Hiền Vương – (VNTB) – Buổi chiều ở B’Lao giờ không còn cái lạnh bàng bạc như 45 năm về trước. Nhưng buổi chiều ở B’Lao mùa này vẫn lắm mây, nhiều khi trời không đủ chỗ cho mây nữa kìa.
Mùa cách ly vì con virus cúm Tàu (xin gọi vậy cho dễ hiểu!), B’Lao buồn hiu hắt, vì chẳng còn cảnh du khách dừng xe ghé lại đôi chút bên những tiệm trà danh tiếng xứ này. Bà chủ của hiệu trà Đỗ Hữu cũng đã từ giã cõi tạm hôm 13/4, thọ 96 tuổi (*). Nơi đây con dốc cũng mang luôn tên dốc Đỗ Hữu.
Những ngày cách ly vì con virus cúm Tàu, sống ở B’Lao lặng lẽ trong những ngày tháng tư để thấy rằng nhiều khi trời rộng đến như vậy, nhưng lắm khi không đủ chỗ cho mây. Trong cái lặng lẽ ấy chợt nhận ra là người Pháp tìm ra cao nguyên này, nên lâu nay cứ ngỡ vương cung thánh đường phải nhiều hơn các ngôi cổ tự, ai dè chỉ nửa tháng ‘chôn chân’ xứ B’Lao, nhận ra đây lại là nơi ‘cổ tự’, lẫn ‘tân tự’ đan xen nhau.
Ở làng Kon hin B’Lao có chùa Phước Huệ xây dựng năm 1936. Cuối năm 1948, Thầy Thích Đường Hạnh được Hội Phật học Trung Việt cử về trụ trì ngôi chùa. Năm 1952, nhân chùa Linh Sơn (Đà Lạt) tổ chức đúc đại hồng chung và chú tượng đức Bổn sư, Phật tử của chùa đã quyên góp các vật dụng bằng đồng, vàng để đúc đại hồng chung nặng 265,5kg và tổ chức lễ thỉnh chuông từ Đà Lạt về Bảo Lộc vào ngày 27/1/1953.
Ngôi ‘tân tự’ ở B’Lao mà du khách trẻ hay rủ rê nhau dừng chân để ngắm mây là Linh Quy Pháp Ấn. Trước khi chùa được xây dựng, nơi đây chỉ là vùng đất thâm sơn cùng cốc với núi đồi có tên Pháp Ẩn sơn, cùng vườn chè, cà phê bao phủ. Cho đến hơn 10 năm trước, một sư thầy tìm đến nơi đây để tu tâm theo Phật. Theo thời gian, sư thầy đã gây dựng nên được chốn tôn nghiêm, thanh bình hòa quyện với thiên nhiên.
B’Lao có Tu viện Bát Nhã bắt đầu xây dựng từ năm 1994 đến 2002 thì hoàn thành. Buổi chiều mùa nào thì sương và mây ở đây cũng nhiều lắm.
Còn hơn tuần lễ nữa là vào Lễ mừng Phật Đản PL.2564 – DL.2020. Ai cũng hy vọng rằng lúc đó đã ‘quá hạn’ về lệnh ‘cách ly xã hội’. Chợt ngẫm nghĩ dẫu có dứt mệnh lệnh hành chánh vì con cúm Tàu, thì vì sao trong thói quen nào đó, người ta vẫn tự cách ly mình ở nếp nghĩ?
Như mới đây, khi tin tức về di ngôn của Thầy Quảng Độ ủy thác điều hành Viện Tăng Thống cho Thầy Tuệ Sỹ, đã nhiều ý kiến không tán đồng, với các viện dẫn về lý nhiều hơn về tình. Chuyện nội bộ của một tổ chức, đành rằng vậy, nhưng các ngôi chùa thì muôn đời nay là của chung chúng sanh.
Biến cố lịch sử 30/04/1975 và sự thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam năm 1981 đã đưa Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vào thế ‘lưỡng đầu thọ nạn’. Một, dùng Phật Giáo ‘tiêu diệt’ Phật Giáo gây phân hóa chia rẽ trầm trọng. Hai, là đặt Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vào thế đối đầu với nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Điều mà tứ chúng môn đồ nhà Phật không bao giờ muốn. Bởi, đã là môn đồ của Phật thì phải tin nhân quả duyên sanh, luân hồi nghiệp báo.
Phật giáo không có giai cấp không những trên xã hội loài người, mà còn đối với muôn loài chúng sanh. Phật Giáo không chủ trương chúng sanh đấu tranh tiêu diệt lẫn nhau. Bởi tất cả chúng sanh đều bình đẳng trước giáo lý của Như Lai. Hạnh nguyện của tăng ni tín đồ nhà Phật là “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Người cộng sản là một trong những thể loại chúng sanh, nên cộng sản cũng cần phải được độ.
B’Lao. Đất trời bao la thì mây trời mênh mông. Miền Thượng thuần nông nên hay ngửa mặt lên trời. Có lúc kêu trời mưa, có lúc kêu trời nắng, có lúc kêu trời nương tay. Miền Thượng bề bộn với mây trời. Đại dương kia hào phóng hay tàn bạo mà cứ đổ mây về núi. Độ thì toàn xám xịt, tợ khói của lò than, kéo lê la ngày này qua tháng nọ, trùm xuống phũ phàng, cứ như muốn làm cũ xưa hơn, sâu và buồn hơn, đau hơn cái xứ Thượng.
“Auras tu jamais le temps de revenir?” – Thời gian thì làm gì trở lại. Cái gì trói buộc ta? Bởi mây nhiều đến đâu thì bầu trời vẫn đủ cho tất cả.
Mùa Phật Đản đang về.
____________________
Chú thích:
(*) Bà Đỗ Thị Ngọc Sâm, sinh năm 1924 ở Huế. Năm 1950, bà rời quê Huế vào xứ B’Lao sinh sống. Mới đầu, bà đi làm thuê cho các sở trà của người Pháp. Năm 1952, bà tự chế biến trà hương để bán cho khách đi xe ngang qua Quốc lộ 20. Bà là người khai sinh ra danh Trà Đỗ Hữu và là người đặt nền móng cho nghề ướp trà ở Bảo Lộc. Theo người nhà của bà Đỗ Thị Ngọc Sâm cho biết, do tuổi cao sức yếu, bà đã qua đời hôm 13/4, thọ 96 tuổi.