Cỗ nhân có câu: “Đi buôn gặp chầu đi câu gặp vịnh”.
Quả vậy, nếu buôn bán gặp chầu, có mối hàng tốt… mua nhanh bán lẹ, mua rẻ bán mắc… Chẳng mấy chốc lên đời. Ngược lại, nếu buôn bán không gặp chầu, xấu mối hàng… buôn bán ế ẩm, thì lỗ vốn là khó tránh.
Cũng vậy, nếu đi câu không gặp vịnh, tức không trúng chỗ có nhiều cá, nhiều cá thèm mồi… Thì sáng vác cần câu đi chiều mang giỏ không về là bình thường.
Cùng một trật như vậy, trong bình diện quốc gia, nhất là những quốc gia đang phát triển, thì “ăn xin” viện trợ, viện trợ hoàn lại hay không hoàn lại, đều tối cần để xóa đói giảm nghèo, để vượt qua cái bẫy thu nhập trung bình.
Nhưng vay vốn cũng có thời chứ không phải lúc nào cũng vay được vốn tốt. Tỉ như hiện nay, Việt Nam được xem đã “tốt nghiệp” vốn vay ưu đãi dài hạn, số lượng lớn, lãi suất thấp của WB (ngân hàng thế giới), ADB (ngân hàng phát triển Á Châu) hay IMF (quỹ tiền tệ quốc tế). Nghĩa là Việt Nam không còn được vay ưu đãi, chỉ có thể vay trên thị trường quốc tế với lãi suất thị trường, số lượng vay và lãi suất vay tùy thuộc vào sự đánh giá tín nhiệm của các tổ chức thẩm định tín dụng như Standard & Poor, Moody’s… chẳng hạn.
Một số nước nghèo, sau khi “tốt nghiệp vay ưu đãi” sẽ đủ sức vượt qua cái bẫy thu nhập trung bình, chí ít cũng thuộc nhóm nước trung bình khá.
Riêng Việt Nam thì kinh tế gia Phạm Chi Lan cho rằng quốc tế xếp hạng Việt Nam là nước không chịu phát triển. Bởi họ cho Việt Nam vay ưu đãi, dài hạn, với số lượng rất lớn, song Việt Nam không tận dụng tốt đòn bẩy vốn để vươn lên, vẫn ì ạch ở nhóm nước có thu nhập trung bình thấp.
Nhiều người cho rằng chính phủ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quản trị yếu kém, sử dụng vốn vàng ấy cho những quả đấm thép không hiệu quả, để lại một núi nợ, những quả đấm thép phế liệu và lúc nhúc tội phạm tham nhũng khoác áo sọc Juventus… cho chính phủ của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nói cách khác, chính phủ Dũng ăn ốc, chính phủ Phúc đổ vỏ.
Kết toán cuối năm ngoái, tuy Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng GDP ngất ngưởng, song chính phủ dự kiến vay thêm gần nửa triệu tỷ để bù đắp ngân sách thiếu hụt trong ba năm tới. Tuy nhiên, khi ấy chưa có dịch cúm Tàu.
Nay dịch cúm Tàu làm tê liệt kinh tế thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ, nếu không muốn nói thuộc nhóm nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi mà nguồn cung nguyên phụ liệu chủ yếu từ Trung Cộng bị tê liệt, thị trường xuất khẩu trọng yếu nhất, đem về thặng dư mậu dịch khổng lồ cho Việt Nam là Mỹ và EU cũng bị cúm Tàu làm tan nát, ảnh hưởng rất lớn đến các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Số lao động xuất khẩu hồi hương hoặc không làm việc được, số kiều bào làm ăn sa sút vì dịch cúm Tàu… ảnh hưởng nặng nề đến lượng kiều hối. Năm ngoái kiều hối về Việt Nam gần 19 tỷ USD, hơn 8% GDP. Năm nay có thể số kiều hối sẽ giảm rất mạnh. Dịch vụ du lịch, hàng không, thương mại nội địa… giảm mạnh, chợ lớn nhất, sầm uất nhất Việt Nam là chợ Bến Thành vắng như chùa Bà Đanh, giá dầu lao dốc làm giảm thêm nguồn thu… Khiến ngân sách hụt thu lớn, thâm thủng ngân sách trong năm nay và vài năm tới không hề nhỏ. Ngân sách năm 2020 còn phải chi một khoản không nhỏ cho đại hội đảng các cấp, một khoản khổng lồ để hỗ trợ kinh tế, riêng khoản 62.000 tỷ hổ trợ dân bị ảnh hưởng vì dịch cúm Tàu vẫn chưa được giải ngân đầy đủ.
Niềm hi vọng lớn nhất của Việt Nam là được Mỹ chọn lựa vào nhóm thịnh vượng chung để đón nhận chuỗi cung ứng từ Trung Cộng chuyển qua, song có tin đồn Trung Cộng “ăn không được phá cho hôi” nên gây sức ép để Việt Nam không thể tiếp nhận các doanh nghiệp Mỹ trong chuỗi cung ứng tại TC chuyển qua. Nếu tin đồn này đúng, và nếu Việt Nam không dám tiếp nhận “đại bàng” thì rất đáng tiếc.
Tóm lại, tuy Việt Nam đã tốt nghiệp trường vay ưu đãi, song cơ hội thu hút vốn đại bàng không hề nhỏ, vấn đề là chính phủ của thủ tướng Phúc quyết định ra sao để có lợi nhất cho Việt Nam, để thời cơ không trôi qua… Vì thời cơ không phải lúc nào cũng có.
Triều Tiên không được may mắn như Việt Nam. Với nghề cạch mặt ăn vạ truyền thống của ba đời ông cháu nhà họ Kim từ thập niên 50 thế kỷ trước đến nay, tỏ ra rất hiệu quả, ăn nên làm ra, tuy chỉ đủ cơm cháo qua ngày, thừa tí đỉnh làm phi đạn và nguyên tử hù dọa láng giềng kiếm cơm. Song từ lúc oắt con Kim Jong Un gặp lão quái Donald Trump ở Singapore đến nay, có vẻ như món cạch mặt ăn vạ không còn hiệu nghiệm. Năm ngoái Triều Tiên lên tiếng xin gạo cứu đói, song cho đến nay chưa nghe tổ chức quốc tế hay nước nào cho gạo, chắc là vã lắm rồi nên buộc phải quay lại nghề truyền thống cạch mặt ăn vạ mưu sinh, mượn chuyện dân Hàn Quốc thả truyền đơn tuyên truyền qua Miền Bắc để hung hăng đe dọa chiến tranh với anh em nhà giàu Phương nam, giật xập tòa nhà biểu tượng hòa giải thống nhất đất nước để thị uy, tuyên bố kiểu đao to búa lớn gia truyền là đòi san bằng đế quốc Mỹ bằng bom nguyên tử.
Nhưng có vẻ như Triều Tiên ăn vạ không đúng lúc, khi mà cả thế giới đang lao đao vì dịch cúm Tàu, Mỹ còn bị một số nhóm biểu tình quá khích lợi dụng chống kỳ thị chủng tộc đập phá và cướp bóc… Nên hành động cạch mặt ăn vạ của Triều Tiên lần này không gây được chú ý đáng kể nào trên thế giới. Có chăng chỉ làm cho lão quái Donald Trump lạnh lùng ký gia hạn trừng phạt Triều Tiên thêm một năm nữa. Việc Triều Tiên đe dọa san bằng nước Mỹ bằng bom nguyên tử thì lão quái Trump đã từng tuyên bố nút bắn nguyên tử của Triều Tiên quá nhỏ so với nút bắn nguyên tử khổng lồ của Mỹ, nghĩa là lời đe dọa của Triều Tiên chẳng còn xi nhê gì với Mỹ.
Và ngay cả Hàn Quốc là nước bị Triều Tiên đe dọa trực tiếp ” tiến về sè ùn (Seoul) ta chiếm nhà mặt tiền.. “, nước luôn lo sợ Triều Tiên “lấy chén sành đổi chén kiểu”, mà nay cũng chẳng coi việc cạch mặt ăn vạ của Triều Tiên ra gì, khi tuyên bố sẵn sàng đáp trả nếu Triều Tiên động binh.
Kết luận: Đúng là ăn xin chờ thời, ăn vạ đợi lúc.
Việt Nam đang gặp thời khi nằm trong sổ vàng để đại bàng hạ cánh, đại bàng hạ cánh càng nhiều, vốn càng lớn mà không cần xin vay, Việt Nam vẫn rủng rỉnh vốn, nhanh chóng đổi thịt thay da. Vấn đề còn lại chỉ là quyết định sáng suốt của lãnh đạo Việt Nam tạo “đất lành chim đậu”.
Trái lại, Triều Tiên đang ăn vạ không phải lúc, không chỉ không kiếm được cơm cháo gì, mà còn có thể làm cho tình cảnh đất nước thêm bi đát./.