Ngày 6 tháng 8 năm 2019, trên báo Vietnamnet có bài viết “Mỗi lao động Việt làm ra 102 triệu/năm, bằng 1/30 Singapore”. Bài báo này cho biết, năm 2018 năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/30 lần Singapore, 29% năng suất lao động của Thái Lan, 13% năng suất lao động của Malaysia, 44% năng suất lao động của Philippines. Tuy năng xuất lao động của người Việt có khá hơn so với những năm trước, nhưng cũng còn cách quá xa những nước này. Đặc biệt, năng suất lao động của người Việt còn thấp hơn 7% sơ với người Lào. Điều này cho thấy chất lượng nguồn lao động Việt Nam là rất thấp.
Để giả quyết bài toán phát triển bền vững cho đất nước, một chính phủ có tầm nhìn bao giờ cũng đặt mục tiêu phát triển nguồn nhân lực là chính sách quan trọng nhất. Bài toán nhân lực cho một quốc gia đòi hỏi cách nhà hoạch định chính sách chú ý đến 2 yếu tố, đó là chất lượng và số lượng. Như Nhật Bản, Úc, Canada vv.. là những quốc gia có nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng thiếu số lượng, nên họ rất cần nguồn lao động nhập cư. Còn Việt Nam là điển hình nguồn lao động thừa số lượng mà kém chất lượng. Hầu hết những nước tiến bộ đều là nước dân số già nên về số lượng người trong độ tuổi lao động của họ thiếu hụt nghiêm trọng, ngoài ra cũng vì kích thước nền kinh tế họ quá lớn so với quy mô dân số nên lao động thiếu hụt là tất yếu.
Trong 2 yếu tố, số lượng và chất lượng thì chất lượng quan trọng hơn rất nhiều. Như ta biết, hiện nay số người trong độ tuổi lao động ở Việt Nam là 55,4 triệu người. Tính trung bình mỗi người lao động ở Việt Nam làm ra 102 triệu/năm (tương đương 4.512 USD) thì với 55,4 triệu người mỗi năm Việt Nam sẽ có 250 tỷ USD (tức GDP). Thế nhưng nếu đặt giả sử, chất lượng lao động người Việt ngang bằng người Singapore, thì số tiền họ làm ra gấp 30 lần như thế, tức là khoảng 7.500 tỷ USD. Rất lớn! Mà như ta biết, để có chất lượng nguồn nhân lực như hiện nay, thì Singapore chỉ cần nửa thế kỷ. Trong khi đó, nếu muốn tăng số lượng người trong độ tuổi lao động lên gấp 30 lần như hiện nay thì trong 50 năm là không thể. Vậy nên từ đây chúng ta mới thấy, tăng số lượng người trong độ tuổi lao động để giải quyết bài toán con người cho phát triển chỉ là hạ sách.
Hàn- Đài-Sing là 3 quốc gia đã đi đầu trong bài toán phát triển chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, và họ đã thành công. Như ta biết, để nắm bắt quá trình chuyển giao công nghệ thì yếu tố con người là quan trọng nhất. Chính giải quyết tốt bài toán này mà Hàn Quốc chỉ mất có 20 năm để nắm bắt những tiến bộ của thế giới, trong khi đó đã 34 năm mở cửa, nhưng Việt Nam vẫn không thể nắm bắt được gì, nền kinh tế chủ yếu chỉ là gia công làm ra giá trị gia tăng thấp. Như vậy qua đây chúng ta có thể khẳng định rằng, chính sách phát triển nguồn nhân lực cho đất nước của ĐCS qua các thời kỳ đã xem như hoàn toàn thất bại.
Khả năng lao động của con người gọi là năng lực. Năng lực lao động của con người sẽ quyết định chất lượng nguồn nhân lực quốc gia đó, mà năng lực của con người thì lại được cấu thành bởi 3 yếu tố: thứ nhất là sức lực; thứ nhì là trí lực; thứ ba là tâm lực. Sức lực chỉ đơn thuần là sức khỏe, trí lực phụ thuộc vào chất lượng của giáo dục đào tạo và điều kiện học hỏi khi làm việc, tâm lực phụ thuộc vào đạo đức của con người.
Về sức lực thì có thể nói, người Việt không được có chất lượng tốt. Vì sao? Vì nguồn thực phẩm bẩn tràn lan, và chính quyền này gần như không thể kiểm soát nổi. Còn môi trường sống thì ngày một ô nhiễm nghiêm trọng điều đó ai cũng biết. Còn chất lượng ngành y tế của Việt Nam, thì ai cũng biết là rất thấp.
Về trí lực thì có thể nói đây là một bài toán không thể giải được của chính quyền CS. Giáo dục và đào tạo kém chất lượng thì kéo theo trí lực của lực lượng lao động không cao. Bằng cấp chuyên môn của Việt Nam không được thế giới công nhận. Đào tạo đã kém mà hiện tượng mua bán bằng giả lại còn tràn lan nên làm xã hội xáo trộn. Kém chất lượng thì đã tệ mà đồ giả thì lại còn tệ hơn. Giáo sư tiến sỹ của Việt Nam như nấm nhưng chẳng có được phát minh nào thế giới công nhận là một minh chứng, bởi vì trong đó hàng kém chất lượng và hàng giả chiếm phần lớn. Về chất xám mà chỉ toàn là kém chất với đồ giả thì có thể nói, nó nguy hại đến sự phát triển của đất nước vô cùng. Ngoài ra, Việt Nam chỉ là nền kinh tế gia công nên chủ yếu là người lao động dùng nhiều cơ bắp hơn não nên học hỏi cũng không được gì nhiều.
Về tâm lực thì có thể nói thật đáng buồn cho người Việt. Đạo đức thấp, ý thức kém là 2 điểm yếu cố hữu của người Việt. Như ta biết ở Nhật, người ta thà tuyển một người kém chuyên môn mà có đạo đức còn hơn là tuyển người có chuyên môn mà thiếu đạo đức. Vì đơn giản, đào tạo chuyên môn dễ hơn giáo dục đạo đức cho một con người rất nhiều. Mà ai cũng biết, hệ thống chính trị Việt Nam từ thượng tầng tới hạ tầng có đạo đức đâu mà có thể tạo ra một xã hội có đạo đức tốt được?!
Được biết hiện nay Việt Nam đang ở vào thời kỳ “dân số vàng”, nghĩa là người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ lý tưởng, đấy là một lợi thế nhưng không lớn, rồi thời kỳ “dân số vàng” sẽ kết thúc. Dân số vàng chỉ cho ta số lượng chứ không cho chất lượng được, mà chất lượng mới là yếu tố quan trọng làm nên tất cả.
Được biết mới đây, ông Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 588 phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”, trong đó khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi, sớm sinh con. Mới nghe thấy như ông Phúc lo chuyện bao đồng, nhưng nhìn sâu hơn thì không phải. Ở khía cạnh phát triển nhân lực cho đất nước thì rõ ràng đây là một chính sách duy trì thời kỳ dân số vàng. Thực tế mọi biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã bế tắc, và đây là cách duy nhất mà chính phủ của ĐCS có thể làm được. Đó chỉ là hạ sách, nhưng ngoài hạ sách này chính phủ Nguyễn Xuân Phúc không thể làm gì hơn. Và chắc chắn, chính phủ nhiệm kỳ sau cũng chẳng thể làm gì khác được. Lực của họ chỉ tới đó./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=382&idmid=2&ItemID=19136
https://www.sggp.org.vn/khuyen-sinh-giu-dan-so-vang-661693.html
https://thanhnien.vn/thoi-su/khuyen-khich-nam-nu-ket-hon-truoc-30-tuoi-som-sinh-con-1219412.html