Ủy ban Nhân Dân Sài Gòn cấm người dân xem đĩa nhạc của Asia

- Quảng Cáo -

- Ủy ban Nhân Dân Sài Gòn cấm người dân xem đĩa nhạc của Asia

Ủy Ban Nhân Dân Saigon vừa ban hành lệnh cấm người dân xem đĩa ca nhạc 32 năm kỷ niệm của Trung tâm Asia, trong đó có một ca khúc sáng tác cho chiến dịch Triệu con tim một tiếng nói của nhạc sĩ Trúc Hồ. Thông báo kêu gọi người dân không tiếp tay phổ biến bộ đĩa Asia, được tung ra vào cuối tuần qua.

Theo nội dung thông báo, Ủy ban Nhân Dân Saigon chỉ đạo tất cả các ban ngành, từ thành phố đến các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không tiếp tay phổ biến bộ đĩa ASIA 71, 32 năm kỷ niệm có xuất xứ từ hải ngoại.

Ngoài việc tuyên truyền, Ủy ban Nhân Dân thành phố còn đe dọa sẽ huy động lực lượng để kiểm tra và xử phạt nghiêm khắc những cơ sở kinh doanh, các cửa hàng băng đĩa in sang, lưu trữ và phổ biến bộ DVD chương trình ca nhạc Asia 71. Chương trình ca nhạc kỷ niệm 32 năm thành lập của Trung tâm Asia được tổ chức vào cuối tháng 11, quy tụ hầu hết các nghệ sĩ tên tuổi tại hải ngoại tham gia. Nội dung chương trình ca nhạc nói nhiều về các vấn đề thời sự tại Việt Nam, ủng hộ nhân quyền, chống Trung cộng xâm lăng. Những người hiểu chuyện cho biết việc Ủy ban Nhân Dân Saigon ban hành lệnh cấm như trên nhiều khả năng sẽ gây phản ứng ngược. Người dân Saigon sẽ đổ xô tìm kiếm bộ đĩa DVD này.

- Quảng Cáo -

- Hội Đồng Hương Công Nhân Lao Động Vinh, Đào Viên tại Đài Loan Dâng Thánh Lễ Cầu Nguyện cho 14 Thanh Niên Yêu Nước

Để hiệp thông với 14 anh chị Thanh Niên Công Giáo, Tin Lành (TNCG,TL) vừa bị nhà cầm quyền Việt Nam kết án nặng nề trong phiên xử 2 ngày 8-9/1/2013, Cộng Đoàn Công Giáo Công Nhân Lao Động Đào Viên tại Đài Loan đã tổ chức dâng thánh lễ và thắp nến cầu nguyện vào lúc 6:30 chiều ngày 13/1/2013, với sự thăm dự của gần 400 công nhân lao động. Linh mục chủ tế Phêrô Nguyễn Văn Hùng, đã mời gọi mọi người tham dự, hướng về Việt Nam , đặc biệt giáo phận Vinh, nơi đã sản sinh ra những người con ưu tú, can trường, dâng lời cảm tạ và cầu nguyện cho các chứng nhân luôn “chân cứng đá mềm”. Cha đã trích lại các lời phát biểu tại toà án của các anh, chứng minh sự vô tội và tinh thần bất khuất của họ.

Sau rước lễ, ban tổ chức đã trình chiếu bộ slide gồm 1 số hình ảnh của 14 Thanh Niên Công Giáo, Tin Lành trong phiên tòa, cùng với các bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ đấu tranh Việt Khang, đang bị tù. Những khuôn mặt rất trẻ của những người yêu nước đứng hiên ngang giữa vô số những người công an, gợi lên hình ảnh cuộc khổ nạn của Chúa Kitô khi ngài bị quân lính Philatô, đến bắt tại vườn Cây Dầu. Những lời nguyện cầu đã được cất lên giữa những ánh nến sáng, linh thiêng và xúc động. Những tiếng khóc nấc nghẹn, giọt lệ trên những gò má của rất nhiều bạn trẻ tham dự, đã minh chứng cho sư hiệp thông sâu xa trong tâm hồn của họ với những người TNCG, TL yêu nước.

Mỗi người, với nến sáng trên tay, đã xếp hàng tiến lên và đặt nến dưới chân Thánh Giá ngay tại lễ đài. Dưới chân Thập Tự, những ngọn nến cháy sáng được sắp theo hình Thánh Giá. Biểu tượng của sự dâng hiến và hy vọng. Bài hát Kinh Hoà Bình đã được cất cao, và mọi người hiện diện đã sốt sắng dâng lời nguyện cầu cho Sự Thật, Công Lý sớm hiện diện trên quê hương Việt Nam yêu dấu.

- Ngư dân Quảng Bình tố cáo nhà cầm quyền không cứu người gặp nạn

Sau vụ chìm tàu của ngư dân tại hai giáo xứ Cồn Sẻ và Cồn Nâm thuộc tỉnh Quảng Bình, vào cuối tháng 12 vừa qua, một thánh lễ cầu nguyện đã được diễn ra với sự tham dự của đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp. Trong dịp này, hàng trăm ngư dân thắt khăn tang đã kể lại đầu đuôi diễn biến câu chuyện từ lúc xảy ra. Những người này cho biết trong đêm 30 tháng 12, nhiều đội tàu Cồn Sẻ lâm nạn trên đường vào tránh gió tại cửa Gianh, Quảng Bình. Sau khi nhận được thông tin, cha xứ đã gọi điện cầu cứu nhà cầm quyền tỉnh và các lực lượng cứu cấp tỉnh Quảng Bình vì có phương tiện tối tân hơn song đã không nhận được sự hỗ trợ nào. Và sự việc đau thương đã xảy ra, một chiếc tàu với 14 ngư dân trên tàu bị sóng lớn đánh chìm, cả 14 người mất tích không tìm được xác.

Chính những ngư dân đã xác định tọa độ tàu chìm và đưa tàu ra khơi để cứu người đồng hương nhưng vô ích. Sau đó họ trục vớt tàu bằng cách thuê xà-lan cẩu của một công ty Hà Tĩnh đang đậu tại cảng Hòn La và nhờ cha xứ huy động đội lặn giáo xứ Đông Yên, đến kéo tàu về đậu tại bến tàu giáo xứ.

Tất cả hoạt động này đều do cha xứ, hội đồng mục vụ phối hợp với các đội tàu giáo dân trong xứ thực hiện và chi trả. Đáng buồn là sự thờ ơ lạnh nhạt của cán bộ lãnh đạo tỉnh, hải đội biên phòng và các lực lượng cứu cấp. Điều đáng nói là cán bộ nhà nước đã không giúp gì, nhưng trong bản tin trên truyền hình nhà nước thì lại kể công họ và cho rằng chính nhà nước đã giúp trục vớt tàu của các nạn nhân. Gia đình tang quyến rất phẫn nộ trước cung cách làm việc của báo chí nhà nước, và cho rằng báo đài đã đánh lừa người dân khi loan tin một cách lường gạt như vậy.

- Trung Quốc phát hành bản đồ mới thâu tóm toàn bộ các đảo trên Biển Đông

Tin từ tờ Hindustan Times của Ấn Độ hôm 12/01, thì Trung Quốc tiếp tục có động thái được cho là gây căng thẳng thêm ở khu vực khi công bố một bản đồ mới ’thâu tóm’ tới hơn 130 đảo ở các vùng biển mà nước này đang tranh chấp, trong đó có Biển Đông và vùng biển tiếp giáp với Nhật Bản.

Theo báo này thì các bản đồ cũ định dạng theo chiều ngang, chỉ thể hiện các quần đảo lớn như Tây Sa và Nam Sa mà Việt Nam gọi là quần đảo Hoàng Sa. Trong khi đó, theo lời của Tổng Biên tập Sinomaps Press, Từ Căn Tài được tờ báo Ấn Độ trích dẫn, thì “các bản đồ mới theo chiều dọc đánh dấu rõ ràng các hòn đảo lớn của Trung Quốc,” với liên kết chủ quyền với quốc gia này, và thể hiện các quan hệ về mặt địa lý của các hòn đảo đó với phần còn lại ở khu vực tranh chấp trên các vùng biển với các quốc gia xung quanh các biển, đảo đó. Ở góc dưới cùng bên trái của bản đồ mới còn có phần phóng to quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, quần đảo mà Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với Nhật.

Bên cạnh việc phát hành bản đồ mới, Trung Quốc hôm qua còn tuyên bố sẽ tăng cường tuần tra trên biển và tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên để « bảo vệ chủ quyền » của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Điều nghịch lý khác là trong phần bình luận, tờ China Daily cáo buộc các nước Nhật Bản, Philippines và Việt Nam là đã « làm tăng nhiệt độ trên vùng biển Hoa Đông và Biển Đông. » Tờ báo Trung Quốc cũng cho rằng ba nước nói trên đang tìm hậu thuẫn từ các nước ngoài khu vực cho những « đòi hỏi vô căn cứ » của họ.

Hiện chưa thấy có phản ứng chính thức của nhà cầm quyền Việt Nam, cũng như trên các trang mạng của Văn phòng Chính phủ và Bộ Ngoại Giao không thấy xuất hiện một thông báo hay phản ứng chính thức nào về các nội dung của bản đồ kể trên liên quan các khu vực biển đảo mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here