Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh và cơn bão lũ miền trung năm 2013 (phần 1)

- Quảng Cáo -

baolu 2013Thưa quý thính giả, ngày 17/11/2013 báo Thanh Niên trong nước đưa tin: Mưa lớn cộng với các hồ thủy điện, thủy lợi đồng loạt xả lũ khiến khúc ruột miền Trung tan hoang. Tổng kết sơ khởi vào lúc đó đã có 26 người chết, 6 người mất tích, 16 người bị thương. Nhiều hộ dân chỉ kịp chạy tháo thân, tất cả tài sản bị nhấn chìm trong nước. Sự việc nghiêm trọng như vậy mà sau đó bị chìm xuồng. Nhà nước xem mạng dân nghèo rẻ như rơm như rác!

Tuy nhiên, có người đã không chấp nhận yên lặng khi nhìn thấy hàng loạt đồng bào phải bỏ mạng trước những đợt xả lũ vô trách nhiệm. Anh là kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh, người đã đứng tên và kêu gọi giới trẻ Việt nam tham gia ký vào “Đơn Kiện Thủy Điện”. Chuyện gì đã xảy đến cho bản thân anh sau ngày đứng tên kiện thuỷ điện?  Anh và gia đình đã phải chịu liên tiếp những áp lực và tấn công từ nhà cầm quyền ra sao? Chúng tôi mời quý thính giả theo dõi câu chuyện của Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh và cơn bão lũ miền trung năm 2013.

 

Con không về thăm quê mẹ chiều nay
Mùa bão nổi thuyền xa chưa cập bến
Đất Quảng đầy trời giông tố nổi lên
Cơn sóng dữ nghiền nát bờ cát mẹ
Con lo quá hàng phi lao chắn cát
Có còn không khi con lại trở về
Xin bão tố đừng giẫm dày xé nát
Chút bình yên lẩn khuất giữa hồn quê
Con không về thăm quê mẹ chiều nay
Mùa bão nổi cha chưa về hả mẹ
Đi biển bao ngày cha ơi đừng đi mãi
Để mồ côi cả nỗi nhớ trong con
(Mùa Bão Biển – Nguyên Thạch)

- Quảng Cáo -

 

Tại Kon Tum, chiều ngày 16/11, tuyến quốc lộ 24 từ Quảng Ngãi đi Kon Tum đã tắc nghẽn bởi một đoạn đường khoảng 20 m đã bị đứt gãy. Giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải Kon Tum, Huỳnh Tấn Phục cho biết ít nhất đến chiều 17/11, quốc lộ 24 mới thông được. Với nhiều ô tô khách, ô tô tải đang bị kẹt trên quốc lộ 24, chính quyền huyện Kon Plong đã tổ chức cấp phát lương thực và nước uống.

Do nhiều tuyến tỉnh lộ bị sạt lở nghiêm trọng, cầu bị lũ cuốn trôi nên nhiều vùng phía đông Trường Sơn thuộc tỉnh Kon Tum bị cô lập hoàn toàn. Hệ thống điện lưới tại 4 xã Đăk Tăng, Đăk Ring, Măng Bút và Đăk Nên thuộc huyện Kon Plong bị hư hỏng, mất điện hoàn toàn.

Nhưng thiệt hại do lũ gây ra đợt này ở Kon Tum một phần là do thủy điện Plei Krông xả lũ với lưu lượng 602 m3/giây và thủy điện Yaly xả lũ 2.000 m3/giây. Kỹ sư Thạnh đã gọi những thuỷ điện này là những tên trộm lợi dụng “cơ trời mưa bão” để gây tội ác. Tổng thiệt hại ước tính trên địa bàn Kon Tum gần 60 tỉ đồng.

Trong khi đó tại Gia Lai, mưa lớn và lũ thượng nguồn từ các sông suối đổ về khiến nước sông Ba lên nhanh; đã vậy hồ An Khê xả nước với hơn 2.100 m3/giây, hồ Kanak xả trên 700 m3/giây nên đã gây ngập lụt trên diện rộng ở thị xã An Khê và các huyện: Kbang, Đăk Pơ. Hàng ngàn héc ta cây trồng, nhiều tuyến đường ở khu vực này bị ngập sâu trong nước. Nhiều hộ dân phải di tản đồ đạc, nhà cửa. Tài sản, mạng người bị nhấn chìm trong làn nước lũ.

Tại Quảng Ngãi, tối 15/11, lượng mưa từ thượng nguồn đổ về quá lớn làm mực nước sông Trà Khúc, sông Vệ vượt đỉnh lũ năm 1999 từ 0,1 – 0,4 m nhấn chìm nhiều ngôi nhà của người dân ở ven sông. Càng về khuya, mực nước sông Vệ càng lên nhanh, nhiều ngôi nhà của người dân ở các xã Hành Thiện, Hành Tín Đông, Hành Tín Tây (huyện Nghĩa Hành) nước lũ gần chạm tới nóc nhà.

Cũng tối 15/11, nước sông Trà Khúc vượt qua đê bao sông Trà Khúc tấn công vào thàn phố Quảng Ngãi. Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, tại một số xã ở huyện Ba Tơ xuất hiện lũ quét khiến nhiều gia đình không kịp trở tay, bỏ nhà cửa chạy thoát thân. Chưa dừng lại ở đó, tại huyện Ba Tơ còn xảy ra nhiều vụ sạt lở núi kinh hoàng khiến quốc lộ 24 bị sạt lở nghiêm trọng tại 3 điểm thuộc địa phận xã Ba Động, gây ách tắc giao thông hoàn toàn.

Đến chiều 16/11 mới được thông tuyến tạm thời. Tại điểm sạt lở ở địa bàn thôn Tân Long, xã Ba Động, hàng chục ngàn mét khối đất đá từ trên núi cao đổ sập xuống mặt đường. Tính đến tối 16/11, mưa lũ tại Quảng Ngãi làm 9 người chết, 4 người mất tích và 15 người bị thương.

Tại Bình Định, số điện thoại đường dây nóng reo liên tục trong đêm 15/11, khắp nơi người dân gọi điện cầu cứu. Dù đã có chuẩn bị nhưng do lũ lớn quá bất thường khiến nhiều người dân và chính quyền không kịp trở tay. Tại cầu Bàu Sen (thị trấn Phú Phong) có 2 người ngồi trên cabin xe tải gọi điện thông báo sắp bị cuốn trôi, nhiều hộ dân ở thôn Tả Giảng 2 (xã Tây Giang) sống ven sông Côn gọi điện yêu cầu được di dời khẩn cấp.

Ông Dương Đông Phong (ở khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong) cùng nhiều người khác đang ngồi trên nóc trụ sở khối Phú Xuân liên tục gọi điện hối thúc; 4 người ngồi trên xe cẩu ở xã Bình Nghi thông báo nước ngập đến chân… Gần 22 giờ đêm, khu vực xóm Đông, xã Tây Giang có 30 người dân đang leo lên nóc nhà để kêu cứu…

Tính đến cuối ngày 16/11, Bình Định có 12 người chết, 2 người bị mất tích, 1 người bị thương do mưa lũ; gần 100.000 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước, nhiều phòng học bị hư hỏng nặng, hàng ngàn con gia súc, gia cầm bị chết, nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng với tổng thiệt hại trên 1.336 tỉ đồng.

Ngày 16/11, nước lũ trên sông Vu Gia (huyện Đại Lộc) đã đạt đỉnh 10 m, gây ngập 80% các khu dân cư ở huyện này. Tại thị trấn Vĩnh Điện, Quảng Nam khoảng 8 giờ sáng, nước từ thượng nguồn đổ về với tốc độ khủng khiếp. Nhiều người dân cho biết chỉ trong 2 giờ đồng hồ, mực nước đã dâng lên 0,6 m. Có khoảng 34.000 hộ dân có nhà cửa ngập sâu trong nước lũ. Tại Quảng Nam đã ghi nhận được rằng có 5 người đã chết do nước lũ.

Ngày 16/11, dù lượng mưa đã giảm nhẹ so với đêm hôm trước nhưng nhiều vùng miền tại Thừa Thiên-Huế vẫn còn bị cô lập, nhiều nhà dân vẫn còn sống chung với lũ. Nhưng điều đáng chú ý, dù nước dâng nhanh và gây ngập sâu trong đêm nhưng không gây thiệt hại về người do người dân các xã Thủy Phù chủ động trong việc phòng tránh lũ.

Tại Đà Nẵng lũ thượng nguồn đổ về đã làm 9/11 xã của huyện Hòa Vang ngập lụt. Trong đó, các xã Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Tiến ngập nặng 2 – 3 m nước, mưa lớn cũng gây ngập 10 phường ở quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn. Tổng cộng đã có 4.500 hộ và 16.000 dân phải di dời tránh lũ. Ngoài ra, một số tuyến đường chính ở trung tâm thành phố như Hàm Nghi, Quang Trung, khu vực Đầm Rong, Huỳnh Ngọc Huệ cũng đã biến thành sông sau trận mưa lớn kéo dài.

 

Tôi đã thấy những bàn tay gầy yếu
của em thơ và của những cụ già
ngón run run vạch mái lá thò ra
xin trợ giúp những phần quà mì gói.
Tôi đã thấy cũng như tôi đã sống
kiếp nhọc nhằn vô vọng của dân đen
lối tương lai như ngõ tối không đèn
đường nô bộc, dần quen đời trâu ngựa!.
Tôi cũng thấy, nơi thị thành, quán bar, nhà chứa
những thằng tham quan
những đứa lộng hành
bày vẽ cuộc chơi… gái trẻ lầu xanh
còn trẻ lắm, học hành chưa hết lớp.
Khách sạn bốn năm sao, rượu bia choáng ngợp
chúng thi nhau vung vãi đổ trên đầu
đèn phố rực chưng
mờ dấu những vùng sâu
miền Trung đó đục ngầu con nước cuộn.
Dòng đời trôi, dân nghèo lê chân đất
bọn nhà quan thì no giấc chăn lành
lũ tràn về cuốn thóc lúa lẫn chòi tranh
Việt Nam hỡi
Trời hành thêm oan nghiệt.

(Tôi Đã Thấy – Nguyên Thạch)

 

Thưa quý thính giả, tổng kết lại đã có đến 50 người chết trong đợt bão lũ này. Tuy nhiên, những hồ thuỷ điện lợi dụng trời mưa xả lũ gây đến cái chết cho 50 mạng người thì vẫn an nhiên tự tại. Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh đã đứng tên kêu gọi mọi người cùng anh làm đơn kiện. Anh muốn đưa những cơ quan thuỷ điện này, những kẻ làm ăn tắc trách, gây án cho dân nghèo phải ra trước công lý. Kính mời quý vị theo dõi tiếp câu chuyện của kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh vào chương trình kỳ tới. MH và VĐ xin thân ái chia tay quý thính giả ở đây, kính chúc quý vị một ngày an lành.

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here