Nước Nhật mang nợ công lớn nhất thế giới, tính đến quý 1 năm 2020 thì con số đã lên đến 371% GDP. Thế nhưng có một điều rất kỳ lạ là các tổ chức tài chính lớn trên thế giới không ai cho rằng, Nhật có nguy cơ vỡ nợ cả, vì sao? Thực ra, nợ công của Nhật Bản được phân làm 2 phần, một là khoản nợ trong nước được chi trả bằng nội tệ, còn một là những khoản nợ nước ngoài được chi trả bằng ngoại tệ. Với Nhật Bản, khoản nợ nước ngoài chỉ chiếm 80% GDP, khoản nợ này là trong tầm tay của chính phủ Nhật. Còn lại 291% GDP là khoản nợ trong nước nên chính phủ Nhật có nhiều dư địa để xử lý.
Nợ công nước Mỹ hiện nay khoảng 26.729 tỷ USD chiếm khoảng 120% GDP, trong đó khoảng 31% là nợ nước ngoài, trương đương 8.295 tỷ đô la. Thực ra đầu năm 2020 nợ công của Mỹ chỉ có tầm 101% GDP thôi, vì dich Covid – 19 buộc chính phủ bung tiền cứu trợ nên nợ công mới tăng đột biến như vậy. Nhưng cho dù có tăng thêm khoản nợ 20% GDP trong vòng 8 tháng thì nước Mỹ vẫn quá an toàn so với Nhật Bản. Vả lại, dù cho nợ công của Mỹ có tăng lên đến 400% GDP thì họ vẫn còn an toàn hơn Nhật Bản, vì sao? Vì cho dù đó là khoản nợ trong nước hay ngoài nước thì Mỹ vẫn chỉ dùng đồng nội tệ của họ để chi trả. Mà như đã nói, nợ bằng đồng nội tệ bao giờ cũng dễ thu xếp hơn là nợ bằng đồng tiền của nước khác.
Nước Tàu hiện nay có nợ công chiếm khoảng 317% GDP, cao kỷ lục. Trong đó nợ nước ngoài chỉ chiếm 14,3% GDP, rất thấp. Mà như đã nói, nếu khoản nợ bằng nội tệ dù có tỷ lệ rất cao thì chính phủ vẫn có đủ dư địa để xử lý, với khoản nợ 302,7% GDP bằng đồng Yuan Tàu chính quyền Tàu Cộng vẫn không lo ngại. Nếu quả thực Tàu chỉ nợ nước ngoài tổng cộng chỉ 14,3% GDP quá an toàn, khoản nợ này rất bé. Thực chất khoản nợ nhỏ nhoi đó chỉ là phần nổi của tảng băng, còn phần chìm của nó thì không ai biết được.
Thực ra Nhật Bản và Mỹ là nền kinh tế tự do, nhà nước không nhảy vào tranh ăn với doanh nghiệp tư nhân nên họ không nuôi một đám con cưng “doanh nghiệp nhà nước”. Vì vậy, khoản nợ nước ngoài của chính phủ Mỹ và Nhật trong đó không hề có những khoản nợ do chính phủ bảo lãnh. Nhưng Trung Cộng thì lại khác, những công ty quốc doanh vì không đủ uy tín để tự vay nước ngoài nên thường réo bố mẹ (tức chính phủ) đứng ra bảo lãnh cho chúng. Đó là tính đặc thù của nền kinh tế lai căng của Tàu mà các nước tự do không có.
Thực chất, khoản vay của doanh nghiệp nhà nước được chính phủ bảo lãnh ấy là doanh nghiệp tự trả chứ không phải nhà nước. Thế nhưng nếu doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ thì sao? Thì lúc ấy chính phủ phải trả. Mà bất kỳ khoản chi trả nào của chính phủ, thì cuối cùng cũng đổ lên đầu dân dưới dạng thuế. Như vậy qua đây chúng ta thấy, khi nào doanh nghiệp quốc doanh mất khả năng trả nợ thì khi đó khoản vay nước ngoài của các doanh nghiệp này mới được tính vào nợ công chứ không phải khoản vay nào cũng được tính vào đấy được.
Được biết, tính đến năm 2007 chính phủ Trung Cộng đã bảo lãnh cho đám doanh nghiệp quốc doanh của họ vay nước ngoài một lượng bằng 93% GDP, và đến năm 2018 con số đã lên đến 153% GDP, rất cao. Như vậy câu hỏi đặt ra là, khoản nợ 153% GDP của doanh nghiệp quốc doanh Tàu đã vay ấy, thì bao nhiêu phần trăm trong đó là doanh nghiệp không có khả năng trả và buộc chính phủ phải trả thay?! Rất khó xác định tỷ lệ này, vì một quốc gia CS như Tàu Cộng không bao giờ họ thống kê những con số bất lợi cho chính quyền. Chỉ biết rằng, nền kinh tế càng khủng hoảng thì tỷ lệ doanh nghiệp mất khả năng trả nợ càng cao, và trong đó doanh nghiệp quốc doanh không phải là ngoại lệ. Như vậy, kinh tế càng khủng hoảng thì khoản nợ nước ngoài “thật sự” mà chính phủ Trung Cộng phải trả ngày càng phình ra, chính điều này mới làm cho chính quyền Trung Cộng lo ngại. Nó là một quả “bom nổ chậm”.
Việt Nam là bản sao của Trung Cộng, và theo chính quyền CS Việt Nam thông báo thì nợ công Việt Nam năm 2016 là 63,7% GDP và giảm dần đến năm 2019 chỉ còn 56,1% GDP. Thế nhưng năm 2016 trong cuộc họp Quốc hội, ông Trương Trọng Nghĩa chỉ ra rằng, nợ công của Việt Nam nếu cộng thêm các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước do chính phủ bảo lãnh thì phải lên đến 210% GDP, tức tương đương với 431 tỷ đô la vào thời điểm đó. Nghĩa là khoản nợ của doanh nghiệp do chính phủ bảo lãnh khi đó là 143,6% GDP, con số rất cao. Một quả bom nổ chậm đang nằm chờ.
Như đã nói, khi nào các khoản nợ của doanh nghiệp quốc doanh do chính phủ bảo lãnh mà doanh nghiệp không trả nổi, thì mới được gọi là nợ công. Như vậy, việc ông Trương Trọng Nghĩa tính hết khoản vay 143% GDP vào nợ công là không đúng, và chính quyền gạt hoàn toàn các khoản vay này ra khỏi con số nợ công cũng sai nốt. Thực chất, chỉ có hạch toán cho rõ có bao nhiêu phần trăm trong 143% GDP mà các doanh nghiệp quốc doanh vay nước ngoài kia là nợ xấu? Thì khi đó người ta mới cộng con số này vào nợ công được. Thế nhưng rất tiếc, chính quyền CS Hà Nội cũng giống như đàn anh của nó ở Phương Bắc không bao giờ thông báo tình hình sức khỏe của các “quả bom nổ chậm” này.
Hiện nay dịch Covid-19 kéo dài, doanh nghiệp điêu đứng và trong đó có mấy ông quốc doanh, thì tất nợ công thật phải phình to từng ngày, điều này làm chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hiểu hơn ai hết. Theo Ngân Hàng Nhà Nước thông báo thì dự trữ ngoại tệ hiện nay là 92 tỷ đô la. Trong 8 tháng đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước mua vào đến 20 tỷ đô. Như vậy ước tính trong 6 tháng thì họ mua khoảng 15 tỷ đô la, con số này vượt rất xa ngưỡng 2% GDP mà Mỹ đặt ra để quy kết Việt Nam “thao túng tiền tệ”. Mua đô ào ạt không ngại bị Mỹ trừng phạt thì điều đó chứng tỏ nhu cầu trả nợ nước ngoài đang là áp lực rất lớn với chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Khoản ngoại tệ mua vào lớn như vậy chắc chắn chính quyền CS sẽ dùng để bù vào khoản nợ bảo lãnh mà doanh nghiệp nhà nước mất khả năng chi trả. Qua cách giải quyết vấn đề như vậy, rõ ràng ta thấy chính quyền CS Việt Nam đang cố ghìm quả bom nổ chậm nằm im. Nếu không có Vaccine, nền kinh tế Việt Nam sẽ vô cùng khốn đốn, vì vậy nên chính quyền CS mới vội vã đặt mua Vaccine Nga để ngăn chặn Covid-19 sớm nhất có thể.
Nỗ lực là tốt, nhưng khủng hoảng lâu thì mọi nỗ lực đều dẫn tới kiệt sức và khi đó quả bom nổ chậm có dịp được kích nổ. Trong khi đó các nước dân chủ cũng gặp khủng hoảng như vậy, nhưng nợ nước ngoài của họ không tăng vì họ không phải gánh trách nhiệm cho các ông doanh nghiệp nhà nước, từ đó nếu hết dịch nền kinh tế các nước dân chủ sẽ phục hồi nhanh hơn. Đấy là sự khác nhau rất rõ giữa nền kinh tế tự do và nền kinh tế lai căng kiểu CS Tàu./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://www.statista.com/statistics/273294/public-debt-of-the-united-states-by-month/
https://ticdata.treasury.gov/Publish/mfh.txt
https://enternews.vn/bom-no-trung-quoc-sap-phat-no-174955.html
https://www.thesaigontimes.vn/308016/cac-ngan-hang-trung-quoc-doi-mat-voi-suc-ep-lon.html
https://thoimoi.vn/no-cong-cua-viet-nam-trong-5-nam-qua-209213.html
https://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/no-cong-viet-nam-co-the-dat-dinh-vao-nam-nay-3336518/
http://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/du-tru-ngoai-hoi-dat-92-ty-usd-327543.html
#nợcông