Hàng ngàn người ký tên kêu gọi công lý cho ông Đoàn Văn Vươn
Một ngày trước khi vụ án xét xử gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn diễn ra tại Hải Phòng, hàng ngàn người ký tên vào các thỉnh nguyện thư ủng hộ gia đình ông Vươn và kêu gọi công lý cho hai phiên xử được bắt đầu từ ngày 2 đến ngày 10/04.
Tuyên ngôn Công lý cho Đoàn Văn Vươn do nhóm sinh viên đại học Luật TPHCM khởi xướng hôm 31/3 tới chiều tối ngày 1/4 đã thu hút được trên một ngàn chữ ký cả trong lẫn ngoài nước. Bản Tuyên ngôn nêu rõ chính quyền huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đã có nhiều sai phạm, đi ngược lại lợi ích của người dân trong âm mưu dùng võ lực thu hồi bất hợp pháp đất canh tác của gia đình ông Vươn và rằng hành vi chống trả của ông Vươn là quyền tự vệ, bảo vệ tài sản chính đáng.
Cùng với Tuyên ngôn Công lý cho Đoàn Văn Vươn do nhóm sinh viên luật khởi xướng, các nông dân bị tịch thu đất đai ở Văn Giang, Dương Nội, cũng ra Tuyên bố kêu gọi tòa án Hải Phòng tha bổng cho các thành viên trong gia đình ông Vươn và trừng trị thích đáng những kẻ lạm quyền chà đạp pháp luật, đẩy người nông dân đến bước đường cùng. Hôm 29/3, nhóm linh mục Nguyễn Kim Điền với sự hiệp thông của linh mục bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Lý đang bị cầm tù phổ biến Tuyên bố kêu gọi mọi người ủng hộ công lý và sự thật trong vụ án Đoàn Văn Vươn.
Ngoài ra hôm Chủ Nhật 31/3, tại nhà thờ Thái Hà dòng Chúa cứu thế tại Hà Nội, đã có buổi lễ hiệp thông, thắp nến cầu nguyện cho người nông dân kiên cường Đoàn Văn Vươn và các người thân trong gia đình ông.
Tại buổi lễ nôi bật các biểu ngữ mang những dòng chữ : “Công lý – Sự thật cho Đoàn Văn Vươn,” “Đoàn Văn Vươn không phạm tội giết người”, “Quyền tư hữu về đất đai phải được tôn trọng”.
Trung Quốc ngày càng lấn lướt trên Biển Đông
Trong những ngày qua, không ngày nào không thấy báo chí loan tin về các hoạt động của các tàu Hải quân, Hải tuần, hay Hải giám, Ngư chính của Trung Quốc tại Biển Đông. Những hành động của các đội tàu này càng lúc càng có vẻ coi thường các láng giềng, từ việc bắn cháy ca bin tàu đánh cá Việt Nam gần Hoàng Sa, cho đến việc kéo xuống vùng cực nam Biển Đông thị uy ngay trước một bãi san hô mà Malaysia tuyên bố chủ quyền. Thực tế cần ghi nhận đầu tiên là tàu thuyền Trung Quốc trong thời gian gần đây đã tung hoành tại Biển Đông như ở chỗ không người, và sẽ tăng gia hoạt động trong thời gian sắp tới.
Trung Quốc ngày càng thúc đẩy chiến lược dùng các lực lượng mà họ ngụy trang dưới vỏ bọc dân sự để áp đặt quyền kiểm soát thực tế trên toàn bộ Biển Đông. Hành động mới nhất theo chiều hướng này là cho chiếc tàu Ngư Chính 312 vừa tu bổ xong xuống tuần tra tại vùng quần đảo Trường Sa. Báo chí Trung Quốc đã nhất loạt ca ngợi chiếc tàu « tuần tra ngư nghiệp » lớn nhất trong đội tàu Ngư chính, và không che giấu việc chiếc tàu này thực chất là một chiến hạm được biến thành tàu dân sự.
Song song với các đội tàu gọi là phi quân sự, Hải quân Trung Quốc không ngần ngại phô trương thanh thế, và mới đây đã hoàn tất một cuộc tập trận thứ hai từ đầu năm đến nay tại Biển Đông, lần này huy động đến tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn, cũng được báo chí Trung Quốc phô trương là thuộc lớp tàu đổ bộ hiện đại nhất và lớn nhất của Trung Quốc.
Việt Nam ’không ngăn được buôn lậu’ vì ’ô dù’
Phúc trình của ban Chỉ đạo chống buôn lậu, làm hàng giả, và gian lận thương mại được trình bày trong hội nghị hôm 30/03 tại Hà Nội, thừa nhận rằng cán bộ, công chức nhà nước đã tiếp tay, hậu thuẫn và trợ giúp các tổ chức buôn lậu. Bên cạnh đó, hoạt động buôn lậu ngày càng tinh vi hơn, được tổ chức qui mô hơn, với số vốn đầu tư khổng lồ.
Theo bản phúc trình thì riêng trong năm 2012, gần 32,000 vụ buôn lậu bị khám phá với trị giá hàng hóa lên tới 440.7 tỉ đồng, tương đương 22 triệu đôla, tức là nhiều gấp rưỡi so với năm 2011 và nhiều nhất vẫn qua đường hàng không, liên quan tới nhiều công chức thẩm quyền của nhà nước.
Cũng theo phúc trình này, giới buôn lậu đã tung tiền mua chuộc các cán bộ có thẩm quyền để đưa hàng cấm xuất, nhập cảnh Việt Nam một cách dễ dàng. Nhiều “mối quan hệ chồng chéo” khiến nạn buôn lậu diễn ra ở nhiều vùng, nhiều nơi, đặc biệt tại các cửa khẩu, sân bay của Việt Nam. Các loại hàng cấm “có giá” gồm vàng, ngoại tệ, hàng điện tử, cổ vật v.v…
Phúc trình chính thức của ban Chỉ đạo chống buôn lậu, làm hàng giả, và gian lận thương mại còn xác nhận rằng nhiều công ty công khai buôn lậu nhiều vụ nhưng vẫn không hề bị rút giấy phép hoạt động. Không ít công ty khác chỉ bị phạt rất nhẹ nên tiếp tục “con đường buôn lậu thong dong”…
Báo Thanh Niên cho biết, tình trạng buôn lậu diễn ra ở các cửa biên giới ngày càng công khai, có vẻ thách thức bộ máy chính quyền gần như đã buông tay.