạng xây dựng một km đường lộ ở Việt Nam đắt gấp ba gấp bốn lần ở Mỹ, thậm chí còn đắt hơn cả Trung Quốc. Sau khi hoàn tất thì “gặp nhiều trục trặc khi đi vào vận hành”, lệ thuộc hoàn toàn vào thiết bị Trung quốc. Đã vậy, các nhà thầu Trung Quốc còn ngang nhiên đưa công nhân đủ loại của họ sang Việt Nam mà theo hợp đồng, họ chỉ được mang chuyên viên, những người không thể tìm được ở Việt Nam.

 

Nguyên giám đốc Sở Tư Pháp là ‘trùm cát lậu’

catlauTin từ báo Thanh Niên đăng tải vào cuối tuần qua, thì “một công trường khai thác cát lậu hoành tráng và công khai như chốn không người ngay sát chân núi Bành (huyện Hàm Thuận Bắc, tình Bình Thuận) mà người chủ không ai khác là ông Trần Văn Xê nguyên giám đốc Sở Tư Pháp Bình Thuận.” Tại đây “những chiếc máy đào đang múc cát lên thành từng luống như những luống khoai khổng lồ. Cát được tập kết ngay ven đường. Xe ben có thể vào tận nơi chở cát. Xung quanh là tiếng máy nổ ì ầm đang hút cát”. Người ta thấy có tất cả 7 chiếc máy múc đang hoạt động trong khu vực rộng tới hàng chục héc ta. Đó là chưa kể những chiếc xe múc không hoạt động.

Một trong những chuyện bất chấp luật lệ nổi bật của ông Xê là “toàn bộ khu vực mà các công nhân đang khai thác cát đều nằm phía dưới lưới điện cao thế 220 KV Hàm Thuận Đa Mi. Thậm chí máy đào tiến sát, chỉ cách chân trụ điện cao thế từng 5 m để múc cát, tạo thành những cái ao sâu ngay chân trụ điện.”

Theo tờ Thanh Niên, từ đường trục chính của xã Hàm Liêm, các xe chở cát phải qua lại một cây cầu bắc qua kênh thủy lợi Sông Quao. Chiếc cầu này chỉ có tải trọng 10 tấn cho xe chở nông sản của người dân đi qua. Đây là con đường từ trục chính vào thôn 2 được nhà nước đầu tư hàng chục tỉ đồng cho dân lưu thông. Nhưng kể từ khi ông Xê khai thác cát thì con đường này đầy rẫy ổ gà, ổ voi vì xe chở cát quá tải ra vào như mắc cửi. Hàng ngày có hàng chục, thậm chí ban đêm có hàng trăm lượt xe qua lại chở cát khiến chiếc cầu này có nguy cơ bị sập bất cứ lúc nào. Đáng chú ý là tất cả các xe vào “ăn” cát đều phải băng ngang qua tuyến đường sắt Bắc – Nam. Biển cảnh báo “nguy hiểm” của ngành đường sắt bị xe chở cát đè bẹp xuống đường.

Báo Thanh Niên cho biết thêm rằng không phải chỉ có một điểm khai thác cát lậu mà còn “phát hiện thêm hai điểm khai thác cát trái phép khác” của ông Trần Văn Xê khi  đoàn công tác gồm đại diện Phòng Cảnh Sát Kinh Tế, cảnh sát môi trường (công an Bình Thuận) đến thị sát.

Được biết, cát khai thác lậu của ông Xê chiếm đến 40% thị phần cát xây dựng ở Phan Thiết. Những người khác khai thác cát đúng luật, có giấy phép nên bị đánh thuế, cát bán đắt hơn là cát lậu không thuế của ông Xê.

Theo dư luận, nếu là một người dân thường có lẽ đã bị còng đầu từ lâu nếu không chung chi đầy đủ cho quan chức đương quyền.

 

Báo động nạn buôn phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc

buonnguoiHãng thông tấn AFP ngày 25/06 có bài tố cáo tệ nạn buôn phụ nữ vùng biên giới phía bắc Việt Nam sang Trung Quốc. Nạn buôn người qua biên giới dường như vượt khỏi khả năng kiểm soát của chính quyền Việt Nam, dù trong thời gian gần đây thực trạng nhức nhối này được chú ý nhiều hơn.

Theo một con số thống kê của chính quyền Việt Nam được Unicef dẫn lại, trong 10 năm gần đây, có đến 22,000 phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của các đường dây  buôn người sang Trung Quốc, do bị lừa đảo hay cưỡng ép, để ép buộc làm vợ, đưa vào nhà chứa hay vì các mục tiêu khác. Một bộ phận lớn nạn nhân là người các dân tộc thiểu số.

Theo Ông Michael Brosowki, người sáng lập và chủ tịch Quỹ trẻ em Rồng Xanh (Blue Dragon Children’s Fondation), một tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Việt Nam, thì các phụ nữ Việt Nam thường bị bán sang Trung Quốc để làm vợ hay vào các động mại dâm, với khoản tiền lên tới 5,000 Euro một người.

Do hậu quả của chính sách một con tại Trung Quốc, cộng với quan niệm trọng nam khinh nữ của xã hội nước này, hiện nay số lượng đàn ông vượt hơn số lượng phụ nữ. Vì thế có nhiều người đàn ông trẻ không thể tìm được vợ, họ tìm mua phụ nữ từ những đường dây buôn người.

Theo ghi nhận của một nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam, chính quyền Trung Quốc rất ít hợp tác trong việc hỗ trợ tìm kiếm những người  bị bán sang Trung Quốc.

Một số nhóm xã hội chống nạn buôn người tại Việt Nam cho rằng, thật khó mà báo động được cho các thiếu nữ về các nguy cơ rình rập họ. Chính thân nhân và bạn bè lại thường là những kẻ cố tình bán đứng con em mình hay tiếp tay cho các đường dây buôn người!

Nhiều người cho rằng cần có các trừng phạt nặng hơn đối với các đường dây buôn người, thậm chí cần truy tố và xét xử ngay tại địa phương, để nâng cao ý thức của cộng đồng.

 

Dân Đà Lạt đổ bỏ hàng trăm tấn cà chua cho bò ăn

Ca-chua-do-cho-bo-an_AIDACũng như nông dân trồng hành tây tại Đà Lạt, năm nay người trồng cà chua ở Đơn Dương – Lâm Đồng đang phải đổ bỏ hàng trăm tấn sản phẩm mà mình đã vất vả làm ra. Đây không phải là chuyện mới, song dường như cả nông dân và chính quyền Lâm Đồng vẫn chưa có cách giải quyết. Ông Nguyễn Văn Sáng,xã Đạ Ròn, Đơn Dương cho biết, vụ cà chua vừa qua gia đình ông làm trên 8 sào đất, chi phí đầu tư khoảng 120 triệu đồng.

Cà chua phát triển tốt, quả sai. Đến thời điểm thu hoạch, gia đình chưa kịp vui thì thương lái cho biết cà chua không xuất đi Sài Gòn được, bởi vì trên thị trường đang tràn ngập cà chua Trung Quốc. Dù giá rẻ nhưng cũng chẳng ai thèm mua.

Cả trăm tấn cà chua của ông Sáng phải ủ làm phân và cho người nuôi bò sữa mang về cho bò ăn. Tương tự như Đơn Dương, ở huyện Đức Trọng, nhiều hộ nông dân trồng cà chua cũng phải nhổ bỏ nhiều ruộng cà, hoặc hái trái cho bò ăn vì giá quá thấp.

Nổi tiếng với nguồn rau xanh tươi ngon đặc biệt, mặt hàng rau quả Lâm Đồng được ưa chuộng ở thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nền nông nghiệp sản xuất hết sức bấp bênh và rủi ro. Nhiều năm qua, tình trạng nông dân nhổ bỏ rau củ quả vẫn tiếp diễn và hầu như chưa có cách nào để thoát khỏi tình huống này.

Sở Nông nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Lâm Đồng cho biết chưa năm nào giá cà chua lại xuống thấp và kéo dài như năm nay. Một phần do năm nay thời tiết khá thuận lợi, và nhiều địa phương trong nước đã trồng được cà chua. Nhưng một nguyên nhân khác nữa là cà chua Trung Quốc tràn vào thị trường Việt.

Xem ra Trung Cộng vẫn luôn luôn tìm cách phá hoại kinh tế Việt Nam bằng mọi cách, mà chính quyền Việt Nam vẫn quá lệ thuộc vào Trung Quốc !

 

 

 

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here