Thủ tướng Abe bị chỉ trích là không hiểu về kinh tế học

- Quảng Cáo -

1. Thủ tướng Abe bị chỉ trích là không hiểu về kinh tế học

 

ThuTuongABENguyễn Khanh và Nam Phương xin kính chào quý thính giả của đài Chân Trời Mới, để mở đầu cho tiết mục Một Vòng Á châu tuần này là đề tài nói đến việc ông Abe, Thủ tướng Nhật, bị chỉ trích là không hiểu về kinh tế học. Kính mời quý thính giả theo dõi qua sự tóm lược của Nguyễn Khanh và Nam Phương.

Trước kỳ bầu cử Quốc hội vào tháng 12 năm ngoái và ngay sau khi lên nhậm chức Thủ tướng, ông Abe Shinzo đều tuyên bố sẽ chận đứng nạn giảm phát (deflation) bằng cách cho tăng giá hàng hóa lên 2% để cho các hãng sản xuất có thể tăng thu hầu trả lương cao cho nhân viên. Ngoài ra, Thủ tướng Abe còn yêu cầu ngân hàng Quốc gia bỏ tiền ra mua trái phiếu của các ngân hàng để họ có tiền cho những xí nghiệp nhỏ và vừa vay hầu tăng phương tiện sản xuất. Đây là bước đầu mà Thủ tướng Abe gọi là mũi tên thứ nhất trong chính sách cải cách kinh tế của ông. Mặc dù đến đầu năm 2014 mới bắt đầu áp dụng việc tăng giá các mặt hàng lên 2%, nhưng chỉ cần một lời tuyên bố và một số động thái tích cực của Thủ tướng Abe và toàn thể nội các, kể cả tân Thống đốc ngân hàng Quốc gia Nhật cũng đã làm thay đổi cục diện, hối suất đồng yen đang cao từ 1 mỹ kim ăn 78 yen dần dần hạ xuống thành 90 yen rồi 100 yen. Các hãng xuất khẩu Nhật, đặc biệt là hãng Toyota, Nissan, Honda…lấy lại được phong độ vì bán được nhiều xe. Chỉ số Nikkei của cổ phiếu tăng đến 70% so với tháng 11 năm 2012. Chuyện đồng yen bổng nhiên hạ giá vùn vụt đã khiến cho nhiều quốc gia trong nhóm G20 đặt vấn đề trong hội nghị Tài chánh tổ chức tại Washington DC vào tháng 4/2013. Bộ trưởng Tài chánh Hàn quốc tuy không thể phê phán việc đồng yen mất giá, nhưng phát biểu rằng chính phủ Nhật cần phải hiệp nghị với G20 về hối suất đồng yen vì sự lên xuống của đồng tiền này ảnh hưởng chung cho tất cả chứ không riêng gì Nhật Bản. Phía Nhật giải thích rằng nỗ lực hiện nay của chúng tôi là phá vỡ tình trạng giảm phát chứ không phải tìm cách hạ giá hối suất đồng yen. Hối suất tăng hay giảm là do sự điều tiết của thị trường thế giới, không có một quốc gia tự do, dân chủ nào (kể cả Hoa Kỳ) có thể làm được cái chuyện muốn cho đồng bạc của mình lên xuống theo chiều hướng có lợi cho mình.

- Quảng Cáo -

Nhiều kinh tế gia nói rằng chính sách cải cách này chẳng có gì mới mẻ cả, nhiều nước cũng biết nhưng không dám áp dụng vì nó chứa đựng một số rủi ro, nếu không muốn gọi là liều lĩnh. Nói gì thì nói, nhưng vào thời điểm này người ta thấy bộ mặt kinh tế của Nhật bắt đầu tươi tỉnh lại một chút sau hơn 22 năm suy trầm, bởi vậy dân Nhật bắt đầu tán tụng và gọi đó là Hiệu ứng Abe hay Chính sách cải cách kiểu Abe mà tiếng Anh gọi là Abenomics.

Vào tháng 5/2013, Thủ tướng Abe đưa ra mũi tên cải cách kinh tế thứ hai là tăng cường sức mạnh cho ba ngành Nông Lâm Ngư nghiệp và mở rộng việc đầu tư cho người dân tham gia.

Tháng 6/2013, Thủ tướng Abe đưa ra mũi tên cải cách thứ ba là thiết lập đặc khu kinh tế chiến lược quốc gia và bải bỏ việc cấm bán các loại dược phẩm thông thường qua mạng Internet. Thủ tướng Abe nói rằng mục tiêu của chính phủ đề ra qua ba mũi tên cải cách này là làm sao trong vòng 10 năm tới thu nhập quân bình của mỗi người dân (GNI) phải tăng hơn 1 triệu rưởi yen so với hiện tại. Khi tiếp xúc với người dân tại bất cứ nơi đâu, Thủ tướng Abe đều kêu gọi mọi người ủng hộ chính sách cải cách kinh tế ba bước của ông để làm sao trong 10 năm tới tăng thu nhập quân bình cho mỗi người dân trên 1 triệu rưởi yen.

Khi nghe Thủ tướng Abe nói chuyện với dân như thế, các chuyên gia kinh tế đã đồng loạt lên tiếng cho rằng Thủ tướng Abe chẳng hiểu gì về kinh tế học cả vì theo định nghĩa chuyên môn của kinh tế học thì Thu Nhập Quốc Dân (Gross National Income: GNI) không phải là thu nhập quân bình của mỗi người dân. GNI là chỉ số kinh tế xác định tổng thu nhập của một quốc gia trong một thời gian ấn định nào đó, thường là 1 năm. Nó bao gồm tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ tạo ra trong quốc gia (GDP), cộng với thu nhập nhận được từ bên ngoài (chủ yếu là lãi vay và cổ tức. Cổ tức là phần lợi nhuận của một công ty sau khi đã trừ thuế được dùng chi trả cho các cổ đông), trừ đi những khoảng tương tự phải trả ra bên ngoài. Nói tóm lại Thu Nhập Quốc Dân tương tự như Tổng Sản Lượng Quốc Gia (Gross National Product: GNP, một từ ngữ mà trước đây hay sử dụng), chỉ khác biệt ở chỗ GNP không trừ đi thuế gián thu.

Trường hợp Thủ tướng Abe hiểu về những từ ngữ kinh tế học mà cắt nghĩa cho người nghe tưởng lầm 10 năm tới thu nhập của mình sẽ tăng trên 1 triệu yen là cố tình đánh lừa người dân để kiếm phiếu. Ở vào trường hợp nào thì Thủ tướng Abe cũng đáng trách. Các ký giả đã đem ý kiến đó của các chuyên gia kinh tế ra chất vấn và đã được ông Suga, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng kiêm phát ngôn viên chính phủ, trả lời rằng có lẽ Thủ tướng Abe muốn cắt nghĩa cho dễ hiểu mà, chứ đâu có ý xấu.

Ở cái xứ tự do, dân chủ như Nhật Bản mà trả lời như thế là đâu được bởi vậy nên các ký giả nói thẳng với ông Suga rằng trả lời vậy nghe sao được. Khi mà các ký giả nghe không lọt tai là ngày hôm sau có chuyện, các báo đài liên tục lên tiếng chỉ trích mạnh Thủ tướng Abe về chuyện này mà chẳng một cơ quan quyền lực nào dám động đến chỉ tìm cách giải thích để đỡ đòn, nếu đỡ không khéo thì dễ bị mất đi sự ủng hộ của người dân. Chuyện xứ người ta là như vậy còn tại Việt Nam dưới sự cai trị độc tài của Cộng sản ai mà khươi một chút cái ngu, cái dốt và cái tham nhũng của lãnh đạo thì bị trả thù ngay. Chỉ mới đòi nạp đơn kiện ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vi phạm luật hành chánh mà tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ bị ông Dũng trả thù như thế nào rồi khỏi cần phải nói ở đây. Một chế độ như thế thì làm sao an dân cho được.

 

2. 68% học sinh cấp 3 Hàn quốc hiểu sai về nguyên nhân cuộc chiến Triều Tiên

 

ChientranhTrieuTienViệc cần phải viết rõ nguyên nhân xảy ra cuộc chiến Triều Tiên trong sách giáo khoa về môn Sử Cận Đại bậc trung học để cho học sinh có nhận thức đúng hơn về cuộc chiến này đang là đề tài tranh cãi kịch liệt trong giới viết sử của Hàn quốc. Kính mời quý thính giả lắng nghe qua sự trình bày của Nguyễn Khanh và Nam Phương.

25 tháng 6 tới đây là đúng 63 năm ngày xảy ra cuộc chiến tranh Triều Tiên. Trước đó một tuần, bộ Giáo dục Hàn quốc đã thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến của học sinh trung học về nguyên nhân gây ra cuộc chiến này với hai câu hỏi như sau: Thứ nhất, do miền Bắc sử dụng vũ lực quân sự xâm chiếm miền Nam và thứ hai là do quân đội miền Nam công kích miền Bắc. 68% trả lời rằng do miền Nam công kích miền Bắc trước. Nữ Tổng thống Phát Cận Huệ thật sự bàng hoàng (shock) trước kết quả của cuộc điều tra này và tuyên bố rằng tại sao một sự thật quá hiễn nhiên mà thời học sinh của tôi ai cũng biết là do Cộng sản Bắc Hàn sử dụng vũ lực tấn công để nhuộm đỏ Nam Hàn nên người dân miền Nam phải đứng lên tự vệ cùng với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Tại sao 68% học sinh bây giờ lại nghĩ rằng nguyên dân là do quân đội miền Nam tấn công trước. Việc bẻ cong lịch sử đã là chuyện không thể chấp nhận, rồi còn viết không rõ ràng trong sách giáo khoa về môn sử cận đại Triều Tiên bậc trung học để cho các em hiểu lầm là chuyện đáng trách hơn. Nhất quyết phải cãi cách lại lối viết, viết sách giáo khoa về môn sử học cần phải rõ ràng và trung thực, không được bẻ cong theo bất kỳ một khuynh hướng nào.

Theo các bình luận gia thì giới viết sử ở Hàn quốc phần lớn là những người thiên tả hay có tư tưởng thiên tả. Đương nhiên trong số này cũng có người ra mặt ủng hộ chế độ Cộng sản Bắc Triều Tiên hay cộng sản nằm vùng. Lấy câu nói ‘’Ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản’’ của người miền Nam Việt Nam để chỉ thành phần này là đúng nhất. Cũng theo các bình luận gia thì lý do chính để nhiều sử gia Hàn quốc thiên tả hay có tư tưởng thiên tả là vì trước đây chẳng mấy ai biết gì nhiều về sự tàn bạo của chế độ Cộng sản, ngược lại vì sống ở miền Nam nên họ thấy rõ nhiều sai lầm của các chính quyền Hàn quốc dưới thời Lý Thừa Vãn, Phát Chính Hy hay Toàn Đẩu Hoán trước đây. Theo họ thì đó chỉ là những chính quyền độc tài theo kiểu quân phiệt chứ không đại diện cho người dân Hàn quốc. Giới viết sử thiên tả này đã tạo được nhiều ảnh hưởng lớn trong ngành Giáo dục học đường từ các giáo viên trung học đến các giáo sư đại học nên chuyện viết mập mờ về nguyên nhân cuộc chiến tranh Triều Tiên trong sách giáo khoa Lịch sử hiện đại bậc trung học là điều dễ hiểu.

Theo các quan sát viên về tình hình xã hội, chính trị Hàn quốc thì những cố vấn về ngành giáo dục cho nữ Tổng thống Phát Cận Huệ đã đề nghị cần phải duyệt xét lại nội dung sách giáo khoa môn Lịch sử cận đại Triều Tiên vì viết không rõ ràng về nguyên nhân xảy ra cuộc chiến Triều Tiên. Muốn có chứng cứ rõ ràng để xúc tiến việc duyệt xét nên đã yêu cầu bộ Giáo dục tiến hành cuộc thăm dò ý kiến học sinh trung học cấp 3 với hai câu hỏi như vừa nói trên. Kết quả đã rõ ràng, việc nữ Tổng thống Phát Cận Huệ tỏ ra bàng hoàng với kết quả thăm dò đó chẳng qua là để dễ dàng ra lịnh cho Ủy ban duyệt xét làm việc. Nếu gọi đây là một thủ thuật chính trị của nữ Tổng thống Phát Cận Huệ thì cũng không sai, nhưng thủ thuật này không có gì vi phạm luật phát cả nên chẳng có ai chống đối, ngoại trừ giới viết sử có tư tưởng thiên tả.

Đến đây đã chấm dứt tiết mục Một Vòng Á châu, Nguyễn Khanh và Nam Phương xin kính chào tạm biệt  quý thính giả .

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here