Người và Đất

- Quảng Cáo -

 

nguoi&dat300x225Từ cổ chí kim, cai trị đất nước hay tồn tại xã hội, ngoài tài nguyên nước, trước hết và chủ yếu có hai thành tố: Người và đất. Vua, Chúa có Luật đinh và Luật điền (cả thuế đinh và thuế điền). Các Mác nói : “Lao động là cha, đất là mẹ”. Cha mẹ yêu thương gắn bó với nhau mới sinh ra con cháu (của cải). Nhưng chỉ có hôn nhân đúng luật, đúng truyền thống và tập quán thì các mối quan hệ hôn nhân trong gia đình ấy mới là chính thống.

Luật hôn nhân và gia đình có đề cập và qui định điều chỉnh các mối quan hệ vợ chồng, cha, mẹ, con cái kể cả con nuôi… khá rõ ràng và tương đối bình đẳng. Trong đó, chỉ có quan hệ vợ chồng bền vững là một cột, một kèo, con chung trong giá thú là loại điển hình. Vậy thì các quyền đối với đất đai (điền địa) trong Luật đất đai sửa đổi cũng phải rõ ràng, minh bạch như luật hôn nhân và gia đình.

Sáng ngày 29/11 các đại biểu Quốc hội đã ấn nút thông qua Luật đất đai sửa đổi với tỉ lệ 89,96%. Có 20 đại biểu không tán thành và 5 đại biểu không biểu quyết. Luật đất đai sửa đổi gồm 14 chương, 212 điều, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2014.

- Quảng Cáo -

Theo tôi được biết cách đây khoảng chừng 25 năm trước, trên thế giới chỉ có nước ta, Trung Quốc và 3 nước ở châu Phi là có chế độ công hữu (thực chất là chế độ sở hữu của giới cầm quyền) về đất đai, với những tệ nạn sinh ra từ đó. Thời ấy, ở Canada, mọi chuyện về đất đai hoàn toàn thuộc thẩm quyền cấp tương đương cấp tỉnh của nước ta, còn cấp toàn quốc coi như vô can về mọi chuyện đất đai. Nói chung, từ rất lâu rồi, trên thế giới, người ta coi vấn đề đất đai là loại vấn đề phức tạp nhất, tranh chấp nhất, thiết cốt nhất. Đó là thành tố rất quan trọ̣ng của hai lần bộ ba sự sống: Trời, Đất, Người và  Cá nhân, Xã hội, Thiên nhiên.

Trên công luận đã có một số bài viết nói về các mặt được và chưa được của Luật đất đai sửa đổi. Phản ứng của cử tri nói chung, không quan tâm nhiều lắm đến sự kiện sửa Hiến pháp và Luật đất đai bởi vì nó đang giống như sân khấu hơn là bản thân nó. Những vấn đề cơ bản vẫn còn né tránh. Việc sửa câu chữ thì chỉ mới là chuyện “son phấn” bên ngoài, tốn thời gian và phí hoài tâm huyết của nhân dân.

Lâu nay, các vụ khiếu kiện gây bất ổn xã hội chủ yếu liên quan đến đất đai, thể hiện ở quan điểm sở hữu đất đai, quyền thu hồi đất và giá đền bù. Nhiều bài viết của chuyên gia phân tích đã có mẫu số chung là khi sở hữu tư nhân đất đai không được chấp nhận thì nó tiếp tục là mầm mống tạo bất ổn xã hội và điều này sớm hay muộn cũng sẽ phải giải quyết. Lý do đơn giản vì đất đai là nguồn tài nguyên và nguồn sống của nông dân chiếm tới 70 % người dân Việt Nam.

Sở hữu toàn dân về đất đai  vẫn tiếp tục là bảo bối của các nhóm lợi ích – họ thích nhất là tình trạng nhập nhằng, không minh bạch thì mới dễ trục lợi. Quyền sử dụng đất mới  chỉ là một loại quyền đối với tài sản nên nếu người dân (đặc biệt là nông dân) chỉ giữ quyền này thì  họ luôn ở thế của  người thua cuộc.

Luật đất đai sửa đổi vẫn chưa làm rõ bản chất của khái niệm sở hữu toàn dân, hình thức tư hữu. Không thể có cái gọi là tư hữu toàn dân. Và đặc biệt là không thể đi ngược lại lịch sử để bảo rằng quyền tư hữu là phản tiến hóa. Vấn đề thực chất là nằm ở nhóm lợi ích. Cần phân biệt rõ ràng thấu đáo các chính sách thu hồi đất đai dưới các danh nghĩa khác nhau với trưng mua theo thị trường để không đẩy người dân vào các cuộc khiếu kiện liên miên gây bất ổn xã hội như vừa qua.

Luật đất đai sửa đổi viết “ Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Người đọc nhận thấy đây không còn chỉ là câu chuyện thu hồi đất mà cần phải làm rõ khái niệm chỉ mua và trưng mua quyền sử dụng đất là thứ quyền tài sản hay nói cách khác là hàng hóa chỉ được mua bán trên cơ sở tính giá “thuận mua, vừa bán”! Đã phát triển kinh tế là có lợi nhuận mà đã có lợi nhuận thì phải bồi thường theo thỏa thuận với người bị mất đất chứ không có phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, công cộng gì cả. Lợi ích quốc gia thì chỉ nên gói trong “quốc phòng, an ninh, công cộng” là đủ. Tất cả các trường hợp khác đều phải thỏa thuận với người mất đất, đó mới là đạo lý.

Bất cập hiện nay là qui định về phương pháp đánh giá không dựa trên giá trị mà sử dụng mới đưa lại. Đặc biệt là nông dân luôn bị thiệt thòi bởi vì trình độ kiến thức còn hạn chế, thiếu các thông tin công khai, minh bạch. Việc tính giá tài sản, giá đất như thế nào, để giải đáp thỏa đáng mối quan hệ mua-bán quyền sử dụng đất dựa trên căn cứ khoa học và thực tiễn, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người dân đang sử dụng đất, lợi ích của các đại gia và lợi ích của Nhà nước vẫn là bài toán cần được xem xét, phân tích đánh giá một cách logic, thuyết phục. Giá trị của đất đai được quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tiềm năng tạo ra thu nhập, lợi thế do địa điểm xây dựng và thương hiệu của chủ thể đem lại.

Nguyện vọng của người dân là đất đai phải có đa sở hữu. Nhà nước phải sử dụng công cụ chính sách thuế sao cho đất nói chung được sử dụng hiệu quả nhất cho xã hội và cá nhân. Đất tư nhân có mức thuế khác đất công để làm sao đất đó phải được sử dụng có hiệu quả cho toàn xã hội, tránh việc đầu cơ cho cá nhân. Đất hoang khi khai khẩn cần có quy định khuyến khich chủ đầu tư và người nước ngoài có thể mua căn hộ và thuê đất dài hạn. Mọi tài sản phải có chủ sở hữu, người có quyền cũng như trách nhiệm xã hội đối với việc sử dụng tài sản đó.

Trong các quyền đối với đất đai cũng như Luật hôn nhân và gia đình. Nói nôm na dễ hiểu, đất do tự khai hoang, mua bằng tiền hay do thừa kế là loại sở hữu tư nhân như quan hệ vợ chồng truyền thống, chính thống. Nó khác biệt với loại vợ chồng chắp nối, con anh, con em, con chúng ta. Nếu Luật hôn nhân và gia đình mà như quy định của Luật đất đai là chỉ có quyền sử dụng thì vấn đề gia đình trong xã hội ta sẽ cũng rối rắm, phức tạp, bất ổn như tình trạng quản lý và tranh chấp khiếu kiện về đất đai như hiện nay bởi vì “hậu hôn, nhì điền thổ”!

Quốc hội đã thông qua Luật đất đai sửa đổi nhưng vẫn còn nhiều bất cập, nhiều việc phải nghĩ, phải làm. Để cho các văn bản hướng dẫn thực thi áp dụng sắp tới sát với thực tế, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân tới đây công tác phản biện xã hội với các trụ cột chính là trí thức, báo chí và công luận sẽ phải vào cuộc tích cực hơn nữa.

T.V.T.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here