Hơn một tuần trôi qua, dư luận trong và ngoài nước vẫn tiếp tục chống lại kết luận của Hội Đồng Thẩm Phán về phán quyết không chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm Sát Tối Cao, và y án đối với tử tù Hồ Duy Hải trong phiên giám đốc thẩm kéo dài từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 5, 2020 vừa qua.
Đây có thể coi là vụ án đã bộc lộ hết bản chất man rợ nhất của nền tư pháp nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không chỉ vì vụ án kéo dài 12 năm chưa có hồi kết, mà còn cho thấy sự lấp liếm của những kẻ nhân danh công lý nhưng đã hành xử theo mệnh lệnh của một thể chế độc tài chứ không bằng trái tim nhân bản của loài người.
Nếu là một thể chế đặt trên nền tảng nhân bản, coi trọng quyền sống của con người thì chắc chắc đã không có phán quyết kỳ quặc rằng: “vụ án đã có những sai sót về tố tụng, nhưng những sai sót đó không làm thay đổi bản chất vụ án.”
Điều mà dư luận phẫn nộ nhất chính là một khi 17 thẩm phán đã coi Hồ Duy Hải là tội phạm, thì dù có sai sót nhỏ hay lớn trong tố tụng, hay bằng chứng có yếu kém, ngụy tạo đến đâu đi chăng nữa cũng vẫn là có tội mà thôi. Tính phi nhân bản của vụ án là nằm ở điểm then chốt này.
Trong một nền luật pháp công minh tại các quốc gia văn minh, nhân bản, mọi yếu tố nhân chứng và vật chứng phải đủ tính thuyết phục cao tuyệt đối, tới độ không còn chút nghi ngờ hợp lý nào (beyond reasonable doubt) thì mới được kết án tử hình.
Hồ Duy Hải là một trong 144 người bị công an điều tra tỉnh Long An “thẩm tra” về 2 trọng tội: “giết người” và “cướp tài sản,” nhưng cuối cùng chỉ có Hải bị truy tố với bản án tử hình. Đáng lý ra bản án tử hình của Hồ Duy Hải đã được thi hành, nhưng đã bị dừng lại vì sự kêu oan của gia đình suốt từ năm 2008 cho đến nay.
Ngày 22 tháng Mười Một, 2019 Viện Kiểm Sát Tối Cao quyết định gửi kháng nghị đến Tòa Án Tối Cao yêu cầu xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải dựa trên các lý do: Bỏ sót những chứng cứ của vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ dẫn đến sai lầm trong việc giải quyết vụ án.
Nói cách khác, Viện Kiểm Sát Tối Cao cho rằng vụ án Hồ Duy Hải đã có nhiều sai sót trong xét xử, trực tiếp ảnh hưởng đến giá trị chứng minh của các chứng cứ theo quy định luật pháp, cho nên yêu cầu Tòa Án Tối Cao hủy các bản án sơ thẩm và phúc thẩm, và cho điều tra lại để xử theo đúng quy định của pháp luật.
Đề nghị của Viện Kiểm Sát Tối Cao là một tiến trình hợp lý và nhân bản để tránh những bản án oan; nhưng Hội Đồng Thẩm Phán gồm 17 thẩm phán, đa số là những quan chức cao cấp của đảng, không những không có khả năng về luật pháp mà còn là những con người máy làm theo mệnh lệnh, đã chống lại đề nghị của Viện Kiểm Sát Tối Cao. Khi những thẩm phán ngồi ở Tòa Án Tối Cao mà hành xử phi nhân như vậy; thì những vụ án oan xảy ra ở các tòa sơ thẩm, phúc thẩm tại nhiều địa phương là chuyện đương nhiên.
Theo nhiều luật sư cho biết là đa số những vụ án oan đều cho thấy các bị can, bị cáo đều tố cáo rằng họ bị cán bộ bức cung, nhục hình nên phải khai nhận tội và đây là điểm chính yếu để buộc tội các nạn nhân. Sau đó, cán bộ điều tra chỉ việc sắp xếp hoặc ngụy tạo các chứng cứ gây án cho tròn “kịch bản” phạm tội của các nạn nhân.
Ông Nguyễn Thanh Chấn, một tử tù nhưng được minh oan mấy năm trước kể rằng, ngoài việc phải nhận tội thì ông bị bắt phải “tập luyện” đâm hình nộm đến mức thuần phục. Lý do nhận tội, không chỉ ông Chấn, mà những nạn nhân khác của bức cung, nhục hình như Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén đã từng giải bày khi được minh oan: “Nhận tội để sống để còn có cơ hội mà kêu oan.”
Ngoài ra, thủ thuật điều tra của công an là mọi tội phạm đều phải làm sao xác định cho có bị can hay bị cáo thì vụ án mới được gọi là điều tra “thành công.” Do cái gọi là thành tích “ưu việt” của bộ máy tư pháp như vậy, nên có những bị cáo như ông Bàn Văn Thái ở Bắc Giang, trải qua 14 phiên xử là 14 lần ông phản cung cho rằng mình bị bức cung, nhục hình.
Sau khi được đình chỉ thi hành án vào năm 2015, trình bày với Đoàn giám sát của Uỷ Ban Trung Ương MTTQ Việt Nam, ông Bàn Văn Thái thuật lại rằng chính công an điều tra đã đánh ông nhừ tử, từ 1 giờ chiều đến 5 giờ chiều buộc phải nhận tội, và chỉ nhận tội thì mới có thể sống để gặp được gia đình hầu nói là mình không phạm tội giết người.
14 lần phản cung cũng là 14 lần ông Thái đã phải chịu những trận đòn nhừ tử, mà ông tả là “bị gí dùi cui điện nhiều lần, vào ngực, có khi cả vào chỗ kín, tôi đau quá và lại nhận tội.”
Đúng là công lý Xã Hội Chủ Nghĩa: Đánh cho tới lúc “lòi ra tội” dù không hề phạm tội mới thôi, hoặc đánh đến chết để vu tội dễ dàng. Nền tảng phi nhân bản, phi công lý này bao giờ cũng đưa đến “thành công” tuyệt đỉnh trong việc tìm ra thủ phạm, vừa đáp ứng được nhu cầu “đạt thành tích” bệnh hoạn, vừa chứng tỏ được sức mạnh của guồng máy bạo lực để gởi đến toàn xã hội thông điệp đe dọa là “thần phục chế độ thì sống, cưỡng lại thì chết.”
Nhưng theo các luật sư thì không phải ai cũng có cơ hội được sống và kêu oan như những trường hợp hy hữu của các tử tù Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén. Có vô số tù nhân bị tử hình oan trái vì hệ thống tư pháp phi nhân bản, dựa trên những ép cung, xét xử cẩu thả trong bộ máy tham ô, nhũng lạm.
Ngày nào mà bộ máy tư pháp không được vận hành trên nền tảng nhân bản, bởi những chuyên gia tư pháp độc lập, thì dù có yêu cầu Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội CSVN nhảy vào can thiệp, các nạn nhân của nền luật pháp phi công lý và phi nhân bản tại Việt Nam hiện nay như Hồ Duy Hải khó mà thoát khỏi án tử hình, dù vụ án có được điều tra và đem xử lại./.