Tiết mục Nhịp Cầu Giao Cảm hôm nay xin được phổ biến các thư thính giả:
Hương Trần, Lộc Delta, Phan Yết Kiêu, Hoàng Quyên, Vui Nguyễn, và ST
Chúng tôi chân thành cảm ơn ý kiến đóng góp rất chân tình của quý thính giả và độc giả về thay đổi hiện nay của đài Chân Trời Mới.
Kính mong qúy thính giả tiếp tục góp ý cho các tiết mục như trước
đây và ghé qua diễn đàn ChânTrời Mới blogspot.com (link phía dưới)
Đầu tiên chúng tôi xin đọc ý kiến của thính giả Hương Trần, thính giả viết như sau: “Cám ơn diễn đàn CTM đã cho biết chi tiết hiện tình cuả gia đình hai thanh niên yêu nước Đinh Nhật Uy va Đinh Nguyên Kha.
Tôi rất xúc động khi nhìn thấy hình hài tiều tụy cuả một ngừơi mẹ chỉ vì con mình sống có lý tưởng, yêu đất nước mà phải bị giam cầm, cuộc sống gia đình bà Kim Liên bị khủng bố, xáo trộn, có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn cả thể chất lẫn tinh thần cho từng thanh viên trong gia đình này, nếu bọn cộng quyền không ngừng tay đàn áp.
Chúng ta cần phải liên kết và hỗ trợ họ những người dân cô thế trong một chế độ đầy bất công và bạo lực, không khác gì một chế độ hà khắc của ngoại bang đang áp đặt trên một quốc gia thuộc điạ.”
CTM: Cảm ơn thính giả Hương Trần đã chia sẻ. Chúng tôi rất đồng tình với lời kêu gọi hỗ trợ cho gia đình Nhật Uy và Nguyên Kha và những người yêu nước vô tội khác đang bị nhà cầm quyền CSVN bắt giữ. Bà Nguyễn Thị Kim Liên là một hình ảnh của một bà mẹ thương nhớ con với nỗi đau chồng chất!
Con bà đang bị cầm tù một cách oan ức, lúc đầu là Nguyên Kha, bây giờ thêm Nhật Uy. Nỗi đau và tình mẹ dành cho con đã biến bà Kim Liên từ một người phụ nữ rụt rè trở nên mạnh mẽ và can đảm đấu tranh cho công bằng, công lý và tự do cho 2 đứa con yêu quý đang trong chốn lao tù CS. Việc Kha rồi Uy bị bắt dẫn đến hậu quả về kinh tế khá nặng nề cho gia đình. Bao nhiêu tiền bạc bà Liên đã dồn hết vào việc kêu oan cho các con mình. Món nợ ngân hàng từ công ty của Uy đang ngưng hoạt động càng chồng chất thêm gánh nặng.
Người mẹ khốn khổ này đã phải rao bán hạt giống lên mạng facebook Bà rao như sau:
“Rao bán hạt giống
Bà con nào cần hạt giống thì nói mình nhé.
Đang đúng thời vụ, gieo xuống là có ăn liền.
Mình có giống bầu hồ lô, bầu sao.
Mướp khía, mướp trâu, mướp hương.
Bắp nếp trắng, bắp nếp tím.
Hạt mồng tơi, hạt rau muống.
Bà con nào cần, liên hệ với mình nhé.”
Rồi bà Kim Liên cũng viết thư tay gởi đến Bà Obama để kêu cứu cho con. Bà đã tâm sự trên Facebook như sau:
“Theo mình nghĩ nếu ở VN mà gửi thư tâm sự kiểu nầy, chắc là không có hồi âm.
Nhưng với sự đồng cảm của 1 bà mẹ, mình hy vọng Phu nhân TT B. Obama sẽ hồi âm cho mình.
Mình mong sự giúp đỡ của mọi người để lá thư nầy sẽ đến được tận tay của Bà M. Obama.”
Thấu hiểu nổi đau của một người mẹ sẵn sàng nén nước mắt trong lòng mình để con đi lo cho đất nước và dân tộc, chúng ta hãy hỗ trợ bà Kim Liên và gia đình Đinh Nhật Uy và Đinh Nguyên Kha vượt qua cơn khốn khổ này!
Tiếp theo chúng tôi xin phổ biến những cảm tưởng của quý thính giả dành cho em Nguyễn Phương Uyên:
Thính giả Lộc Delta viết như sau: “Phương Uyên tuy trẻ tuổi mà có những bước chân rất vững chãi , dân tộc này sẽ rất tự hào khi có những công dân như em . Em xứng đáng đứng ngang tầm với những anh thư quốc tế . Tôi ngưỡng mộ tấm lòng hy sinh cao cả của em và tri ân tất cả những nhà đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam.”
Và thính giả Phan Yết Kiêu đã viết như sau: “Thật ngưỡng mộ những con người như Nguyễn Phương Uyên. Đất nước VN bây giờ mà có nhiều người như thế thì họa mất nước về tay giặc tàu khó mà thành.”
Rồi thính giả Hoàng Quyên cũng bày tỏ sự nể phục của mình cho Phương Uyên: “Mình hy vọng mình học hỏi từ Nguyễn Phương Uyên, bởi vì Uyên là một tấm gương đáng để con cháu chúng ta phải noi theo.”
CTM: Kính thưa quý thính giả, em Nguyễn Phương Uyên rất xứng đáng với sự cảm phục và quý mến của chúng ta từ những thanh niên cùng trang lứa với em cho đến những người lớn đáng tuổi cha chú của em. Sự an nguy của Phương Uyên và gia đình em vẫn còn đang bị đe dọa. Mới đây Phương Uyên và mẹ em, bà Nhung đã bị công an đánh đập một cách tàn nhẫn. Thính giả Vui Nguyễn đã có những lời sau đây khi nghe tin em Phương Uyên bị hành hung: “Công an cộng sản là loại thấp hơn loài thú! Vì sao tôi nói như vậy? Vì con cho nó có tình người con hơn người cộng sản!”
Chúng ta hãy sát cánh đấu tranh cùng em Phương Uyên và bảo vệ cho em Phương Uyên!
Sau cùng chúng tôi xin được phổ biến bài thơ 4 câu của thính giả ST “tặng những người vợ cùng đứng trên tuyến đầu đấu tranh với chồng cho công cuộc phục hưng đất nước.”
Xin quý thính giả lắng nghe bài thơ:
NGUYỆN ƯỚC
Em đi bên cạnh đời anh,
Dựng xây nước Việt an lành mới thôi.
Mai kia non nước yên rồi,
Ta vui, ta hát, ta cười bên nhau
CTM: Kính thưa quý thính giả, người ta đã nói rằng: “Đằng sau sự thành công của một người đàn ông là bóng dáng của một người phụ nữ” thì đằng sau sự hy sinh của những nhà đấu tranh dân chủ là những phụ nữ cũng đầy lòng can đảm và sự dấn thân.
Trường hợp của Ls Lê Quốc Quân và chị Nguyễn Thị Thu Hiền là điển hình. Đằng sau một người luật sư nhân bản Lê Quốc Quân cùng những gì anh đã và đang hy sinh cho người khác, là sự hy sinh thầm lặng của chị Nguyễn Thị Thu Hiền.
Vào chiều ngày Thứ Tư 2/10/2013 vừa qua, toà án công cụ của nhà cầm quyền CSVN đã kết án Luật sư Lê Quốc Quân 30 tháng tù giam và một khoản tiền phạt lớn về tội danh trốn thuế. Đây là một bản án vô cùng bất công.
Là vợ Ls Lê Quốc Quân, chị Hiền đã phải chấp nhận sống từng ngày căng thẳng, từng đêm lo âu với chồng. Ở giữa các lần tù là những lần chồng chị bị công an đánh đập khi tham gia một buổi diễn hành đòi đất với người công giáo. Rồi vụ côn đồ chận đường đánh lén ban đêm khi anh đang trên đường về nhà. Chưa kể đến những hù dọa ban ngày, những xách nhiễu thường xuyên đối với bản thân anh và gia đình.
Đêm trước hôm xử án, chị Thu Hiền đã phải ngủ vật vờ trong nhà thờ Thái Hà chờ sáng hôm sau đến phiên xử của chồng mình. Hình ảnh chị Thu Hà nằm trên những chiếc ghế kê lại thật đánh động lòng người.
Tại phiên tòa, Luật sư Lê Quốc Quân dõng dạc tuyên bố: “Tôi đã bền bỉ tranh đấu chống nạn tham nhũng, lạm quyền và trì trệ đang làm ung thối đất nước”, và nay “Tôi bị kết tội vì tôi yêu đất nước này”.
Chúng tôi xin trích đoạn bài viết “Những Người Vợ Cùng Tuyến Đầu” của tác giả Nguyệt Quỳnh để chúng ta cùng suy ngẫm:
“Để có thể đối diện với những gánh nặng và thử thách quá lớn như thế, tôi tin sức mạnh đó phải đến từ sự kính trọng và tình yêu tha thiết dành cho chồng; từ ngọn lửa yêu nước, yêu người, và niềm tin sắt đá của các anh vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Và ngược lại, trong giai đoạn gian nan này, sự sắt son, vững vàng của các chị cũng vô cùng cần thiết cho người chồng nơi tuyến đầu tù ngục. Tôi đã nhìn thấy điều đó qua thái độ của chị Dương Hà trước sự việc Ts Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực, và liền sau đó là thái độ của chị Tân qua trường hợp của anh Điếu Cày. Có người vợ nào không xót xa khi biết chồng mình đã tuyệt thực lâu như vậy trong hoàn cảnh khắc nghiệt của trại giam. Cái đau của các chị là cái đau của dao cắt vào da thịt từng ngày; tuy nhiên những người phụ nữ ấy đã vượt qua được nỗi sợ hãi của họ. Còn chúng ta thì sao?”
KHÓC THẬT VÀ KHÓC GIẢ!
Trong đám tang Võ Nguyên Giáp vừa qua, những người “tham gia khóc” được chia ra làm ba loại như sau:
Thứ I: Đó là con cháu và những người thân cận của VNG, họ khóc vì mất đi một người thân yêu: Họ là những người khóc thật.
Thứ II: Có những kẻ làm bộ khóc, vì nếu mình không khóc thì sợ người khác, nhất là sếp bảo mình “không có tinh thần cách mạng”, coi chừng bị để ý và bị đì cũng nên, cho nên họ ráng khóc để lấy điểm: Họ là những kẻ khóc nịnh.
Thứ III: Rất nhiều người thấy người khác khóc mà mình không khóc theo thì sợ người khác nói là mình kém hiểu biết, trong khi chính họ cũng chả có chút tình cảm hay quen biết gì với người đã chết: Họ là những người khóc a dua.
Vì thế loại thứ II và thứ III người ta còn gọi là những kẻ khóc biểu diễn, họ sẵn sàng vật vã lăn lộn khi có người khác nhìn hoặc camera chĩa tới. Nhưng khi lau nước mắt rồi họ lại tự cảm thấy mình vô duyên. Và rất nhiều người hiếu kỳ đứng đó xem họ như xem những anh hề diễn trò ngố.
Theo lẽ thường, người ta chỉ khóc thật khi phải chia lìa với người thân yêu, có tình cảm với mình thật sự, chẳng hạn cha mẹ ông bà, anh chị em ,bà con hay bạn bè. Hoặc đôi khi người ta cũng khóc vì thương cảm một hoàn cảnh thương tâm nào đó mặc dầu không quen biết.
Còn ngoài ra nếu không thương không tội nghiệp mà khóc là khóc giả dối.
Đừng nói gì cho xa, mọi người cứ nhìn vào một vài gia đình nào đó thì sẽ thấy: Con cái khóc cha mẹ chứ cháu thì ít khi khóc ông bà cố, nếu có chăng thì nó cũng chỉ khóc theo những người lớn mà thôi. Vì giữa cháu và ông bà cố mặc dầu ơn nghĩa và huyết thống rõ ràng là có nhưng tình cảm thì hầu như là không hoặc rất lợt lạt, cho nên đừng trách cháu tại sao không khóc ông bà cố.
Huống gì tình cảm của nhiều người dân đối với VNG đã không có, mà công ơn cũng phải xét lại. Công trạng của VNG đối với dân miền Nam là gì?
Vậy thì cớ gì lại khuyến khích và biểu dương những kẻ khóc một người không phải là người thân thương của họ?
Tóm lại, trong đám tang VNG những người khóc thật thì ít nhưng những kẻ khóc giả, khóc a dua thì nhiều.