Tình hình Đông Á căng thẳng sau chuyến viếng đền tử sĩ Yasukuni của Thủ tướng Nhật

- Quảng Cáo -

Tình hình Đông Á căng thẳng sau chuyến viếng đền tử sĩ Yasukuni của Thủ tướng Nhật

ViengDenCứ mỗi lần có một ông Thủ tướng nào đó của Nhật đến viếng đền tử sĩ Yasukuni ở Tokyo là thế nào cũng bị hai nước Trung quốc và Hàn quốc lên tiếng phản đối kịch liệt, chính vì vậy mà khi lên nhậm chức Thủ tướng vào ngày 27 tháng 12 năm ngoái (2013), ông Abe nói sẽ không đến viếng đền Yasukuni vào ngày 15 tháng 8, tức là ngày Nhật đầu hàng quân đồng minh. Khi các ký giả hỏi tại sao vậy, thì Thủ tướng Abe trả lời rằng không muốn gây ra sự căng thẳng không cần thiết với hai nước láng giềng.

Tưởng cũng nên nói sơ qua về ngôi đền thờ Yasukuni này một chút. Đền này nguyên thủy có tên Tokyo Shokon sha (Đông Kinh Chiêu Hồn)được xây vào năm 1869 thời Minh Trị Thiên hoàng, sau đó tu sửa lại rồi đổi tên thành đền Yasukuni để thờ những người đã hy sinh trong các cuộc chiến với Nga. Việc này thì không có gì đáng nói, nhưng không hiểu tại sao vào năm 1978, bài vị của 14 người bị kết án là tội phạm chiến tranh hạng A, đứng đầu là Thủ tướng Tojo. lại được đưa vào thở ở đền Yasukuni, rồi hàng năm Thủ tướng hay các Bộ trưởng Nhật đến lễ bái. Những tội phạm chiến tranh hạng A này là người đã gây ra cuộc chiến xâm lược các quốc gia trong vùng mà Trung quốc và Hàn quốc là hai nước chịu nhiều thiệt hại và khổ đau nhất.

Khoảng 11 giờ 20 phút ngày 26 tháng 12 vừa qua, các đài truyền hình ở Nhật đều đồng loạt loan tin nhanh cho biết Thủ tướng Abe đang trên đường đến viếng đền Yasukuni. Thủ tướng Abe thừa biết rằng việc viếng đền Yasukuni của mình sẽ bị Trung quốc và Hàn quốc phản đối mạnh khiến mối ban giao với hai nước này đang căng thẳng lại càng căng thẳng thêm. Tại sao Thủ tướng Abe tuyên bố muốn nối lại các cuộc hội đàm với lãnh đạo Trung quốc và Hàn quốc mà hành động thì ngược hẵn. Đó là câu hỏi mà các đài truyền hình Nhật nêu ra ngay sau khi loan tải tin tức này.

- Quảng Cáo -

Sau khi viếng đền xong, Thủ tướng Abe họp báo nói rằng hôm nay tôi đến viếng đền Yasukuni là để báo cáo với các tiền nhân về công việc của chính quyền Abe trong một năm qua và tuyên hứa sẽ không bao giờ gây ra chiến tranh gây tai họa cho mọi người. Tôi đến viếng đền chỉ với mục đích như thế chứ không bao giờ có ý nghĩ khơi dậy vết thương lòng của người dân Trung quốc và Hàn quốc. Ngoại trưởng Nhật, ông Kishida chữa lửa bằng câuchính phủ Nhật mong muốn chuyến viếng đền Yasukuni vừa rồi của Thủ tướng Abe sẽ không gây thêm ảnh hưởng cho các mối quan hệ.

Tất cả những phát biểu của Thủ tướng và Ngoại trưởng Nhật đều không thuyết phục được ai, ngoại trừ một số người cực hữu, các phe đối lập lẫn truyền thông Nhật đều cho rằng lãnh đạo quốc gia mà có lối suy nghĩ như vậy  là rất nguy hiểm. Làm sao mà chuyện viếng đền Yasukuni của Thủ tướng Abe không gây ảnh hưởng xấu với Trung quốc và Hàn quốc như ngoại trưởng Kishida mong ước. Ngay cả một số dân biểu, nghị sĩ giữ các chức vụ quan trọng trong đảng cầm quyền của ông Abe cũng nói rằng chúng tôi đã khuyên Thủ tướng không nên viếng đền Yasukuni, nhưng ông đâu có nghe.

Chuyện gì sẽ đến đã đến, Đại sứ Nhật tại Trung quốc và Hàn quốc đã bị bộ Ngoại giao hai nước này gọi đến để kháng nghị, truyền thông Trung-Hàn thi nhau viết các bài bình luận đả kích Nhật hết lời, đã có những cuộc biểu lớn tình phản đối Nhật của người dân hai quốc gia này, vận động tẩy chay không mua đồ Made in Japan. Chính phủ Nhật chắc chắn đã dự tưởng các chuyện này, nhưng không ngờ một chuyện là Hoa Kỳ cũng lên tiếng không đồng tình chuyện viếng đền này. Trên website của tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản đã viết rằng: Chúng tôi rất thất vọng về chuyện Thủ tướng Abe viếng đền Yasukuni vì đã làm cho tình hình Đông Á căng thẳng.

Theo sự tiết lộ của những người thân cận với Thủ tướng Abe thì năm 2006-2007 khi giữ chức vụ Thủ tướng, ông Abe đã không đến viếngg đền Yasukuni và ông đã hối tiếc về chuyện này. Cuối năm 2013 khi lên làm Thủ tướng Nhật lần thứ hai, ông Abe cũng không đề cập đến chuyện viếng đền để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nối lại hội đàm với lãnh đạo hai nước Trung-Hàn. Sau một năm nỗ lực, kết quả không đi đến đâu nên Thủ tướng Abe mới quyết định đến viếng đền Yasukuni.

Mặc dù trong năm nội các của ông Abe đã nỗ lực đưa nền kinh tế Nhật vươn lên chút đỉnh nên được nhiều người dân ủng hộ, nhưng sau vụ sửa đổi luật Bảo vệ bí mật quốc gia và nay thêm chuyện viếng đền Yasukuni khiến cho sự ủng hộ này tụt xuống chỉ còn 47,1% so với 60,3% lúc cao nhất. Hiện thời điểm này chưa thể kết luận là ông Abe phải rủ áo ra đi, nhưng đây là dấu hiệu thoái trào của một chính quyền và chắc chắn trong năm tới Thủ tướng Abe phải đối diện với nhiều khó khăn hơn đến từ Trung quốc, Hàn quốc và ngay chính với Quốc hội Nhật.

 

Phong trào tôn sùng ông Mao Trạch Đông lại nở rộ ở Hoa lục

MaoTrachDongMặc dù ông Mao Trạch Đông là biểu tượng của đảng Cộng sản Trung quốc, nhưng kể từ khi quyền lực của nước này lọt vào tay ông Đặng Tiểu Bình thì việc tôn sùng ông Mao như thần thánh ở Hoa lục không còn như trước nữa. Những sai lầm của ông Mao trong chính sách Đại Nhảy Vọt, cách mạng Văn Hóa…bắt đầu được bật mí ra cho mọi người biết. Cuốn Mao Chủ tịch ngữ lục hay còn gọi là sách Đỏ bị liệng vào sọt rác vì không ai muốn đọc nữa, kinh tế Trung quốc càng phát triển, hình ảnh Mao Trạch Đông càng lu mờ.

Sau ông Đặng Tiểu Bình, không có lãnh tụ nào của Trung quốc muốn khôi phục tinh thần Mao Trạch Đông lại nữa mặc dù hàng năm vào những ngày đặc biệt vẫn đến viếng xác ông Mao đang được ướp lạnh tại nhà kỷ niệm Mao Chủ Tịch ở Thiên An Mộn, Bắc Kinh. Trong năm qua ông Bạc Hy Lai, Ủy viên bộ Chính trị kiêm Bí thư Trùng Khánh bị thất sủng cũng vì muốn đưa Trung quốc trở về thời đại Mao Trạch Đông. Ông Bạc Hy Lai bỏ đi tất cả cái xấu, cái hà khắc trong chính sách cai trị của ông Mao, chỉ nêu ra toàn cái tốt chẳng hạn như thời đó không có nạn tham nhũng, sự cách biệt giàu nghèo quá xa như bây giờ, nông dân yên chí cày cấy không sợ bị cướp đất, xã hội công bằng, trật tự, …Những lời hô hào của ông Bạc Lai Hy đánh trúng tâm lý người dân Hoa lục vì nhận thấy cuộc sống ngày nay của mình phải chống chọi lại với nhiều bất công, phi lý, nhà cửa ruộng vườn của mình không biết bị cướp đoạt lúc nào trước những quan tham. Ông Bạc kêu gọi chống bất công, tham nhũng, nhưng chính ông ta là một trong những lãnh đạo quan liêu, tham nhũng khét tiếng. Tuy ông Bạc bị bắt, nhưng những lời kêu gọi của ông ta được nhiều người hưởng ứng nên nhiều người, nhiều tổ chức đảng thuộc cánh ông Bạc dự định năm 2013 sẽ tổ chức thật lớn ngày sinh nhật lần thứ 120 của ông Mao để lấy trớn làm sống dậy tinh thần Mao Trạch Đông trong lòng người dân Trung quốc hầu chống lại bất công, tham nhũng…Bốn cái vĩ đại của ông Mao tưởng chừng đã chìm vào quên lãng nay được đem ra xài lại nghe mà phát ớn đó là Người thầy vĩ đại, Lãnh tụ vĩ đại, Thống soái vĩ đại và Người cầm lái vĩ đại.Nhiều người nói rằng đáng lý phải thêm vào câu Nhà độc tài vĩ đại mới xứng với ông Mao.

Lẽ đương nhiên là chính quyền ông Tập Cận Bình biết rõ các động tỉnh đó nên vào ngày 07/12/2013, nghĩa là ba tuần trước ngày sinh nhật ông Mao, đã một thông báo gởi đến tất cả các tỉnh, các khu tự trị với nội dung là cấm không được tổ chức mừng ngày sinh nhật lần thứ 120 của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông nếu không được sự chấp nhận của chính quyền trung ương.

Ra thông báo như vậy, nhưng toàn bộ 7 Ủy viên bộ Chính trị trong ngày 26 tháng 12 vừa rồi đã đến viếng xác ông Mao, báo đài ở Hoa lục đều đồng loạt đưa tin, nhưng chỉ loan tải một hai lần rồi ngưng hẵn, không bình luận dài dòng, không đao to, búa lớn tôn sùng Mao Trạch Đông vĩ đại.

Một điều nực cười là trong khi toàn bộ sậu đảng Trung quốc đến viếng xác ông Mao trong ngày sinh nhật của ông ta thì cũng vào ngày hôm đó có khoảng 1000 người tụ tập gần quảng đường Thiên An Môn để tưởng niệm ông Mao thì bị công an đến giải tán, vài nhóm khác phải kín đáo tổ chức bằng nhiều phương cách chẳng hạn như tiệc sinh nhật, tiệc mừng tuổi thọ…của một người nào đó trong nhóm.

Một nhà văn hiện đang nổi tiếng ở Trung quốc là ông Trương Thừa Chí (65 tuổi) nói rằng trong thời cách mạng Văn hóa tất cả học sinh, sinh viên muốn trở thành Hồng Vệ Binh đều phải nắm vững về Huyết Thống luận, nghĩa là ông bà, cha mẹ là anh hùng thì con cái sẽ là người hảo hán, còn thuộc thành phần phản động thì con cái là kẻ ngu xuẩn. Vì bị nhồi nhét cái Huyết Thống luận này trong đầu nên hầư hết các Hồng Vệ Binh thẳng tay đánh đập, hạ nhục bất kỳ ai bị liệt vào thành phần phản động. Hồi đó có một thanh niên tên là Ngộ La Khắc ngang nhiên chỉ trích cái Huyết Thống luận này lẽ đương nhiên bị bắt về tội phản động và đem ra xử bắn lúc ông Khắc vừa đúng 27 tuổi. Dưới thời Đặng Tiểu Bình, ông Ngô Khắc La được hồi phục danh dự, nghĩa là tán thành việc chỉ trích cái Huyết Thống luận. Bây giờ những người lãnh đạo Trung quốc ở trong Thái Tử đảng đang muốn cho cái Huyết Thống luận này sống lại để cũng cố địa vị của mình. Những cái xấu của lịch sử đáng lý phải tránh, không được lập lại thế mà nó đang được những người trong Thái Tử đảng coi là khuông vàng thước ngọc, đó mới là cái chết của Trung Quốc.

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here