Trong thời kỳ Nhật đô hộ bán đảo Triều Tiên, chính quyền thực dân Nhật đã đưa nhiều người dân Triều Tiên sang mẫu quốc để làm đường xe lửa và những công việc lao động nặng nhọc khác. Sau khi Nhật bại trận thì trên nguyên tắc những người Triều Tiên bị đưa đi làm phu này có quyền trở về nước, nhưng trên thực tế thì vì do đã quen với cuộc sống ở đất khách quê người nên một số đã quyết định ở lại Nhật sinh sống. Vì năm 1950, bán đảo Triều Tiên bị chia đôi nên người Triều Tiên ở lại cũng chia thành hai phe, những người xuất thân từ miền Bắc phần đông ủng hộ thể chế Cộng sản do ông Kim Nhật Thành lãnh đạo vì hai lý do thứ nhất chưa biết gì về Cộng sản nên khi nghe tuyên truyền thì đều tưởng là tốt và thứ hai là nếu một ngày nào đó muốn trở về nước thì phải trở về quê hương ở miền Bắc chứ, không theo, không ủng hộ ông Kim Nhật Thành thì làm sao về được. Những người Triều Tiên xuất thân ở miền Nam thì ngược lại ủng hộ chế độ tự do, dân chủ tức là chính phủ Hàn quốc cũng với mục đích là mong sau này có cơ hội trở về cố hương chứ thực sự cũng chưa hiểu được cái tốt của thể chế Tự do, dân chủ và cái xấu của chủ nghĩa Cộng sản.
Theo con số thống kê của chính phủ Nhật thì tính đến cuối tháng 12 năm 2011, số người Triều Tiên sống ở Nhật là 545.401 người, trong đó hơn phân nửa là người Bắc Hàn đặt dưới sự điều hành của Tổng Liên hội Triều Tiên, còn những người Triều Tiên xuất thân từ miền Nam thì đã có Đại sứ quán Hàn quốc ở Tokyo lo cho về những thủ tục hành chánh.
Do phải gởi tiền bạc về giúp cho chế độ Cộng sản Bắc Hàn nên Tổng Liên hội Triều Tiên tại Nhật đã mang nợ các ngân hàng đến 62,7 tỉ yen (tương đương với 627 triệu mỹ kim), vì chưa có tiền trả nên các ngân hàng Nhật đã nạp đơn lên các tòa án xin xiết một số bất động sản của Tổng hội này để bán đấu giá lấy tiền trừ nợ, trong đó có trụ sở Trung ương.
Trụ sở Trung ương của Tổng Liên hội Triều Tiên tại Nhật là một tòa nhà 12 tầng toạ lạc trên một mãnh đất rộng 2.390 mét vuông nằm ở trung tâm Tokyo. Sau khi công khai niêm yết, giữa tháng 3 vừa qua, tòa án Tokyo đã bắt đầu nhận đơn những ai muốn mua đấu giá trụ sở Trung ương này với giá rao bán từ 2, 134 tỉ yen trở lên, ai trả giá cao nhất sẽ được mua, nhưng muốn nạp đơn mua đấu giá thì phải ứng trước 500 triệu yen gọi là tiền bảo chứng, nếu trúng mà quá thời hạn quy định không chồng tiền thì coi như mất trắng số tiền bảo chứng đó và tòa án mở đợt bán đấu giá khác.
Theo các nhà kinh doanh bất động sản ở Tokyo thì căn cứ vào thời giá trị giá của trụ sở Trung ương này từ 5 đến 7 tỉ yen, nhưng vì khu đất này trước đây có vấn đề rắc rối trong việc sang qua, nhượng lại, hơn nữa đây là trụ sở Trung ương của người Bắc Triều Tiên tại Nhật, đóng vai trò như một sứ quán Bắc Hàn nên dính líu đến nhiều vụ bắt cóc người nhật vào ba, bốn thập niên trước do đó số người nạp đơn mua đấu giá không nhiều. Một công ty mua bán bất động sản nạp đơn mua đấu giá cho biết nếu mua được sẽ sửa sang lại rồi chia thành nhiều phòng cho các công ty thuê làm văn phòng hay cũng có thể đập đi xây chung cư để bán, nhưng vì người Nhật không có thiện cảm với mãnh đất này nên chưa chắc đã có nhiều người thuê hay mua bởi vậy có rất nhiều rủi ro.
Ngày 26/03/2013. sư Ikeguchi, trụ trì chùa Phúc Âm ở tỉnh Kagoshima, miền nam nước Nhật, đã trả giá cao nhất lên đến 4,5 tỉ 19 triệu yen nên được quyền ưu tiên mua. Sự việc này chẳng những làm cho người dân Nhật mà ngay cả phật tử chùa Phúc Âm lắc đầu chào thua vì không biết sao chùa lại giàu thế, nhưng ngạc nhiên hơn khi nghe sư trụ trì chùa tuyên bố mua xong sẽ cho Tổng Liên hội Triều Tiên tại Nhật thuê lại để làm trụ sở Trung ương như trước đây với giá tượng trưng. Truyền thông Nhật nhảy vào cuộc để tìm hiểu lý do tại sao sư Ikeguchi lại có cảm tình đặc biệt với Tổng Liên hội Triều Tiên tại Nhật như thế. Nhờ truyền thông loan tin người dân Nhật mới biết được trong quá khư sư Ikeguchi đã 5 lần sang viếng thăm Bắc Triều Tiên và được đón rước như thượng khách, được lãnh tụ Kim Chính Nhật mời vào dinh đàm đạo và sư Ikeguchi đã hứa sẽ làm bất cứ chuyện gì trong khả năng có được của mình để giúp Bắc Triều Tiên.
Thưa quý thính giả, Nhật Bản là một quốc gia tự do, dân chủ nên mọi người dân đều có quyền làm bất cứ chuyện gì mà luật pháp không cấm nên chuyện sư Ikeguchi có đi đâu, tiếp xúc với ai cũng chẳng có gì phạm pháp, có điều chính quyền Bình Nhưỡng luôn hăm he sang bằng Tokyo thành bình địa nên chuyện sư Ikeguchi quá thân thiện với Bắc Hàn cũng gây phản cảm trong lòng người dân Nhật. Ngày 10/05 vừa rồi là hạn chót nạp tiền để nhận nhà, nhưng sư Ikeguchi lại không kiếm đâu ra được tiền nên coi như không được mua và tòa án mở phiên bán đấu giá khác, đương nhiên là sư Ikeguchi bị mất 500 triệu yen tiền đặc cọc. Thật ra trước khi quyết định mua đấu giá, sư Ikeguchi đã đến các ngân hàng xin vay tiền, giao thiệp thế nào thì chẳng biết, nhưng sư Ikeguchi nghĩ rằng mình sẽ được cho vay để rồi sự việc lại không diễn ra như dự tưởng. Lý do tại sao các ngân hàng không cho vay thì báo chí không nói đến, nhưng người ta đoán rằng ngân hàng sợ đây là một món nợ xấu nên từ chối. Bỏ một số tiền lớn ra mua để rồi cho Tổng Liên hội Triều Tiên tại Nhật thuê lại với giá tượng trưng thì là gì nếu không phải nợ xấu, thưa có đúng không quý thính giả.
Nhân viên trên các tàu hải giám, ngư chính Trung Quốc lo ngại đụng đầu với lực lượng tuần duyên của Nhật ở vùng biển Điếu Ngư/Senkaku
Cuối tháng 3 vừa qua, chính quyền Bắc Kinh đã quyết định thành lập Cục Hải Dương Trung quốc để thống hợp tất cả các lực lượng tuần tra duyên ngạn, các tàu hải giám, các tàu ngư chính và các tàu quan thuế. Thật ra ai cũng biết việc thành lập cục Hải dương này là để thực hiện âm mưu khống chế biển Đông và biển Hoa Đông chứ không phải như lời giải thích của Bắc Kinh là để nâng cao hiệu quả việc quản lý các tàu bè trong việc bảo vệ lãnh hải và những lợi ích cốt lõi của Trung quốc trên biển cả. Theo quyết định này thì đến tháng 6 năm nay tất cả các tỉnh duyên ngạn phải xúc tiến theo biên chế này, tuy nhiên do sự xung đột về lợi ích riêng của các đơn vị chẳng hạn như Ủy ban Quản lý vùng biển Điếu Ngư / Senkaku và một phần biển Đông của tỉnh Phúc Kiến hay lực lượng quản lý vùng biển Đông của tỉnh Hải Nam nên hai tỉnh này chưa muốn biên chế vội, viện nhiều lý do để yêu cầu kéo dài thời hạn biên chế sớm nhất là tháng 12 năm 2013 chứ không phải là tháng 6.
Thường thì các tướng lãnh không bao giờ có ý kiến khác với sự quyết định của Trung ương về việc biên chế các lực lượng quân đội, nhưng lần này phản đối ra mặt, chứng tỏ quyền lực của ông Tập Cận Bình chưa đủ mạnh. Theo các quan sát viên về tình hình quân sự Trung quốc thì về phần các tướng lãnh thì ai cũng muốn mình nắm giữ thêm nhiều lực lượng và chức vụ quan trọng hơn sau khi biên chế, còn lính hải quan hay tuần duyên chỉ quen đi tàu nho,û gần bờ không muốn phải lên tàu lớn đi xa và nhất là rất bất an khi phải đụng đầu với lực lượng tuần duyên của Nhật ở vùng quần đảo Điếu Ngư / Senkaku.
Theo tờ tuần san Nam Phương phát hành ở Quảng Đông thì không dễ gì các tướng vùng đứng ra tranh nhau quyền lực nếu không có ô dù ở trong Bộ Chính trị, phải hiểu rằng đang có sự tranh dành quyền lực ở thượng tầng lãnh đạo trong buổi giao thời của tân thể chế Tập Cận Bình-Lý Khắc Cường. Khi thỏa hiệp xong thì việc tái biên chế sẽ được tiến hành ngay cho dù có rất nhiều điều bất cập về đủ mọi mặt, kể cả mặt pháp chế hiện hành của Trung quốc.
Theo giới chức quân sự Nhật thì việc biên chế này cho thấy Trung quốc ngày càng hung hăng hơn trong âm mưu xâm lược quần đảo Senkaku và khống chế biển Đông. Muốn đập tan âm mưu này không còn cách nào khác hơn là phải nỗ lực tăng cường phòng thủ, kêu gọi các quốc gia trong vùng liên kết lại và đưa vấn đề ra trong các hội nghị quốc tế để giải quyết chứ không thể hòa đàm song phương với Trung quốc.
Ai cũng biết ý đồ của Bắc Kinh là muốn biến biển đảo của các nước thành vùng tranh chấp, muốn biến những nơi nào mà họ chiếm đóng bằng vũ lực thành lãnh thổ và lãnh hải của Trung quốc, ấy vậy mà lãnh đạo đảng CSVN Việt Nam lúc nào cũng muốn hội đàm song phương với Bắc Kinh để giải quyết vấn đề. Họ không chịu mở mắt ra để nhìn vào thực tế hay ngậm bò hòn khen ngọt để được Bắc Kinh cho phép bám giữ quyền lực thống trị để vơ vét tài nguyên đất nước.