Tâm tình qua thư tín ngày 15/03/2014

- Quảng Cáo -

Chương trình Nhịp Cầu Giao Cảm ngày hôm nay xin được chia sẻ tâm tình cùng quý vị qua thư các thính giả  Phạm Văn Tùng và Đức Tuấn.

Chúng tôi chân thành cảm ơn ý kiến đóng góp rất chân tình của quý thính giả và độc giả về thay đổi hiện nay của đài Chân Trời Mới. Kính mong quý thính giả tiếp tục góp ý cho các tiết mục như trước đây và ghé qua diễn đàn ChânTrời Mới http://www.diendanctm.blogspot.com.

Trước tiên, CTM xin trích đọc ý kiến của thính giả mang tên Phạm Văn Tùng, thính giả viết như sau: Yêu cầu chính quyền Việt Nam bảo vệ dân biển trong vùng Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Không nên bịt miệng thế giới mỗi ngày khi mà dân đánh cá bị Trung Cộng ám hại một cách vô nhân đạo như vậy!”

Kính thưa quý thính giả, chúng tôi xin chia sẻ sự phẩn uất của thính giả Phạm Văn Tùng về thái độ dửng dưng của nhà cầm quyền CSVN trước sự hà hiếp của Trung Cộng đối với ngư dân Việt Nam. Trong tuần vừa qua cùng lúc có hai vụ việc xảy ra trên biển Đông : một về vụ mất tích của chiếc máy bay hành khách Malaysia và một về “tàu lạ” khống chế, cướp phá tàu cá của Việt Nam.

- Quảng Cáo -

Trong khi điều động hàng trăm chuyến của máy bay và tàu thủy xuất kích việc tìm kiếm cứu hộ máy bay của Malaysia thì chỉ một vài tờ báo mạng đưa tin chung chung về “tàu lạ” khống chế tàu cá của Nha Trang, tuyệt nhiên không thấy phương tiện, lực lượng nào tham gia ứng cứu. Cách thức đưa tin và xử lý trong hai vụ việc này biểu hiện rõ bộ mặt đớn hèn, nô lệ của Bắc Kinh của nhà cầm quyền CSVN trong khi coi rẻ danh dự của tổ quốc!

Thưa quý thính giả, cách đây 26 năm, ngày 14 tháng 3 năm 1988 đã diễn ra cuộc chiến bi hùng của công binh Hải quân Việt Nam trong việc bảo vệ đảo Gạc Ma, bãi đá Cô lin và bải đá Len đao khi đối địch với hơn 40 tàu chiến, trang bị cả tên lữa và pháo lớn hàng 100mm của quân Trung quốc xâm lược.

Trân trọng và tri ân những người con đã bỏ mình để bảo vệ non sông đất nước là tiếp nối những giá trị về lòng yêu nước, không hèn hạ khiếp nhược trước mọi mưu mô và hành vi thâm độc Trung Cộng.

Lịch sử dân tộc Việt Nam là một chuỗi dài tranh đấu oai hùng của tiền nhân để dựng nước và giữ nước. Ngày nay, đất nước ta lại bị cai trị bởi một tập đoàn sẵn sàng sang nhượng, bán rẻ tài nguyên, lãnh thổ lãnh hải cho ngoại bang để bảo vệ độc quyền thống trị. Hậu quả là Việt Nam đang rơi vào sự thao túng của Trung Cộng và tài nguyên, đất đai và biển cả đang mất dần vào tay ngoại bang. Nhiệm vụ thiêng liêng của mọi con dân Việt Nam là phải đấu tranh để bảo vệ quyền lợi quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ.

Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực đấu tranh để phản đối và phủ nhận các ký kết bán giữa nhà cầm quyền CSVN và Trung Cộng.

Một Việt Nam canh tân phải có chính sách ngoại giao theo nhu cầu của đất nước và bản chất văn hóa của dân tộc; chứ không theo hướng ngược lại là dùng nguồn lực và các chủ nghĩa ngoại lai để cai trị dân tộc, hay tệ hại hơn nữa, dùng dân tộc để thực hiện các tham vọng của ngoại bang như hiện nay.

Chính quyền phải đại diện người dân bang giao với mọi nước trên thế giới trên căn bản lý tưởng tự do, nhân bản, tương kính về chủ quyền cũng như quyền lợi; đồng thời cũng tuyệt đối bảo vệ chủ quyền và sự vẹn toàn lãnh thổ của quốc gia mình.

Tiếp theo, chúng tôi xin trích đọc ý kiến của thính giả Đức Tuấn, thính giả viết như sau: “Gần đây nhất, trong một chương trình của đài Á Châu Tự Do thì phải, tôi nghe người ta xếp hạng các nước có số bằng sáng chế đăng ký tại Mỹ trong 5 năm, Việt Nam chỉ có 2 bằng, trong khi Tân Gia Ba có hơn 100 và Phi Luật Tân cũng cao hơn Việt Nam một bậc, và chính những người trẻ có ý thức ở Việt Nam cũng đã từng la toáng lên rằng Việt Nam bị tụt hậu hơn cả những nước nằm chung một khu vực chứ đừng nói gì đối với các nước ở Âu châu, Mỹ châu.

Sự thực não lòng là thế, không phải mình chê nước mình chứ so với thế giới, Việt Nam còn lâu mới đuổi kịp các nước Tây phương. Điều này không phải là do người Việt Nam dở mà là do chế độ chính trị gây ra, người cộng sản không biết trọng nhân tài, họ chỉ trọng dụng những thằng ngu nhưng khéo nịnh khéo bợ, cuối cùng cả một xã hội trở thành một khối nhầy nhụa, rỗng tuếch.

Sau 1975, tình trạng xuống cấp trong lãnh vực giáo dục đôi khi nghe rất là thê thảm. Năm 1978, chính chị hiệu trưởng đơn vị tôi công tác kể rằng có một bà hiệu trưởng trường cấp 3 ở Củ Chi ban ngày là hiệu trưởng nhưng ban đêm phải đi học lớp Bổ túc văn hóa, vì bà ta không biết viết gì hơn là… ký tên ! Khổ vậy, chức vụ này chẳng qua là sự “đền bù” cho các công trạng thời Nam Bắc đánh nhau, tưởng lệ như vậy đúng là làm hại đất nước !

Xã hội Việt nam ngày nay suy đồi về mọi mặt, đó không phải là do con người mà chính ra là do chế độ tạo ra. Xưa có câu rằng “Thượng bất chánh, hạ tắc loạn”, dẫu muốn làm người liêm chính, bạn phải làm thế nào để đứng vững khi chung quanh toàn là những kẻ tham ô ? Chắc là phải a tòng theo thôi, nếu không muốn bị trừ khử. Nhưng tôi tha thiết mong những người bạn cũ của tôi đừng làm như vậy, bởi vì trong muôn một vẫn còn nhất điểm lương tâm, cái sáng giá nhất của đời mình, bạc vàng không đổi được.”

Thưa thính giả Đức Tuấn, chúng tôi chia sẻ những ưu tư của ông cho ngành giáo dục và giới trí thức VN trong chế độ hiện nay. Thưa quý thính giả, trong bao năm qua, hoàn cảnh và môi trường của đất nước đã không cho phép Việt Nam xây dựng dân phong, dân trí theo đúng tiềm năng và nhu cầu phát triển của từng thời đại. Do đó, trong sự nghiệp canh tân lâu dài, giáo dục phải là ưu tiên quan trọng trong cả hai lãnh vực: truyền đạt kiến thức khoa học kỹ thuật đồng thời phục hồi, phát huy những giá trị tinh thần và văn hóa truyền thống của dân tộc.

Truyền đạt kiến thức khoa học kỹ thuật cần được thực hiện với một nền giáo dục đại chúng và thực tiễn. Tổ chức giáo dục đại chúng là để vừa giúp mọi người dân có cơ hội học hành và thăng tiến ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ… lại vừa tránh phí phạm tài năng của đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nền giáo dục thực tiễn phải được cập nhật theo đà phát triển nhanh chóng của thế giới và áp dụng theo sát với nhu cầu của thực tế. Với tinh thần không từ chương và không câu nệ bằng cấp, nền giáo dục đại chúng và thực tiễn này sẽ phát huy sự sáng tạo của mọi người dân để nâng cao trí tuệ của con người, đáp ứng chính sách nhân dụng và nhu cầu phát triển kinh tế của quốc gia. Bên cạnh những chương trình giáo án, hệ thống học đường, việc truyền đạt kiến năng còn được thể hiện bằng sự tự do tìm hiểu, học hỏi, truyền đạt những văn minh tiến bộ của thế giới bên ngoài qua tham quan, du học hoặc sử dụng mạng lưới điện toán toàn cầu.

Phục hồi và phát huy những giá trị tinh thần, bên cạnh những động lực thăng tiến cá nhân, sẽ giúp đào tạo con người có được những động cơ tinh thần thúc đẩy để quan tâm phục vụ xã hội. Trong chiều hướng này, việc xiển dương văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc là cần thiết, nhưng quan trọng không kém là ý thức trách nhiệm xây dựng một xã hội Việt Nam tiến bộ và nhân bản. Nền giáo dục Việt Nam tương lai nhằm đào tạo những con người có ý thức dân chủ đích thực, sống tự do và trách nhiệm trong một xã hội văn minh và hài hòa.

Quý thính giả thân mến, Chân Trời Mới luôn mong mỏi được là “người bạn đồng hành” của quý vị. Xin hãy tiếp tục gởi những ý kiến đóng góp đến chúng tôi. Cám ơn thời gian lắng nghe của quý vị và xin tạm chia tay, xin hẹn gặp lại quý vị vào tuần sau trong tiết mục Nhịp Cầu Giao Cảm.

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here