Có lẽ nhiệt độ ở Nhật vào mùa hè năm nay 2013 được coi như là nóng nhất từ trước đến nay. Nhưng cái nóng của thời tiết không thể nào sánh được với cái nóng của hai quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki cách đây 68 năm khiến Nhật phải đầu hàng trước quân đội đồng minh do Hoa Kỳ chủ đạo. Hàng năm cứ vào ngày 6 tháng 8, người Nhật làm lễ tưởng niệm các nạn nhân bom nguyên tử ở Hiroshima, ba ngày sau là đến lễ tưởng niệm ở Nagasaki, và ngày 15 tháng 8 (ngày Nhật đầu hàng) là tất cả hướng tâm cầu nguyện cho những người bị thiệt mạng bởi chiến tranh. Những ngày này rơi đúng vào dịp nghỉ hè và hầu như người Nhật nào cũng có thân nhân, bạn bè nằm xuống trong cuộc đại chiến lần thứ hai nên phần đông thường lợi dụng dịp này về quê cúng bái, thắp một nén hương cho người quá cố, bởi vậy mùa này người Nhật còn gọi là mùa Obon, mùa Vu Lan Bồn và cũng là mùa cúng ‘‘Âm Hồn’’.
Ngược dòng thời gian, vào những ngày đầu tháng 6 năm 1945, tình hình chiến sự ở Á châu-Thái bình dương cho thấy quân Nhật bắt đầu suy yếu, khó mà có thể đương đầu nổi với quân đội đồng minh do Hoa Kỳ chủ đạo, thấy vậy Đệ tam quốc tế (hay còn gọi là Cộng sản đệ tam) cho người tiếp xúc với chính quyền quân phiệt Nhật đề nghị để Liên sô đứng ra dàn xếp cho Nhật được hòa bình với điều kiện quân Nhật phải đầu hàng với quân cộng sản Liên sô chứ không phải đầu hàng với Hoa Kỳ. Các tướng lãnh trong nội các Nhật thời đó chấp nhận lời đề nghị đó vì hai lý do, thứ nhất không muốn đầu hàng với địch thủ trực tiếp của mình là Hoa Kỳ và thứ hai là chẳng hề biết gì đến cái chủ nghĩa Cộng sản nó tàn bạo như thế nào.
Tin tối mật về chuyện Nhật Bản đồng ý đầu hàng với quân Cộng sản đệ tam quốc tế được một vị tướng nắm chức tùy viên quân sự tại tòa đại sứ Trung quốc của chính phủ Tưởng Giới Thạch ở Bern (Thụy Sĩ) gởi mật điện cho chính phủ Hoa Kỳ biết kèm theo đề nghị là phải tìm đủ mọi cách không để cho quân đội Nhật đầu hàng với quân đội cộng sản. Đề nghị này không được Hoa Kỳ quan tâm đúng mức vì chính phủ Hoa Kỳ lúc đó cũng chưa coi chủ nghĩa Cộng sản là mối nguy của nhân loại nên nghĩ rằng nếu Nhật có đầu hàng với Liên Sô cũng chẳng sao. Chính phủ Anh lúc đó cũng chẳng có ý kiến gì về chuyện này vì đang phải trực diện đối phó một mất, một còn với quân đội Đức.
Tất cả mọi chuyện tưởng như là đã giải quyết xong xuôi, nhưng cuối cùng Nhật không để cho Liên Sô giải giới quân đội của mình chỉ vì chính phủ Nhật yêu cầu đệ tam Cộng sản không được đụng đến Thiên Hoàng của họ, giải giới xong cũng phải để cho Nhật duy trì Hoàng thất vì đây là biểu tượng của dân tộc Nhật. Người đứng đầu đệ tam Cộng sản ở Liên Sô lúc đó là ông Staline trả lời cho Thủ tướng Nhật lúc đó là ông Suzuki biết rằng chủ nghĩa Cộng sản không thể nào chấp nhận Thiên Hoàng trong thể chế của mình. Chính sự trả lời đó đã làm cho các tướng lãnh chính quyền quân phiệt Nhật hết đường thối lui, quyết đánh tới cùng với quân đội Hoa Kỳ để rồi chuốt lấy sự thảm bại. Tất cả những sự việc này mới vừa được cơ quan Bảo tồn văn khố Anh quốc giải mã vào ngày 12 tháng 8 vừa qua.
Theo các nhà sử học cận đại Nhật Bản thì lúc đó ông Staline quá chủ quan, nghĩ rằng Nhật Bản chạy đường trời cũng không thể nào thoát khỏi ách Cộng sản nên đã trả lời dứt khoát, chứ nếu cứ hứa cho qua chuyện như những gì họ làm sau này thì sau thế chiến Nhật đã trở thành một nước Cộng sản mất rồi. Đó là cái diễm phúc của người dân Nhật, không một ngày nào sống dưới chế độ Cộng sản, một chế độ được coi như là kẻ thù của nhân loại.
Vô số kẻ lãnh đạo Trung quốc bỏ trốn ra nước ngoài cùng với gia đình và tài sản
Cuối năm 2012, khi lên nhậm chức Chủ tịch nhà nước Trung quốc, ông Tập Cận Bình cũng đã tuyên bố như bao nhiêu vị tiền nhiệm của mình là phải triệt để phòng chống tham nhũng. Dưới các chế độ Cộng sản độc tài, người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu quốc gia, không làm theo những gì mình tuyên bố thì cũng chẳng sao vì đâu có ai dám đứng lên công khai phê phán, tuy nhiên nhiều khi lãnh đạo cũng phải làm một vài chuyện gì đó để gọi là ‘‘dám nói, dám làm’’ rồi dùng nó để tuyên truyền.
Theo các nhà hoạt động xã hội ở Hoa lục thì đã 8 tháng qua, không có một vụ tham nhũng, hối lộ nào nổi cộm được báo đài loan tin, chẳng phải vì người ta, tức thành phần có chức quyền, sợ ông Tập Cận Bình mà phải hiểu ngược lại là ông Tập không làm gì phòng chống tham nhũng được vì có quan chức nào ở đất nước Trung quốc này mà không tham nhũng đâu, lớn ăn theo lớn, nhỏ ăn theo nhỏ, nó đan xích với nhau như một tổ vọ, chỉ khi nào chế độ sụp đổ thì mới hết ăn thôi. Bản thân ông Tập cũng là một tay tham nhũng khét tiếng thì làm sao dẹp ai được. Ngoài ra, ông Tập chưa hẳn là người dám mạnh tay như ông Hồ Cẩm Đào, thế mà khi ông Đào nắm quyền chuyện tham nhũng, hối lộ chỉ có tăng chứ không hề giảm, thỉnh thoảng cũng có một vài người bị bắt, nhưng đó chỉ là những con dê tế thần hay cánh này đánh phe kia như trường hợp ông Bạc Hy Lai.
Trong chiều hướng đó, vào ngày 14 tháng 8 vừa qua, tờ Nhân Dân của đảng Cộng sản Trung quốc đăng tin cho hay là chính quyền tỉnh Quảng Tây đã không còn biết ông Vương Nhạn Uy, Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung quốc (một tổ chức giống như Mặt trận Tổ quốc của chính quyền CSVN) bây giờ ở đâu mà tìm. Ngoài ông Vương ra còn có thêm hai quan chức khác tại tỉnh Hồ Nam cũng biệt vô âm tín. Tờ Nhân Dân không viết dài dòng về tin này nhưng kết luận chắc như bắp rang là cả ba quan chức đó đã bỏ trốn ra nước ngoài. Nếu cộng thêm ba quan chức này vào thì trong 5 năm qua đã có trên 6.220 người bỏ trốn ra nước ngoài.
Theo điều tra của Viện Xã hội & Khoa học Trung quốc thì từ năm 1990 đến giữa tháng 6 năm 2013 đã có từ 16 đến 18 ngàn cán bộ, quan chức làm việc tại các Bộ, các Ban, Ngành và tại các xí nghiệp quốc doanh bỏ trốn ra nước ngoài với tài sản của mình. Tổng cộng tất cả có thể trên 800 tỷ đồng nhân dân tệ.
Chỉ có tờ Nam Phương nhật báo là dám chỉ trích chính quyền tỉnh Quảng Tây và tỉnh Hồ Nam thiếu trách nhiệm trong việc phòng chống tham nhũng. Một cơ quan như Nam Phương nhật báo mà còn biết ông Vũ Nhạn Uy bây giờ đang chữa bệnh ở Úc, mà tỉnh Quảng Tây và Ủy ban Phòng chống tham nhũng trung ương lại không biết ông Vương bây giờ ở đâu mà tìm thì điều này thật vô lý. Theo tờ Nam Phương thì cuối tháng 6/2013, ông Vương đã nạp đơn xin từ chức để sang Úc chữa bệnh, hai quan chức ở tỉnh Hồ Nam cũng xin từ chức với lý do như ông Vương. Cả ba đơn từ chức đều được chính quyền Quảng Tây và Hồ Nam chấp thuận thì nếu ba ông này bỏ trốn như tờ Nhân Dân nói thì việc bỏ trốn này ắt hẳn phải có sự thỏa hiệp ngầm giữa các đương sự với chính quyền địa phương.
Các nhà theo dõi tình hình xã hội, chính trị Trung quốc nói rằng một quan chức ở Hoa lục từ cấp Phó trưởng ty trở lên đều có trương mục ngân hàng ở các nước, có con cái hay thân nhân ruột thịt ở nước ngoài, Ba quan chức vừa mới bỏ trốn chắc chắn là họ đã chuyển tài sản ra nước ngoài từ lâu chứ đâu phải khi chạy mới đem theo, nghĩa là họ đã tham nhũng cả mấy chục năm nay vậy mà mới có giấy mời đến Ủy ban Phòng chống tham nhũng địa phương làm việc, không chừng trước khi gởi giấy mời làm việc đã ngầm thông báo cho các đương sự biết để bỏ trốn. Theo luật hiện hành của Trung quốc thì nếu phát giác quan chức nào có hành vi hối lộ, biển thủ ngân quỹ nhà nước từ 100 triệu đồng nguyên trở lên là phải chịu mức án tử hình. Năm 2011, một cán bộ Tài chánh tỉnh Giang Tây thụt két 100 triệu đồng nguyên rồi bỏ trốn sang Singapore, cán bộ này bị bắt và dẫn độ về Trung quốc, khi đem ra xử chỉ bị phạt 15 tháng tù. Trường hợp mới đây nhất là ông Lưu Chí Quân, cựu Bộ trưởng Đường sắt Trung quốc bị án tử hình vì nhiều vụ hối lộ trên 130 triệu mỹ kim. Ông Lưu bị án tử hình nhưng cho hưởng án treo vì có công đóng góp và xây dựng Đảng. Nói tóm lại là chưa có một quan chức lớn nào bị xử bắn vì tội tham nhũng, hối lộ.
Thưa quý thính giả, mặc dù từ ông Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo hay Tập Cận Bình đều là những tay tham nhũng, hối lộ hạng nặng, nhưng họ còn cố gắng che dấu vì sợ tiếng xấu, trong khi ông Nguyễn Tấn Dũng ăn bạo mà chẳng sợ ai nên ấn tượng còn xấu hơn cả lãnh đạo Trung quốc. Kẻ tham nhũng, hối lộ mà đứng đầu Ủy ban Phòng chống tham nhũng thì sao mà thành công được, nhưng ở Trung quốc hay Việt Nam có quan chức nào mà không tham nhũng đâu. Bởi vậy trò phòng chống tham nhũng ở Trung quốc hay Việt Nam chỉ là trò hề, nhưng cái trò hề này vẫn phải duy trì để tuyên truyền láo khoét và là loại vũ khí lợi hại cho phe cánh cầm quyền triệt hạ đối thủ chính trị của mình.