Chiến dịch bài trừ « Văn hóa đồi trụy » của Bắc Kinh
Từ trung tuần tháng 7 đến cuối tháng 11 năm ngoái (2013), tờ Nhân dân nhật báo của Trung quốc cho đăng liên tục 9 bài đả kích về các loại văn hóa phẩm có nội dung không lành mạnh để phụ họa cho chiến dịch bài trừ Văn hóa đồi trụy mà chính quyền ông Tập Cận Bình đang phát động. Theo các bài đả kích này thì những loại văn hóa đó sẽ cản trở công cuộc phục hưng sự vĩ đại của Hán tộc theo như lời của Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra. Phục hưng văn hóa là phục hưng dân tộc.
Mặc dù cơ quan ngôn luận hàng đầu của đảng Cộng sản Trung quốc đã lên tiếng như vậy, thế nhưng vào đầu năm 2014, sở Kiểm duyệt Trung ương phải gởi nhiều văn thư cảnh cáo bắt một số báo đài ở Hoa lục phải ngưng đăng các tác phẩm, các ký sự và các quảng cáo về những loại văn hóa có nội dung không lành mạnh. Các cơ quan nhận được văn thư cảnh cáo đó đương nhiên là phải chấp hành, nhưng bảo rằng mấy ổng không quy định thế nào là văn hóa có nội dung không lành mạnh, chỉ nói chung chung là đồi trụy, khiêu dâm. Tại sao phim kịch có tựa đề Kháng Nhật đang được chiếu trên hệ thống TV trung ương cho cả nước xem có rất nhiều cảnh khiêu dâm để dụ lính Nhật thì không bị liệt vào loại văn hóa đồi trụy, còn những gì chúng tôi đăng tải không bằng một góc của phim Kháng Nhật thì bị cấm, cứ cái điệu này chúng tôi sẽ phải nhận văn thư cảnh cáo dài dài, tốt nhất là đừng đăng gì cả, nhưng không đăng những tác phẩm hay quảng cáo loại này thì mất đi nhiều độc giả và tiền quảng cáo.
Theo các nhà nghiên cứu văn học ở Trung quốc thì từ khi áp dụng chínhh sách kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa thì nhiều tác phẩm khiêu dâm được đưa lên báo đài ngày càng nhiều hơn, nếu ở trong một chừng mực nào đó thì vẫn có thể chấp nhận được chứ không hẵn là loại văn hóa đồi trụy, thấp kém, không lành mạnh, cản trở sự phát triển trí tuệ con người. Một loại văn hóa cần phải bài trừ trước tiên là loại văn hóa tuyên truyền, nhồì nhét trong đầu người dân những chuyện vô lý để nói tốt cho đảng, cho lãnh đạo. Đây mới là nguyên nhân chính làm cho người dân Trung quốc mất hết sĩ khí, thấy cái bất công xã hội không dám lên tiếng binh vực, thấy cái hay, cái tốt mà trái ý Đảng không dám công khai khen ngợi.
Những nhà hoạt động xã hội thì cho rằng văn hóa của một nước thăng trầm theo thời đại của quốc gia đó, xã hội xuống cấp thì văn hóa làm sao vươn lên đưọc. Khỏi cần phải nói, ai cũng biết xã hội ngày nay ở Trung quốc đầy dẫy bạo lực, đầy dẫy bất công, tham ô, nhũng lạm là do ai gây ra nếu không phải là cái đảng hiện đang thống trị đất nước bằng sức mạnh từ nòng súng. Làm sao kiến tạo lại được một nền văn hóa lành mạnh khi mà nguyên nhân làm cho văn hóa suy đồi vẫn đang còn ngự trị, tất cả những gì mà nhà nước này hô hào đều là những khẩu hiệư trống rổng. chẳng hạn như hô hào tận diệt tham nhũng, hối lộ, lãng phí thì lãnh đạo càng cao đục khoét tài sản quốc gia càng nhiều. Ai cũng biết những gia đình lãnh đạo Trung quốc là tiền rừng, bạc biển, nhưng chính xác bao nhiêu thì khó mà biết được, may nhờ có các cuộc điều tra công phu, tỷ mỹ và trung thực của ICIJ tức là Liên minh quốc tế các Phóng viên điều tra công bố vào ngày 22 tháng 1 năm 2014 mới biết được 22 ngàn người Trung quốc có tài sản kếch sù ở nước ngoài mà hầu hết là thân nhân của các lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc, chủ yếu là tầng lớp « thái tử đỏ ». Hiện diện đông đảo trong danh sách này là các đại biểu Quốc hội, những người thân của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, các cựu Thủ tướng Lý Bằng, Đặng Tiểu Bình, Ôn Gia Bảo, và đặc biệt làđương kim Chủ tịch Tập Cận Bình. Tổng cộng Nhà nước Trung Quốc bị thiệt hại khoảng 3.000 tỉ euro.
Theo ICIJ, đại gia bất động sản Deng Jiagui đã kết hôn với chị của Tập Cận Bình năm 2006, sở hữu 50% vốn một công ty đăng ký tại quần đảo Virgin thuộc Anh quốc. Con trai ông Ôn Gia Bảo là Ôn Vân Tùng (Wen Yunsong) cũng lập một công ty tại đây năm 2006, trong đó Ôn Vân Tùng là cổ đông duy nhất. Vụ này gọi là vụ China Leaks và chính quyền ông Tập Cận Bình cũng đang ra sức dập tắc.
Chiến dịch bài trừ Văn hóa đồi trụy do chính quyền ông Tập Cận Bình phát động chắc chắn sẽ được công bố báo theo từng giai đoạn và đương nhiên thành quả luôn đạt được trên chỉ tiêu. Nghe như thế chứ không phải vậy đâu vì chẳng có ai đứng lên chất vấn những gì nhà nước chuyên chính này công bố.
Tokyo muốn bán kỹ thuật điện hạt nhân cho New Delhi
Có thể nói chuyến công du Ấn Độ trong 3 ngày từ 25 đến 28 tháng 1 vừa qua của ông Abe, Thủ tướng Nhật, thành công tốt đẹp về nhiều mặt. Cả Ấn Độ lẫn Nhật Bản đều không dấu mục tiêu của chuyến viếng thăm này là đẩy mạnh sự cam kết tăng cường việc hiệp tác hầu đối phó với sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc khiến cho môi trường an ninh của khu vực Á Châu Thái Bình Dương mỗi ngày một trở nên nghiêm trọng hơn. Việc Thủ tướng Abe tham dự cuộc duyệt binh của Ấn Độ nhân ngày Quốc khánh của quốc gia này là một tín hiệu muốn gởi đến cho Bắc Kinh biết chuyện hợp tác quân sự với Ấn chỉ còn là thời gian. Dịp này Nhật cũng đã đồng ý bán thủy phi cơ tìm kiếm và cứu nạn ShinMaywa US-2 độc đáo cho lực lượng phòng vệ Ấn Độ
Thưa quý thính giả, cho đến nay Bắc Kinh vẫn chỉ trích việc Tokyo bán loại máy bay này cho bất cứ quốc gia nào vì cho rằng đó là hành động xuất cảng vũ khí mà Tokyo không được tiến hành theo hiệp ước đã ký với quân đội đồng minh ngay sau khi Nhật bại trận ở thế chiến thứ hai. Tuy nhiên Nhật bất chấp sự chỉ trích này vì đâ chứng minh đây không phải là loại phi cơ chiến đấu, chỉ để cứu nạn.
Chuyện ký các hiệp ước đầu tư và viện trợ trợ hơn 2 tỷ mỹ kim để xây cất hạ tầng cơ sở chẳng hạn như hành lang công nghiệp Delhi- Munbai hay xây đường xe điện ngầm ở Munbai được tiến hành suông sẽ, riêng dự án bán kỹ thuật điện hạt nhân là gặp trở ngại, chưa ký được. Lý do vì Ấn độ đã có bom nguyên tử mà không ký vào hiệp ước tài giảm vũ khí hạt nhân(NPT) nên nếu có thêm kỹ thuật về nguyên tử lực của Nhật thì sẽ nguy hiểm thêm.
Khác với chế độ CSVN, mỗi lần lãnh đạo Hà Nội công du nước ngoài thì báo đài ở trong nước đều đồng loạt đưa tin đạt nhiều thành quả to lớn hết chuyện này đến chuyện khác, còn những chuyến đi ăn xin về tay không hay phải đì cửa hậu, chuồng cửa hông vì bị đồng bào Việt Nam ở nước sở tại biểu tình phản đối thì lờ đi không nói đến, trong khi truyền thông Nhật Bản thì nếu lãnh đạo của họ công du nước nào mà bị bất kỳ ai phản đối chuyện gì đều đưa tin đầy đủ. Việc loan tin như thế không phải là muốn bôi xấu chính quyền, ngược lại nó giúp cho lãnh đạo biết những gì đang diễn ra hầu có chính sách thích ứng.
Chuyện người dân và nhiều tổ chức Ân độ biểu tình phản đối Thủ tướng Abe bán kỹ thuật điện hạt nhân cho nước này được báo đài Nhật loan tin rộng rãi. Viếng thăm thì O.K, còn bán kỹ thuật điện hạt nhân thì NO. Tại sao sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima chưa giải quyết xong mà lại muốn xuất cảng nổi khổ đau này sang Ấn Độ. Đó là biểu ngữ, khẩu hiệu của những cuộc biểu tình ở Ấn trong thời gian Thủ tướng Abe thăm viếng quốc gia này. Việc chống Thủ tướng Abe bán kỹ thuật điện hạt nhân của người dân Ấn Độ được các tổ chức, đoàn thể phản đối hạt nhân ở Nhật tích cực tiếp tay phổ biến. Ngày 28/01/2014, trong phiên họp khoáng đại của Quốc hội Nhật, Thủ tướng Abe đã bị các đảng đối lập chất đến nơi đến chốn về việc bán kỹ thuật điện hạt nhân cho Ấn Độ. Thủ tướng Abe lời rằng Ấn Độ đánh giá cao kỹ thuật điện hạt nhân của Nhật, tuy nhiên chưa thể ký khế ước mua bán được vì Ấn Độ chưa ký hiệp ước tài giảm vũ khí nguyên tử. Và cũng vì được nhiều nước đánh giá cao nên Nhật Bản cần phải cho các nhà máy điện hạt nhân hoạt động trở lại.
Câu trả lời đó đã khiến cho những tổ chức, hội đoàn phản đối điện hạt nhân ở Nhật huy động mọi người tham gia biểư tình trước phủ Thủ tướng vào mỗi tối thứ sáu hàng tuần như trước đây. Một trong những tổ chức phản đối điện hạt nhân làm và phổ biến cuốn phim Điện hạt nhân lặng lẽ đến Việt Nam đã điện thoại đến văn phòng Hiệp hội người Việt tại Nhật mời tham dự biểu tình và hỏi thăm tình hình phản đối điện hạt nhân tại Việt Nam với lời nhắn nếu vượt qua sự sợ hãi thì sẽ thành công, các bạn không lẽ loi trong việc chống điện hạt nhân đâu.